Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Năm 2010: Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng

29/12/2009 | 22:29

(VP)- Sau gần hai ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, tập trung và trách nhiệm cao, Hội nghị triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2010 đã kết thúc tốt đẹp. Báo cáo Hội nghị đã đánh giá toàn diện các hoạt động văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; Hội nghị đã nhận được những ý kiến cụ thể từ 35 tham luận, trong đó có 25 ý kiến phát biểu trực tiếp và các đề xuất của các đơn vị, địa phương. Thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã có bài phát biểu tiếp thu các kiến nghị và triển khai các nhiệm vụ năm 2010.

Xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu Tổng kết của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2010


Kính thưa các đồng chí, quý vị đại biểu!


Sau gần hai ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, tập trung và trách nhiệm cao, Hội nghị triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2010 đã kết thúc tốt đẹp. Hội nghị đã vinh dự được đón tiếp đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ đến phát biểu và chỉ đạo Hội nghị. Thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi trân trọng sự có mặt của các đồng chí đại biểu đại diện UBND các tỉnh, thành, các Ban, Bộ, Ngành trung ương, nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả của đại biểu các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 63 tỉnh, thành, các Tổng cục, Cục, Vụ, các đơn vị thuộc Bộ, biểu dương Ban Tổ chức đã làm tốt công tác hậu cần, góp phần vào thành công chung của Hội nghị.

Báo cáo Hội nghị đã đánh giá toàn diện các hoạt động văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch, Hội nghị đã nhận được những ý kiến cụ thể từ 35 tham luận, trong đó có 25 ý kiến phát biểu trực tiếp và các đề xuất của các đơn vị, địa phương. Các đại biểu đã tập trung, nghiêm túc, phát biểu ý kiến làm rõ hơn những ưu điểm, hạn chế trong công tác thực hiện nhiệm vụ năm 2009, tham gia đề xuất được những giải pháp xác đáng, giúp lãnh đạo Bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động trong thời gian tới. Thay mặt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi xin tiếp thu kiến nghị, những đề xuất, những sáng kiến của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của các đại biểu và sẽ sớm xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền, quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch các cấp, sớm đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề về cơ chế tài chính để phát triển văn hóa, chính sách đối với đội ngũ trí thức, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên; các vấn đề liên quan đến quy hoạch, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch một cách đồng bộ, liên hoàn để vừa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa-lịch sử truyền thống, vừa góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Năm 2009, mặc dù gặp những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, những tác động xấu từ suy thoái kinh tế thế giới, nhưng với quyết tâm khắc phục khó khăn, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ Trung ương đến địa phương đã đoàn kết đồng tâm, phát huy sức mạnh tổng hợp, tăng cường các biện pháp, giải pháp, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh về quản lý nhà nước của Ngành; xây dựng cơ chế chính sách, chế tài phù hợp; huy động có hiệu quả sự đóng góp các nguồn lực xã hội, các tổ chức kinh tế đã tham gia xây dựng, phát triển Ngành; liên kết, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành, Mặt trận, các tỉnh, thành, các đoàn thể, các Hội, Hiệp hội, các cơ quan thông tấn báo chí; tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch trong nước và nước ngoài, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước năm 2009, tạo tiền đề thuận lợi để hoàn thành xuất sắc nhiệm trong năm 2010.

Trong năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực. Thực hiện tốt và hiệu quả Năm Ngoại giao văn hóa, các sự kiện văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch được tổ chức thành công, đạt được cả về quy mô, chất lượng, hướng đích, tạo thành bức tranh sống động của không gian văn hóa cả nước, lan tỏa đến nhiều quốc gia trên thế giới, vừa có các sự kiện mang tầm quốc gia, khu vực, quốc tế, vừa có các sự kiện liên kết vùng miền, địa phương trong cả nước, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, sự phong phú, đa dạng của văn hóa truyền thống và đương đại. Những hoạt động đó đã tạo được không khí vui tươi, sôi nổi, lành mạnh và đồng thời tạo nên những nét văn hóa, định hướng thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng tăng trong đời sống xã hội của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, thu hút du khách quốc tế, góp phần ngăn chặn sự suy giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, là rào cản hữu hiệu đối với văn hóa độc hại, tiêu cực, rẻ tiền trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Những thành tựu đạt được đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ngành VHTTDL tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch, xây dựng nền tảng cơ bản để ngành phát triển chất lượng và hiệu quả hơn trong những năm tới.

