Nâng cao chất lượng hôn nhân gia đình Việt
29/06/2017 | 14:38"Nâng cao chất lượng hôn nhân gia đình ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" là chủ đề Hội thảo khoa học vừa được Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức vào ngày 27/6 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam với sự tham dự của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực gia đình.
Chia sẻ, tôn trọng và yêu thương là những nhân tố chính làm nên hạnh phúc gia đình.
(Ảnh: GD&TĐ)
Với gần 30 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực gia đình, hội thảo đã đem đến cái nhìn đúng đắn và toàn diện về vấn đề hôn nhân và gia đình Việt trong giai đoạn hiện nay. Các đặc điểm về hôn nhân và gia đình ở Việt Nam hiện nay đang biến đổi không ngừng, không giống những quy chuẩn các mô hình hôn nhân và gia đình trước đây, đó chính là cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc để tiến tới đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hôn nhân và gia đình ở Việt Nam hiện nay.
Sự biến đổi của hôn nhân và gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH
Đề cập đến sự biến đổi của hôn nhân gia đình Việt trong thời kỳ CHN, HĐH và hội nhập quốc tế, PGS.TS Phạm Ngọc Trung – Trưởng khoa Văn hóa và phát triển (Học viện Báo chí Tuyên truyền) cho rằng: Hôn nhân gia đình đang biến động theo xu hướng phức tạp với các biểu hiện: quy mô gia đình đang thu hẹp (từ gia đình truyền thống tứ đại đồng đường sang gia đình hạt nhân, gia đình đồng tính, gia đình đơn thân,…); cơ cấu quyền lực có sự biến đổi (từ phụ quyền sang hướng dung hòa, bình đẳng, dân chủ); cấu trúc gia đình thì nhỏ dần. Và các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cần định hình xu hướng biến đổi của gia đình Việt Nam hiện nay để tham mưu tư vấn cho các nhà quản lý tìm ra hướng để gia đình Việt Nam phát triển bền vững.
TS Bùi Thanh Thủy – Trưởng khoa Gia đình và Công tác xã hội (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng: Trong hơn mười năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều thay đổi của hôn nhân, gia đình ở Việt Nam. Những thay đổi đó chủ yếu xuất phát từ những thay đổi kinh tế - xã hội và điều kiện sống ở nước ta do tác động của quá trình toàn cầu hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Giai đoạn hiện nay, hôn nhân và gia đình đang phải đối mặt với những thách thức lớn: sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng về kinh tế, văn hóa, những tác động của cơ chế thị trường… Hôn nhân và gia đình đang bị tác động mạnh mẽ. Trên phương diện tích cực, quá trình này tạo nên sự độc lập về kinh tế cho cả vợ và chồng; thay đổi vai trò giới, vị thế người vợ tăng; hôn nhân tự do, tự nguyện; sự độc lập của thế hệ trẻ cao; quan hệ trong gia đình bình đẳng, dân chủ. Gia đình Việt Nam đã chủ động thay đổi để phù hợp với những biến đổi kinh tế xã hội và văn hóa trong quá trình phát triển của đất nước. Mặt khác, sự phát triển đó cũng đem đến nhiều mặt trái, tác động tiêu cực: quan hệ vợ chồng, gia đình lỏng lẻo; sự gia tăng về tình trạng ngoại tình, tỉ lệ ly hôn cao; xuất hiện hình thức kết hôn đồng giới, kết hôn sau khi chung sống; những bi kịch, thảm án gia đình; người gia cô đơn, thiếu sự quan tâm chăm sóc; trẻ em sống ích kỷ, ưa hưởng thụ, học đòi; nạn bạo hành trong gia đình;… ngày càng tăng. Sức ép từ cuộc sống hiện đại khiến hôn nhân trở nên khó khăn với một số người. Mặt khác, những cơ hội để khám phá và phát huy năng lực cá nhân ngày càng mở rộng dẫn đến việc nhiêu người mải mê theo đuổi sự nghiệp mà quên mất sự chia sẻ, quan tâm đến những người thân, làm cho chất lượng đời sống hôn nhân và gia đình giảm sút.
