Năm đầu tiên triển khai "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống": Kỳ vọng mùa lễ hội văn minh, lành mạnh
16/02/2024 | 07:41Mùa lễ hội 2024 đánh dấu lần đầu tiên "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" do Bộ VHTTDL ban hành ngày 3/8/2023 được triển khai tại các địa phương nhằm hướng tới một mùa lễ hội an toàn, văn minh, lành mạnh.
Những ngày đầu năm mới cũng là thời điểm mùa lễ hội Xuân 2024 bắt đầu. Cùng với nhiều lễ hội được khai mạc ở khắp mọi vùng miền của cả nước, nhiều yêu cầu đặt ra đối với các địa phương như phải đổi mới, sát sao, quyết liệt, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hướng đến một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh, an toàn, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống. Mùa lễ hội 2024 đánh dấu lần đầu tiên "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" do Bộ VHTTDL ban hành ngày 3/8/2023 được triển khai tại các địa phương nhằm hướng tới một mùa lễ hội an toàn, văn minh, lành mạnh.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương trong quản lý, tổ chức lễ hội.
Thưa Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương, năm 2024 là năm lần đầu tiên triển khai "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống". Cùng với những văn bản khác của Bộ VHTTDL về tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội, điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?
- Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Ngay từ tháng 11-12 năm 2023, đầu năm 2024, Bộ VHTTDL đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo công tác quản lý, tổ chức lễ hội an toàn, lành mạnh, văn minh.
Bộ VHTTDL đã ban hành Công văn số 5833/BVHTTDL-VP về "Tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024" gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, công văn nhấn mạnh các nội dung: Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp quản lý; các đơn vị chức năng, các cấp chính quyền cơ sở xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông đối với hoạt động lễ hội, thể thao, du lịch; bảo đảm hoạt động lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc...
Ngay trước thềm Tết Nguyên đán 2024, Bộ VHTTDL cũng có 1 loạt công văn gửi các địa phương có những lễ hội thu hút đông người tham dự như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ các hoạt động lễ hội.
Đặc biệt, Cục VHCS đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL xây dựng "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống". Bộ tiêu chí nhằm khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các địa phương, ban tổ chức các lễ hội tăng cường chất lượng công tác quản lý lễ hội truyền thống; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Bộ tiêu chí góp phần cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở cơ sở. Thông qua đó, các địa phương xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội. Việc sử dụng bộ tiêu chí trên nhằm mục tiêu chuẩn hóa xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, đồng thời là công cụ, thước đo đánh giá năng lực công tác quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương.
Yêu cầu đặt ra đối với các địa phương trong triển khai Bộ tiêu chí này ra sao, thưa bà?
- Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, hợp lòng dân; bài trừ các nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn. Khi tổ chức các lễ hội cần ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi; phát ấn cần đúng với nguồn gốc lịch sử của di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong việc xây dựng kế hoạch kịch bản, phương án tổ chức lễ hội. Cục Văn hóa cơ sở đã có văn bản hướng dẫn các địa phương áp dụng những tiêu chí về môi trường văn hóa vào công tác quản lý, tổ chức lễ hội và sẽ tiếp tục tổng hợp, theo dõi công tác tổ chức triển khai bộ tiêu chí của các địa phương trong mùa lễ hội năm 2024.
Từ những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2023, bà có kỳ vọng gì ở mùa lễ hội năm 2024?
- Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Chúng tôi mong muốn và tin tưởng công tác quản lý, tổ chức lễ hội ngày càng nền nếp, khoa học, hiệu quả, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự hướng dẫn kịp thời, chủ động của các bộ, ngành Trung ương và sự nghiêm túc của các địa phương trong thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội. Năm 2024, các lễ hội cần được tổ chức trang trọng, thiết thực; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội. Lễ hội truyền thống sẽ được tổ chức theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử-văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội; từng bước loại bỏ những tập tục, tập quán lạc hậu.
Xin trân trọng cảm ơn bà!