Các Chương trình mục tiêu, Chương trình hành động quốc gia, Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, Chương trình xúc tiến và quảng bá văn hóa-du lịch... được triển khai trong thực tế một cách hiệu quả, sẽ được tổng kết để rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép, tạo điều kiện để tiếp tục thực hiện.

Trong lĩnh vực gia đình, Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình được tập trung triển khai. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ ban hành 2 Nghị định: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, góp phần quan trọng giúp Luật Phòng chống bạo lực gia đình đi vào cuộc sống. Chủ đề “Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá gia đình truyền thống Việt Nam” đã được triển khai hiệu quả, góp phần phòng, chống bạo lực gia đình.

Hệ thống, tổ chức bộ máy cơ quan quản lý của ngành ở địa phương được kiện toàn theo hướng thống nhất, đồng bộ từ các tỉnh/thành, quận, huyện, phường, xã, phát huy hiệu lực, hiệu quả trên từng lĩnh vực. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng được ban hành, tạo cơ chế thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước phát huy hiệu lực, hiệu quả trên từng lĩnh vực. Công tác thanh tra, kiểm tra đã có sự phối hợp tích cực, nhịp nhàng hơn, kịp thời xử lý, giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh. Dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch được đổi mới và hiện đại hóa; các di sản văn hóa, cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng và phong phú về loại hình. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng. Hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, từng bước nâng cao chất lượng. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng. Nhiều ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các vùng, miền được tổ chức thiết thực và hiệu quả, kịp thời động viên tinh thần của nhân dân, góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử truyền thống, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. 


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đó, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật, khi vẫn còn những yếu kém, hạn chế chậm được khắc phục, những trì trệ, bảo thủ cản trở công tác quản lý nhà nước, chưa đồng đều về chất lượng trong các hoạt động văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch, những tiềm năng và lợi thế của chúng ta chưa được khai thác hoặc khai thác chưa đạt hiệu quả cao. Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, trình độ, năng lực ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn những hạn chế, trách nhiệm chưa cao, thiếu sự liên kết, phối hợp đồng bộ... Đầu tư cho văn hóa còn thấp, việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống mặc dù có nhiều cố gắng nhưng làm được còn ít, chất lượng còn hạn chế, còn nhiều di tích văn hóa, di tích lịch sử bị xuống cấp, xâm hại nghiêm trọng. Công tác quy hoạch, kế hoạch nhằm phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn nếp sống, quy hoạch và quản lý lễ hội chưa chặt chẽ, còn để lãng phí và tồn tại những hiện tượng phi văn hóa trong hoạt động lễ hội; chưa tổng kết, đánh giá, phân loại và hướng dẫn tổ chức phù hợp với từng loại lễ hội. Các thiết chế văn hóa còn thiếu, khai thác, sử dụng chưa hiệu quả và lãng phí. Mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân còn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, các tầng lớp dân cư; chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" chưa cao; danh hiệu gia đình văn hóa, khu phố, thôn bản văn hóa ở nhiều nơi chưa đúng về thực chất, nặng về hình thức và thành tích. Tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực thể thao vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận; tại một số nơi, tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các di sản, di tích lịch sử-văn hóa, hạn chế khai thác và phát triển du lịch. Xúc tiến quảng bá du lịch quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng chưa cao, chưa thực sự phát huy sức mạnh các địa phương, doanh nghiệp. Công tác quản lý nhà nước có lúc, có nơi còn buông lỏng, công tác tham mưu đối với UBND các cấp để giải quyết các vấn đề bức xúc chưa tốt (như đại biểu đã đề cập về quảng cáo, các vụ bạo lực gia đình, thể thao, xâm hại di tích, thiếu sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách đối với các vận động viên, diễn viên...). Hiệu quả quản lý đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, khi toàn bộ cơ chế quản lý kinh tế của đất nước đã chuyển đổi mạnh mẽ và sâu sắc.

