Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nam Định: Nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong xây dựng môi trường văn hóa

17/08/2022 | 08:26

Phát huy vai trò chủ thể của người dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, văn minh là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện công bằng xã hội không chỉ về mặt hưởng thụ mà cả về cống hiến cho sự nghiệp phát triển văn hóa trong tình hình mới. Đó cũng là mục tiêu lâu dài, mang tính khách quan, khoa học, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tiếp tục thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia nâng cao chất lượng các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu như: tăng cường các nguồn lực xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, mạng lưới giao thông nông thôn, cảnh quan môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; quản lý nghĩa trang nhân dân; bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị các di sản, giá trị văn hóa truyền thống… Qua đó, giúp người dân hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng, lợi ích của việc xây dựng môi trường văn hóa trong phát triển xã hội bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nam Định: Nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong xây dựng môi trường văn hóa - Ảnh 1.

Nông thôn mới nâng cao xã Xuân Kiên (Xuân Trường).

Để phát huy vai trò, trách nhiệm cộng đồng xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh phát huy vài trò nòng cốt trong tập hợp các tầng lớp nhân dân, xây dựng, duy trì nhiều phong trào, mô hình quần chúng như: “Thôn, xóm bình yên, gia đình hạnh phúc” tại địa bàn nông thôn; “Xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, “Chùa tinh tiến” tại địa phương có đông đồng bào theo các tôn giáo; mô hình “Bình yên tuyến biển” ở các địa bàn  tuyến biên phòng; “Xã, phường, khu dân cư không tội phạm, ma tuý”, “Tuyến phố văn minh đô thị”, “Liên gia tự quản, hộ dân tự phòng” tại thành phố Nam Định… Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh vận động hội viên, nhân dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn để giảm tải rác phải xử lý tập trung, tận dụng nguyên liệu rác có thể tái sử dụng; duy trì hoạt động hiệu quả hơn 3.600 mô hình “Chi hội 5 không, 3 sạch”, hàng nghìn tuyến đường “Phụ nữ tự quản”; thành lập gần 100 mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại nhà; xây dựng hơn 2.000 tuyến đường hoa kiểu mẫu... Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh làm nòng cốt  vận động hội viên xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, bình đẳng; tổ chức các hoạt động bảo vệ an toàn cho phụ nữ, trẻ em tại các khu dân cư. Tỉnh Đoàn phát động cuộc vận động “Tuổi trẻ Nam Định chung sức xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu” đến đoàn viên, thanh niên, duy trì các chương trình hoạt động “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT ở khu dân cư… Hội Nông dân tỉnh vận động hội viên thực hiện mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”; tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi  khí hậu...

Đến nay, 100% khu dân cư trong tỉnh xây dựng hương ước, quy ước nếp sống văn hóa; trên 87% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”; trên 98% thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”. Toàn tỉnh có 78/204 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Với phương châm “Lấy sức dân để chăm lo đời sống nhân dân”, các địa phương trong tỉnh đã làm tốt công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực vật chất đầu tư xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Ở các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh, nhiều cá nhân, tập thể đã tài trợ, vận động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, thể thao với kinh phí hàng chục tỷ đồng; thành lập các đội, CLB văn hóa, văn nghệ, TDTT của quần chúng, tạo môi trường, không gian cho người dân tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng. Các địa phương này cũng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa nơi công cộng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội; trong đó đề cao tinh thần gương mẫu chấp hành của cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định “làm cỗ đủ ăn”, không “làm cỗ và ăn cỗ lấy phần”, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan...

Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp 149,18 tỷ đồng xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã; 211,82 tỷ đồng xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao thôn, xóm, tổ dân phố. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa ở các địa phương trong tỉnh đã được bảo tồn, tôn tạo kịp thời bằng nguồn kinh phí xã hội hóa như: Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Phổ Minh (thành phố Nam Định); Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản), Đình - Miễu Cao Đài (Mỹ Lộc)…, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản phục vụ công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Nhờ đó, trong hai năm 2020 và 2021, trước nhiều khó khăn, thách thức do tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ý thức tự nguyện, tự giác của người dân, vai trò tự quản, trách nhiệm cộng đồng được phát huy mạnh mẽ. Hàng trăm gia đình trên địa bàn toàn tỉnh đã tự nguyện hoãn tổ chức đám cưới tập trung đông người hoặc tổ chức báo hỷ; các đám tang tổ chức trong phạm vi nội tộc và rút ngắn thời gian, tiết giảm các nghi lễ để hạn chế tập trung đông người, làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Điều đó khẳng định việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh đã trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, ý thức, trách nhiệm trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, phù hợp với yêu cầu tình hình mới.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đã mang lại luồng sinh khí mới cho sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh. Diện mạo quê hương ngày càng đổi mới, cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng giao thông nông thôn… không ngừng phát triển, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn, thuần phong mỹ tục được phát huy; lối sống nhân ái, trách nhiệm của mỗi người dân được khơi dậy, góp phần xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.

Theo Báo Nam Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×