TS Bùi Thanh Thủy - Trưởng khoa Gia đình và Công tác xã hội (Trường Đại học
Văn hóa Hà Nội) phát biểu đề dẫn tại hội thảo.
Giải pháp nâng cao chất lượng hôn nhân gia đình trong giai đoạn hiện nay
Để nâng cao chất lượng, tạo sự kết dính bền vững cho hôn nhân, gia đình, giúp tăng sức đề kháng, đứng vững trước những tác động xấu trong bối cảnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng: Trước hết, mỗi gia đình cần có sự đảm bảo về vật chất, đồng thời các thành viên trong gia đình cần biết yêu thương, quan tâm, cảm thông, chia sẻ, hy sinh cho nhau, biết hạ bớt “cái tôi” của bản thân và nhường nhịn lẫn nhau. Bên cạnh đó, cần tăng cường thông tin, truyền thông để thanh niên hiểu về trách nhiệm, nghĩa vụ thực tế khi sống trong gia đình, tránh ảo tưởng theo những triết lý thiếu thực tế từ bên ngoài.
TS Bùi Thanh Thủy nhấn mạnh: Chất lượng hôn nhân là một khái niệm khó xác định, đa chiều, thể hiện mức hoàn thiện, khả năng thỏa mãn nhu cầu của cả vợ và chồng trong mối quan hệ, là cảm giác hài lòng với sự gắn kết đó. Chất lượng hôn nhân bao gồm những trải nghiệm tốt đẹp, sự yêu thương, chăm sóc, hài lòng với cuộc sống hôn nhân và cả những trải nghiêm tiêu cực như sự mâu thuẫn, chán nản, xung đột trong hôn nhân. Thông thường, nói đến chất lượng hôn nhân là nói đến sự thỏa mãn của cả vợ và chồng trên mọi phương diện trong mối quan hệ, khả năng đáp ứng được những yêu cầu, mong muốn về người bạn đời của bản thân mỗi người cũng như sự hài lòng, hạnh phúc, sự gần gũi, hỗ trợ tình cảm, sự tương tác trong hôn nhân và sự chia sẻ hoạt động cùng nhau.
Để nâng cao chất lượng hôn nhân, TS Bùi Thanh Thủy cho rằng, mỗi người khi kết hôn nên tự nguyện giảm cá tính, bổ khuyết, bổ sung, cống hiến cho nhau tạo nên sự hòa hợp đồng thời mỗi người cần có sự chuyển hóa, thay đổi cho nhau về vị trí vai trò trong những quan hệ cụ thể, giữa hai vợ chồng cần sự biết ơn, nghĩa tình, tương tác, chia sẻ, cần vì nhau trong cuộc sống chung.
PGS – TS Lê Ngọc Văn - Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) khẳng đinh, để nâng cao chất lượng hôn nhân thì đầu tiên các thành viên trong gia đình cần nhận thức sâu sắc được rằng thế nào là thay đổi chất lượng hôn nhân gia đình. Thứ hai là các giải pháp về mặt xã hội, tuyên truyền, vận động cho những mô hình mới mang đặc trưng thời đại và tính chất của một xã hội bình đẳng. Thứ ba là đưa nội dung giáo dục hôn nhân vào trong trường học (giáo dục, giảng dạy những vấn đề cơ bản về hôn nhân và gia đình).
Gia đình là chiếc nôi thân yêu nuôi dưỡng tình yêu thương và vun đắp cho sự trưởng thành của con người; là môi trường để hình thành và phát triển nhân cách; là nơi để rèn luyện lối sống có đạo lý, có tình người; là nơi những người lớn tuổi di dưỡng lại cho thế hệ trẻ tinh thần và kinh nghiệm sống. Vì thế không ai có thể phủ nhận được giá trị thiêng liêng và không thể thay thế được của hạnh phúc và tình yêu thương gia đình. Vậy để có một gia đình hạnh phúc, trở thành điểm tựa vững vàng cho mỗi người trong cuộc sống thì điều quan trọng nhất đó là các thành viên trong gia đình cần biết yêu thương, tôn trọng, quan tâm, cảm thông, chia sẻ./.
Anh Vũ