Xu thế hội nhập và toàn cầu hóa đã và đang ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển đất nước. Bên cạnh những yếu tố tích cực, những mặt trái, những tiêu cực từ nền kinh tế thị trường đã và đang làm biến chất một bộ phận cán bộ công chức nhà nước, đó là sự hờ hững, vô cảm, thực dụng, lối sống buông thả, ích kỷ, thiếu trách nhiệm với công việc, với xã hội, với gia đình và với chính bản thân đang trở thành một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển toàn diện của đất nước.

Phát huy lợi thế, những thành tích đã đạt được của toàn ngành trong những năm qua, khắc phục những hạn chế, yếu kém để đẩy nhanh, đẩy mạnh sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch lên tầm cao mới, sau Hội nghị này, tôi đề nghị các đơn vị, các địa phương tích cực nghiên cứu, rút ra những bài học kinh nghiệm, những giải pháp thiết thực, áp dụng những sáng kiến thích hợp được nêu tại Hội nghị để chỉ đạo, tổ chức các đơn vị, địa phương mình, triển khai tốt nhiệm vụ công tác năm 2010, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng với các nhiệm vụ sau đây:

I. Về nhiệm vụ chung:

1) Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch công tác năm 2010, hoàn thành căn bản các chỉ tiêu phát triển Ngành, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng và Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội (2006-2010) của Chính phủ, lập thành tích cao nhất Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, các ngày Lễ lớn trong năm 2010 và các sự kiện hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng long - Hà Nội.

2) Sớm hoàn thiện các công trình xây dựng dở dang để đưa vào khai thác. Quan tâm hiệu quả đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế, các công trình văn hóa, thể thao và du lịch từ các nguồn lực của xã hội, ưu tiên đầu tư bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử truyền thống của dân tộc.

3) Đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến căn bản trong quản lý, hạn chế những tiêu cực trong hoạt động của ngành, bài trừ sản phẩm văn hóa độc hại, các hoạt động mê tín dị đoan để môi trường văn hóa ngày càng lành mạnh và văn minh.

4) Tập trung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quan tâm đề xuất các Chương trình mục tiêu.

5) Triển khai thực hiện các chiến lược phát triển văn hóa, tập trung xây dựng và triển khai chiến lược gia đình, thể dục thể thao và du lịch; quán triệt và tăng cường quản lý thực thi bảo hộ Quyền tác giả và Quyền liên quan theo Chỉ thị số 36/TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

6) Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó chú trọng đến cải cách thủ tục hành chính, tập trung hoàn thiện thể chế, phân cấp quản lý, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, có hình thức khen thưởng, có chế tài xử phạt nghiêm minh; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ quản lý, chuyên môn cho cán bộ làm công tác văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch đi đôi với đề xuất các chế độ chính sách, nhất là chế độ, chính sách đặc thù cho đội ngũ của Ngành. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tích cực, chủ động triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

7) Tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế bằng những hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Kết hợp chặt chẽ các hoạt động văn hóa, thể thao với hoạt động xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch. Tiếp tục tổ chức các Tuần Văn hóa, Ngày Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, có chiến lược thu hút khách du lịch, thu hút đầu tư, phát triển thương mại; đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh đất nước trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế... Xây dựng và đưa vào khai thác các trung tâm văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam ở nước ngoài; Đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội dự án Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

8) Tăng cường sự lãnh đạo Cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo quản lý của UBND các tỉnh-thành; liên kết chặt chẽ với các cấp, các ngành, các đơn vị, đoàn thể. Giao Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Trung tâm xúc tiến VHTTDL tại các Sở. Giao Cục Di sản văn hóa chủ trì, phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở nghiên cứu, đề xuất việc quản lý hòm công đức trong các di tích, quản lý di tích, trách nhiệm quản lý di tích... Giao Cục VHCS ngiên cứu đề xuất các giải pháp sáng kiến để lập lại trật tự đối với quảng cáo cả nội dung và hình thức để hình thành văn hóa quảng cáo phù hợp thuần phong mỹ tục và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

