Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nam Định: Tăng sức hút du khách của hệ thống Bảo tàng

10/12/2021 | 10:26

Sau 15 năm thực hiện Quyết định số 156/QĐ-TTg ngày 23-6-2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến năm 2020” (Quyết định 156), đến nay, hệ thống Bảo tàng, nhà truyền thống ở tỉnh ta đã được xây dựng đồng bộ, khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, giảng dạy, phổ biến kiến thức về lịch sử, văn hóa, cách mạng và góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Nam Định: Tăng sức hút du khách của hệ thống Bảo tàng - Ảnh 1.

Trò chơi dân gian múa rối nước tại phiên Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” do Bảo tàng tỉnh tổ chức.

Để phát huy vị trí của hệ thống bảo tàng, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh thực Quyết định 156 với các nội dung cụ thể: đầu tư xây dựng hệ thống Bảo tàng; tổ chức trưng bày; đẩy mạnh sưu tầm, kiểm kê, bảo quản hiện vật; đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; xây dựng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch qua hệ thống Bảo tàng. Năm 2005, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt “Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh” tại đường Cột Cờ, phường Ngô Quyền (thành phố Nam Định), nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Được khởi công xây dựng năm 2006 và hoàn thành năm 2012, công trình Bảo tàng tỉnh được xây dựng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đạt chuẩn tiêu chí Bảo tàng hạng II, phù hợp với quy hoạch phát triển thành phố trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Bảo tàng tỉnh có diện tích 5.200m2; trong đó diện tích trưng bày cố định, chuyên đề trong nhà 2.300m2; diện tích trưng bày ngoài trời 700m2; diện tích kho bảo quản hiện vật 400m2; bộ phận hành chính, quản lý có diện tích 400m2. Nội dung trưng bày tại Bảo tàng tỉnh tập trung vào những vấn đề lịch sử, văn hóa nổi bật của Nam Định trên cơ sở nguồn tài liệu, hiện vật hiện có và tiếp tục sưu tầm, bổ sung. Phần trưng bày cố định, chuyên đề giới thiệu lịch sử, xã hội tỉnh từ thời tiền sử, qua các giai đoạn phong kiến đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Phần trưng bày ngoài trời là các sưu tập điêu khắc đá có hình khối lớn như: tượng người, tượng linh vật, bia đá… và nhóm hiện vật vũ khí, khí tài đã được sử dụng để bảo vệ bầu trời Hà Nam Ninh trong kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, kết hợp với di tích Cột Cờ Nam Định tạo thành tổng thể hài hòa. Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ, bảo quản 24.108 tài liệu, hiện vật; trong đó có 4 bảo vật quốc gia, 19 sưu tập hiện vật quý hiếm. Toàn bộ tài liệu, hiện vật cơ bản đã được kiểm kê khoa học, bảo quản và tư liệu hóa bằng phần mềm quản lý thông tin hiện vật.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bảo tàng tỉnh, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tại Bảo tàng tỉnh, bao gồm: các hoạt động tham quan, học tập, trải nghiệm về các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; tổ chức các trò chơi dân gian, loại hình văn hóa. Bảo tàng tỉnh phối hợp với các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp du lịch tổ chức hội nghị “Gắn kết hoạt động giáo dục tại bảo tàng và di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh”; phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Văn hóa thờ Nữ thần - Mẫu ở Việt Nam và châu Á, bản sắc và giá trị”; phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại - Trường hợp tín ngưỡng thờ Mẫu”… Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh thường xuyên tổ chức, phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa, các cuộc trưng bày, triển lãm phục vụ nhiệm vụ chính trị và tuyên truyền quảng bá di sản, góp phần giáo dục truyền thống và phát triển du lịch. Trong đó có các cuộc trưng bày quy mô lớn, có tiếng vang như: triển lãm hình tượng sư tử và nghê trong điêu khắc cổ Việt Nam tổ chức ở 6 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, mục đích tuyên truyền chủ trương của Bộ VH, TT và DL về không sử dụng biểu tượng và sản phẩm linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại các huyện, thành phố trong tỉnh… Từ năm 2018 đến nay, vào dịp Tết Nguyên đán, Bảo tàng tỉnh tổ chức Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam”, tạo không gian văn hóa truyền thống phục vụ nhân dân và du khách trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Hàng năm, số lượng khách đến tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh bình quân từ 12 nghìn đến 15 nghìn lượt người. Phát huy hiệu quả quan hệ hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản, Bảo tàng tỉnh đã được tài trợ thực hiện Dự án “Bảo tồn sưu tập đồ thờ bằng gỗ thế kỷ XVII-XVIII tại bảo tàng” với kinh phí 30 nghìn USD của Quỹ Đại sứ bảo tồn văn hóa, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Đối với bảo tàng ngoài công lập, trước năm 2018, tỉnh ta có 2 bảo tàng tư nhân là Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh, đường Đặng Việt Châu (thành phố Nam Định) và Bảo tàng Đồng Quê, xã Giao Thịnh (Giao Thủy). Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh được thành lập năm 2007 do ông Vũ Đình Lưu là chủ sở hữu. Bảo tàng có diện tích trưng bày 60m2. Sau 10 năm mở cửa phục vụ nhân dân, Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh đã nhận được sự giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở VH, TT và DL, Bảo tàng tỉnh để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Di sản văn hóa, quy chế tổ chức hoạt động bảo tàng của Bộ VH, TT và DL, quyết định của UBND tỉnh. Đặc biệt, Bảo tàng còn là điểm đến, kết nối, giao lưu của các cựu chiến binh trong và ngoài tỉnh. Năm 2017, do điều kiện sức khỏe, ông Vũ Đình Lưu đã dừng hoạt động Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh và hiến tặng 1.400 tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng tỉnh bảo quản và phát huy giá trị. Bảo tàng Đồng quê ở xã Giao Thịnh (Giao Thủy) được thành lập năm 2013 do bà Ngô Thị Khiếu là chủ sở hữu có diện tích 4.261m2; trong đó diện tích trưng bày và kho hiện vật 930m2, có hơn 7.000 hiện vật. Từ khi được cấp phép hoạt động đến nay, Bảo tàng Đồng Quê luôn phát huy tốt hiệu quả hoạt động, là điểm đến tham quan, học tập hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là học sinh, sinh viên, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương. Cùng với các bảo tàng, trên địa bàn tỉnh còn có 4 nhà trưng bày truyền thống cấp huyện (Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên); Nhà truyền thống ngành Dệt may Việt Nam (thành phố Nam Định); Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh (Xuân Trường) và Nhà lưu niệm đồng chí Lê Đức Thọ (thành phố Nam Định) cùng gần 50 phòng truyền thống của các sở, ban, ngành, các xã và các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo tàng, Sở VH, TT và DL đã xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức làm công tác bảo tàng nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài các lớp tập huấn, hội thảo về chuyên môn nghiệp vụ do Cục Di sản văn hóa và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VH, TT và DL tổ chức, công tác bồi dưỡng, đào tạo tại chỗ cho cán bộ làm công tác bảo tàng cũng được chú trọng, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên bảo tàng và các nhà truyền thống trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng số cán bộ, viên chức, người lao động tại Bảo tàng tỉnh là 21 người, trong đó có 20 biên chế với 18 viên chức hạng III, 2 viên chức hạng IV, trình độ chuyên môn từ trung cấp đến thạc sĩ. Tổng số nhân viên tại Bảo tàng Đồng quê là 10 người, trình độ từ trung cấp đến đại học.

Phát huy vai trò của hệ thống bảo tàng, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian tới, ngành VH, TT và DL tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của bảo tàng đối với việc học tập suốt đời của người dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực quản lý và phát huy giá trị các hiện vật tại Bảo tàng tỉnh. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo tàng, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khai thác hiệu quả của thiết chế; tôn vinh các tổ chức, cá nhân tham gia hiến tặng hiện vật, hỗ trợ các chương trình hoạt động của bảo tàng. Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, viên chức bảo tàng, tạo điều kiện tổ chức các hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước về tổ chức và hoạt động bảo tàng. Triển khai thực hiện các Đề án: “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động Bảo tàng gắn với phát triển du lịch”, “Tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng và di sản văn hóa”, đưa bảo tàng là một điểm đến tham quan, học tập, vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa hấp dẫn, thu hút người dân, góp phần quảng bá hình ảnh con người, quê hương Nam Định và phát triển du lịch./.

Theo Báo Nam Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×