Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Năm 2018, Du lịch Việt Nam đạt nhiều thành tựu

11/02/2019 | 08:49

Năm 2018, ngành du lịch đã đón 15,6 triệu khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 620 nghìn tỷ đồng . Du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển vượt bậc và hứa hẹn sẽ bứt phá, gặt hái nhiều thành tựu trong năm 2019.

Thành tựu và tiềm lực

Du lịch Việt Nam 2018 có nhiều nền tảng để phát triển mạnh mẽ. Năm 2018 là năm thứ hai triển khai hiện thực hóa những chính sách mạnh mẽ của Nghị quyết TW8 xác định Du lịch là nền kinh tế mũi nhọn. Năm 2018, Luật Du lịch 2017 bắt đầu có hiệu lực. Với một hành lang thông thoáng, Luật Du lịch đã mở ra cơ hội thuận lợi và có nhiều bứt phá đối với ngành du lịch Việt Nam.

Năm 2018, Du lịch Việt Nam đạt nhiều thành tựu - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trao giải thưởng cho các doanh nghiệp du lịch tiêu biểu. Ảnh: Thế Công

Ngoài việc không ngừng nâng cao lượng khách quốc tế đến Việt Nam, năm 2018, nhiều nhiệm vụ quan trọng đã được ngành Du lịch thực hiện thành công như triển khai các giải pháp duy trì tốc độ tăng trưởng khách du lịch, Triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ các đề án: Cơ cấu lại ngành Du lịch; Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Ứng dụng tổng thể công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; Nâng cao hiệu quả trong quảng bá, xúc tiến du lịch...

Chúng ta chứng kiến một năm du lịch với rất nhiều dự án có quy mô lớn, nghỉ dưỡng chất lượng cao được đưa vào sử dụng. Điều này làm tăng thêm nội lực của điểm đến trong khả năng tiếp nhận, phục vụ khách du lịch quốc tế cũng như khách du lịch nội địa và sự phát triển của các doanh nghiệp cùng các địa bàn động lực đã thực sự tạo ra tác động lan tỏa, định vị được hình ảnh điểm đến chung cho du lịch Việt Nam.

Theo các nhà nghiên cứu, các yếu tố giúp tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho du lịch trong năm vừa qua chính là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và doanh nghiệp du lịch. Các cơ quan quản lý nhà nước dù rất khó khăn nhưng cũng cố gắng xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ, thúc đẩy du lịch phát triển. Trong khi đó, các doanh nghiệp du lịch đã thực sự trưởng thành. Chúng ta đã có một đội ngũ doanh nghiệp mạnh mẽ, đó là những nhà đầu tư chiến lược, xây dựng các khu du lịch mang đẳng cấp quốc tế và các thương hiệu du lịch có thể sánh vai và đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu du lịch trong khu vực. Chính sự nỗ lực này đã tạo ra sự tăng trưởng ổn định của lượng khách trong năm vừa qua.

Ngoài ra, trong việc tăng trưởng khách không thể không nói đến công tác xúc tiến du lịch. Trong những năm vừa qua, chúng ta đã thực hiện công tác này một cách bền bỉ và cho đến bây giờ kết quả của những xúc tiến đó mới có thể nhìn thấy nhiều hiệu quả rõ rệt.

Cuối cùng là những thuận lợi về điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, Việt Nam nổi bật và thu hút khách không chỉ bởi những vẻ đẹp thiên nhiên, con người thân thiện mà chính còn bởi nền chính trị ổn định, an ninh đảm bảo. Đây là những điều kiện để chúng ta có thể thu hút khách và tạo động lực để ngành du lịch phát triển.

Năm 2018, Du lịch Việt Nam đạt nhiều thành tựu - Ảnh 2.

Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Ảnh Tổng cục Du lịch.

Ông Ngô Hoài Chung - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, những lý do để lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm qua ổn định là do Việt Nam sở hữu đa dạng các kỳ quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, ẩm thực đặc sắc, hấp dẫn, các bãi biển đẹp hoang sơ, các khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới, các thành phố trẻ vừa hiện đại, sôi động, vừa cổ kính. Nhiều điểm đến và sản phẩm du lịch của Việt Nam đã được xếp hạng hàng đầu thế giới bởi các hãng truyền thông lớn như CNN, BBC… hay các chuyên trang và mạng tư vấn, đánh giá về điểm đến du lịch có uy tín như TripAdvisor, Telegraph…

Khắc phục khó khăn, vươn lên đạt nhiều thành tựu mới

Bên cạnh những kết quả đáng tự hào thì trong thời gian qua, du lịch là một ngành kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Năm 2030, tổng thu từ khách du lịch tăng gấp 2 lần năm 2020.

Năm 2018, Du lịch Việt Nam đạt nhiều thành tựu - Ảnh 3.

Hình minh họa. Ảnh: Nam Nguyễn

Để đạt được mục tiêu trên, kế thừa những thành tựu đã đạt được của năm 2018, năm 2019, ngành Du lịch phải khắc phục những khó khăn hạn chế.

Đầu tiên đó chính là sự phối hợp liên ngành còn một số khó khăn. Có thể nói, du lịch là một ngành kinh tế liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Tự du lịch không thể giải quyết các vấn đề như xuất nhập cảnh, phương tiện vận chuyển… Chính vì thế, muốn phát triển du lịch phải có sự phối hợp chung để tạo nên sự bứt phá.

Bên cạnh đó, chính sách visa, quảng bá xúc tiến, duy trì chất lượng dịch vụ mang tính chuyên nghiệp trong ngành hàng không, cũng như khả năng kết nối những đường bay trực tiếp từ Việt Nam tới các thị trường trọng điểm của chúng ta vẫn còn một số hạn chế…

Cùng với đó, những tồn tại về nguồn nhân lực của ngành cũng cần được tháo gỡ. Thực tế, nhân lực ngành du lịch đã có phát triển rõ rệt trong vài năm trở lại đây, nhưng về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển. Trong khi chúng ta phát triển nhiều cơ sở vật chất đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, khách sạn 4-5 sao, các khu vui chơi giải trí thì còn thiếu người quản lý chuyên nghiệp.

Cuối cùng, chúng ta còn thiếu những sản phẩm du lịch đa dạng và độc đáo. Phần lớn các sản phẩm du lịch hiện nay đều do tự doanh nghiệp làm mang tính tự phát nên còn trùng lặp, thiếu sự sáng tạo. Nếu muốn chuyên nghiệp và tạo ra hiệu quả thực sự thì chúng ta phải có một trung tâm nghiên cứu đầu tư và phát triển sản phẩm sau đó mới đề xuất cho các doanh nghiệp khai thác.

Khắc phục những hạn chế đã chỉ ra, trong những năm tới, ngành du lịch phải có những chuyển biến mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương thì mới tạo ra sự bứt phá và đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra.


Hạ Vân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×