9) Giao Vụ Thi đua-Khen thưởng đôn đốc các đơn vị, địa phương đăng ký thi đua, tập trung xây dựng các điển hình tiên tiến, hướng đến đại hội thi đua yêu nước toàn quốc năm 2010; có chương trình, kế hoạch, tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong cả nước, thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2010 và các hoạt động Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội thể Thể thao toàn quốc lần thứ 6 năm 2010. Tiếp tục thực hiện chủ đề phát động thi đua mà Bộ đã phát động từ đầu năm 2009: “Công trình, tác phẩm, sản phẩm, thành tích hướng tới kỷ niệm 1000  năm Thăng Long-Hà Nội, chào mừng các ngày Lễ lớn trong năm 2010” trên tinh thần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

II. Về các nhiệm vụ cụ thể

1) Về văn hóa:

- Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khóa VIII), quán triệt tư tưởng chỉ đạo “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội”, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng đơn vị, từng gia đình, từng người dân, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng và lãng phí và các tệ nạn xã hội. Đảm bảo gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng Đảng và phát triển văn hóa. Đề cao và phát huy những đức tính, truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. Phối hợp với các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị (Khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Thực hiện có hiệu quả các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; cụ thể hóa các Chương trình phối hợp với các Bộ, Ngành và Chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong Chương trình xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, góp phần giáo dục lòng yêu nước, ý thức giữ gìn bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Liên kết chặt chẽ, phối hợp với các Bộ, Ngành, Mặt trận, các đoàn thể để thực hiện các Chương trình hợp tác đã được ký kết trong năm qua. Tích cực hỗ trợ và phối hợp với Thành phố Hà Nội, chỉ đạo các địa phương trong cả nước tổ chức các hoạt động hướng đến, các sự kiện hướng đến Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Có kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa chào mừng đại hội đại biểu các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có cơ chế tài chính để phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, có chính sách phù hợp với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên và các vấn đề liên quan đến xây dựng và phát triển thiết chế văn hóa.  

2) Về Gia đình:

- Phát động phong trào toàn dân phòng, chống bạo lực gia đình, bạo hành đối với phụ nữ, người già và trẻ em, gắn với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, phát huy truyền thống văn hóa gia đình trong các khu dân cư. Triền khai Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Triển khai, phổ biến rộng rãi việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trong toàn xã hội, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của toàn dân, nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, xây dựng nhân cách, lối sống, ứng xử, phát huy những nét văn hóa tốt đẹp về truyền thống gia đình Việt Nam đi đôi với việc tích cực xây dựng chiến lược gia đình. Xây dựng, thể nghiệm, đánh giá, sơ kết, tổng kết thành tựu và nhân rộng các mô hình xây dựng gia đình tiêu biểu, xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam như một lợi thế cạnh tranh toàn cầu. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa môn Gia đình học vào các trường đào tạo, các Viện nghiên cứu... nhằm nâng cao nhận thức về vai trò to lớn của gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và tiến bộ, là tế bào của xã hội - tiêu chí, định hướng chất lượng cuộc sống trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3) Về Thể dục thể thao:

- Đẩy mạnh các phong trào thi đua phát triển thể dục thể thao quần chúng. Gắn kết cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với Phong trào xây dựng gia đình văn hóa; kết hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức, xã hội, đoàn thể phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng sâu rộng và ngày càng nâng cao về chất lượng; Hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển thể thao đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện; triển khai thể thao quần chúng và các môn võ dân tộc vào các trường học, góp phần xây dựng tính cách, nâng cao bản lĩnh văn hóa và thể chất đối với sự phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Kiểm điểm, đánh giá những thành tựu, rút ra những bài học kinh nghiệm, nguyên nhân thành công cũng như thất bại trong các cuộc thi đấu để có những giải pháp cụ thể đảm bảo thành tích tốt nhất. Triển khai chiến lược phát triển thể thao thành tích cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến về đào tạo và huấn luyện vận động viên, liên kết đào tạo và đưa đi đào tạo tại các nước có nền thể thao phát triển; kiến nghị với Chính phủ có cơ chế thích hợp để phát huy, sử dụng tài năng đội ngũ vận động viên, tạo tiền đề để có những bước phát triển mới về trình độ và thành tích của thể thao Việt Nam. Tập trung tổ chức thành công Đại hội thể Thể thao toàn quốc năm 2010 tại Thành phố Đà Nẵng; tổ chức tốt Cup Bóng đá quốc tế 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

