Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Năm 2018, Việt Nam sẽ đuổi kịp Indonesia về tốc độ tăng trưởng du lịch

14/06/2017 | 15:45

“Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nếu không có gì thay đổi, du lịch Việt Nam có thể đuổi kịp Indonesia vào sang năm và sau đó khoảng 2 năm nữa sẽ đuổi kịp Singapore” – Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.

Sáng 14/6, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục nhận được nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến lĩnh vực du lịch như: Quy hoạch các khu du lịch, vấn đề làm sao để cân đối giữa bảo tồn và phát triển, đặc biệt là đối với các di sản văn hóa; làm sao để thu hút khách đến đông, ở lại lâu và chi tiêu nhiều; nguyên nhân và giải pháp đối với tour 0 đồng; sự quan tâm chưa đúng mức đối với việc đào tạo nguồn nhân lực; hoạt động vui chơi giải trí sau 0 giờ…

Năm 2018, sẽ đuổi kịp Indonesia về tốc độ tăng trưởng du lịch

Tại phiên họp Quốc hội sáng nay 14/6, trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) về việc ở nhiệm kỳ trước, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh "xin truyền đạt lại trách nhiệm cho Bộ trưởng kế tiếp” về việc làm sao để du lịch Việt Nam đuổi kịp các nước trong khu vực, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, ngay sau khi nhậm chức, ông đã luôn trăn trở, lo lắng để có thể trả lời câu hỏi đó.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, hiện nay, năm 2016, Việt Nam thu hút khoảng 10 triệu khách quốc tế, Thái Lan khoảng 20 triệu khách, Malaysia khoảng 26 triệu khách, Singapore khoảng 16 triệu khách, Indonesia khoảng 12 triệu…. Như vậy, khoảng cách về lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta so với đến Thái Lan, Singapore còn khá xa. Lượng khách quốc tế của du lịch Việt Nam mới bằng khoảng 1/3 Thái Lan. Tuy nhiên, điều đáng mừng là hiện nay tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam năm 2016 là 27% và hiện nay (5 tháng đầu năm 2017-PV) là khoảng 30%. "Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 về Phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch sửa đổi rất mong sẽ được Quốc hội thông qua trong thời gian tới để chúng ta thực hiện mục tiêu này. Cùng với một số giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ khác, hy vọng nhờ vậy khả năng tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng khá cao" - Bộ trưởng cho biết.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh)

So với Thái Lan, Việt Nam có tiềm năng về di sản văn hoá tương đương, chỉ kém Thái Lan về hạ tầng du lịch. Về các chỉ số khác như ưu tiên cho du lịch, an ninh… , có những chỉ số của Việt Nam cao hơn. Xét toàn diện, Việt Nam và Thái Lan tương đương tiềm năng để phát triển du lịch. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định, nếu ngành du lịch Việt Nam trong những năm tới tăng khoảng 20 đến 25% mà ngành du lịch Thái Lan chỉ tăng khoảng 7% như năm 2016, thì đến một mức nào đó, Việt Nam và Thái Lan sẽ gặp nhau về tốc độ phát triển du lịch. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, điểm gặp nhau giữa ngành du lịch của hai nước vào khoảng sau 15 năm.

“Theo tính toán toán học là như vậy, còn chúng ta sẽ phải cố gắng phải phát huy, làm hết sức mình để tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phải tăng cao hơn nhằm thực hiện được Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Với tốc độ tăng trưởng này, nếu không có gì thay đổi, chúng ta có thể đuổi kịp Indonesia vào sang năm và sau đó khoảng 2 năm nữa sẽ đuổi kịp Singapore. Chỉ còn hai nước là Malaysia và Thái Lan, chúng ta sẽ mất khoảng từ 10 đến 15 năm nữa. Rất hy vọng những chỉ số toán học này sẽ trở thành hiện thực” – Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.

Cần chấm dứt hiện tượng chặt chém, gây phiền hà du khách

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu về hiện tượng các khu du dịch quá tải mỗi dịp lễ lớn, vấn đề xả rác, chặt chém du khách tại các địa điểm du lịch, người đứng đầu ngành VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận tình trạng này và cho biết, thời gian qua có những hình ảnh chụp bãi biển chỉ thấy toàn người, nhiều khu du lịch có sự quá tải vào dịp nghỉ lễ. Điều này cho thấy một tín hiệu mừng về sự phát triển của ngành du lịch, người dân đi du lịch nhiều hơn và nguồn thu tăng cao hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, ngành Du lịch sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu và nghiên cứu giải pháp làm thế nào để đưa ra cảnh báo về các điểm đến quá tải trước kỳ nghỉ.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã hoàn thành phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội trong sáng 14/6

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng thừa nhận, du lịch đang tăng trưởng “nóng” với tốc độ tăng trưởng hiện nay, ngành du lịch Việt Nam đã đạt hơn 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế năm 2016, 5 năm đầu năm 2017 đạt khoảng 5,3 triệu lượt, tăng hơn 30%.  Do vậy, làm thế nào để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách du lịch đến, đảm bảo an ninh an toàn, lưu trú cho du khách… là vấn đề rất lớn mà ngành du lịch phải quan tâm. Để du khách đến đông hơn, lưu trú lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, chúng  ta phải nâng cao chất lượng của các dịch vụ du lịch, chất lượng của các công ty lữ hành, khách sạn, điểm đến và đơn  giản hóa các thủ tục liên quan đến xuất nhập cảnh… Đặc biệt, tất cả các hiện tượng chặt chém, gây phiền hà, nhũng nhiễu du khách cần phải chấm dứt.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) về việc phối hợp với Bộ Y tế để phát triển dịch vụ y tế cho khách du lịch, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đồng tình với quan điểm này, đồng thời cho hay Bộ VHTTDL và Bộ Y tế đã nhiều lần trao đổi bằng văn bản bàn về vấn đề xây dựng các bệnh viện, trung tâm dịch vụ y tế để phục vụ khách quốc tế, nhất là y học cổ truyền của Việt Nam. “Nếu làm được, chúng ta sẽ vừa góp phần quảng bá y học cổ truyền, vừa có nguồn thu từ khách du lịch. Nhiều nước xung quanh chúng ta đã làm tốt du lịch y tế, thu được nguồn ngoại tệ rất lớn  từ hoạt động này như Singapore, Thái Lan...” – Bộ trưởng cho hay.

Liên quan câu hỏi của đại biểu Quốc hội đoàn Thừa Thiên Huế về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực hiện nay rất cấp bách đối với du lịch Việt Nam. Nhiều địa phương đang ở trong tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch rất lớn, trong khi đó, các trường đào tạo nguồn nhân lực chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, dù Du lịch được định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, song hiện nay cả nước chưa có trường Đại học nào chuyên đào tạo về Du lịch, chỉ có một số trường Đại học có khoa đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch. Đây là một bất cập trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch Việt Nam” – Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận.

Ngoài ra, trong phiên trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu rõ ràng các vấn đề về giải pháp giảm thiểu những mặt trái, phát huy mặt tích cực của  tour 0 đồng; nâng cao chất lượng dịch vụ; làm rõ vấn đề quy hoạch các khu du lịch…Một số câu hỏi khác của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết sẽ gửi câu trả lời rõ ràng hơn bằng văn bản.

Kết thúc phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện xin hứa sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp mà các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đã nêu ra, đồng thời sẽ chỉ đạo khắc phục, sửa chữa những tồn tại đang có, phát huy những thành quả đạt được để ngành VHTTDL đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cả nước./.

Lâm Minh
Ảnh Minh Khánh

 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×