4) Về Du lịch:

- Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn triển khai Luật Du lịch phù hợp với tình hình mới và theo thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh du lịch; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời các hành vi kinh doanh trái pháp luật như bình ổn giá tour, khách sạn, tránh tình trạng đầu cơ, phá giá; lập lại kỷ cương đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch. Khẩn trương điều chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, làm cơ sở hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch du lịch chi tiết, đăc biệt chú trọng quy hoạch du lịch biển đảo, du lịch đường bộ, đường sắt, đường thủy. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Tiếp tục triển khai các giải pháp kích cầu của Chính phủ thông qua chương trình “Ấn tượng Việt Nam”. Trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch mới, cần chú trọng tính sáng tạo, liên kết trong đa dạng, mang đậm nét đặc thù của từng vùng miền, tránh trùng lặp, có sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc gia cao và luôn phải lấy văn hóa làm nền tảng. Đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực và đào tạo du lịch, nghiên cứu xây dựng các chuẩn nghề, các tiêu chí đối với mọi phân ngành dịch vụ, đặc biệt đối với đội ngũ giám đốc doanh nghiệp, hướng dẫn viên du lịch chất lượng cao cũng như các dịch vụ du lịch mới. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu thị hiếu các thị trường khách, gắn với quá trình xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, nhất là các thị trường nguồn, thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng. Bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế, cần chú trọng thị trường khách du lịch nội địa, phát triển mạnh du lịch cộng đồng. Đặc biệt, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, quy mô phù hợp hiệu quả và phải gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao để tranh thủ nguồn lực và mang lại hiệu quả cao. Phối hợp cùng Thành phố Hà Nội tổ chức tốt Năm Du lịch quốc gia với các hoạt động cụ thể. Phấn đấu đưa Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tạo nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo, ngày càng xứng đáng là ngành kinh tế dịch vụ xuất khẩu tại chỗ, mang lại doanh thu và ngoại tệ lớn cho nền kinh tế đất nước. Giao Tổng cục Du lịch xây dựng đề án liên kết các di sản trình lãnh đạo Bộ phê duyệt để đưa vào khai thác hiệu quả các di sản phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh và an toàn xã hội. Tích cực chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch những vùng có tiềm năng nhưng còn yếu hoặc vắng các hoạt động du lịch...

Kính thưa các đồng chí, quý vị đại biểu!

Năm 2010 là năm có nhiều sự kiện quan trọng, đặc biệt là năm mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thi đua sôi nổi, lập thành tích cao nhất Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, các ngày Lễ lớn trong năm 2010 và các sự kiện hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Đứng trước thuận lợi, thời cơ, nền tảng đã có, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các Tỉnh/Thành, các ngành, các cấp, của bạn bè quốc tế và đặc biệt là những tình cảm, sự kỳ vọng và quan tâm của nhân dân cả nước, chúng tôi kêu gọi toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng nhau đoàn kết, khắc phục khó khăn, nhiệt tình và tận tâm với công việc, tiếp tục hưởng ứng và thực hiện thật tốt chiến lược phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu thành tựu, kinh nghiệm, tinh hoa văn hóa của nhân loại, từng bước xây dựng những thang bậc giá trị, cùng với bản lĩnh và nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ phát triển Ngành với phát triển kinh tế-xã hội, cùng với thể thao và du lịch. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ngành; nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, bám sát cơ sở, góp phần vào sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội trong công cuộc CNH, HĐH đất nước.

 Kính chúc các đồng chí, quý vị đại biểu và các bạn cùng gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc. Qua các đồng chí, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuyển lời cảm ơn và lời chúc sức khỏe các đồng chí Lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước, đội ngũ cán bộ, công nhân viên và người lao động trong ngành./.

  

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×