Múa sư tử mèo - linh hồn ngày hội Xuân của người Tày, Nùng xứ Lạng
03/12/2024 | 10:58Múa sư tử hay còn gọi là múa sư tử mèo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Lạng Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2017. Múa sư tử mèo mang nhiều ý nghĩa, không chỉ thể hiện tinh thần thượng võ của người miền núi, mà còn là biểu tượng của sự may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.
Linh hồn của ngày hội
Múa sư tử mèo là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống được biểu diễn trong các dịp lễ, dịp tết của người Tày, Nùng. Theo quan niệm của người Tày, Nùng, sư tử là tượng trưng cho sự thịnh vượng, sư tử đi đến đâu mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đến đó. Người Tày, Nùng cho rằng, múa sư tử mèo để xua đi những điều xấu, do vậy khuôn mặt mèo càng dữ tợn càng tốt, điệu võ càng mạnh mẽ càng hấp dẫn. Nếu thiếu điệu múa sư tử mèo là thiếu đi một phần linh hồn của ngày hội và màu sắc rực rỡ của ngày xuân.
Múa sư tử là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống thường được biểu diễn trong các dịp lễ, tết của người Tày, Nùng (hai dân tộc chiếm trên 80% dân số Lạng Sơn) với nhiều tên gọi khác nhau như: kỳ lân, phụ, loòng phụ… Tuy nhiên, tên gọi chung nhất, thông dụng nhất là múa sư tử mèo. Vì đầu sư tử này có hình tròn giống chiếc nón vành rộng, được trang trí bằng các đường vẽ với nhiều màu sơn sặc sỡ.
Theo Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn, để múa sư tử mèo, người múa phải điều khiển một chiếc đầu có hình dáng gần giống đầu sư tử, nhưng có khuôn mặt của con mèo. Ðể làm được đầu sư tử mèo bền đẹp, bắt mắt phải mất hơn 1 tuần. Nghệ nhân phải tìm chọn loại đất lấy ở giữa dòng sông, suối, sau đó được đem giã nhuyễn, cho nước quánh mịn. Ðầu sư tử phải được nặn giống nguyên mẫu, dáng hình phong phú, đẹp. Nặn xong hình mặt thì đem phơi, cho đất sét khô lại rồi dán giấy bồi, sau đó là công đoạn sơn vẽ các màu, tạo nên hình thù, gương mặt mèo hợp lý, bắt mắt. Cuối cùng là gắn các mảnh vải nhiều màu sắc, bông, lông vào đầu và tạo đuôi sư tử mèo.
Đầu sư tử mèo hoàn chỉnh có hình tròn giống chiếc nón vành rộng, đường kính khoảng 60 cm, có mắt mũi to, mồm rộng, tai nhỏ, lông mày, 3 chiếc sừng, lưỡi và râu mép trông dữ tợn. Thân sư tử mèo rộng khoảng 1 m, dài 2 m được may vá với nhiều màu sắc sặc sỡ. Phía trong đầu có 2 thanh ngang bằng gỗ để làm tay cầm khi múa. Mỗi con sư tử mèo có khuôn mặt, sắc thái riêng, không con nào giống con nào.
Múa sư tử mèo có các động tác cơ bản là xuống tấn, đi đường, múa chào, kính bái các miếu, các gian thờ cúng. Trong bài múa sư tử mèo, không thể thiếu phần biểu diễn các động tác võ thuật như các bài quyền, kiếm, binh khí thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai của con người.
Cũng giống như múa sư tử của các dân tộc khác, múa sư tử mèo không tách rời khỏi nhạc và trò diễn. Tuy nhiên, múa sư tử mèo có thêm những vật dụng, đạo cụ đặc trưng không thể thiếu như: mặt báo đông, mặt nả lình (còn gọi là mặt khỉ); chiêng (là), chũm chọe (xụp xè, xấp xóa, nghé xả); đinh ba chạc (sam xa), gậy, đoản đao (pàn tao), kiếm, dao nhọn… Tùy vào không gian, địa điểm, mục đích, yêu cầu múa sư tử mèo có nhiều nghi thức, điệu múa và các trò diễn cho phù hợp như: múa chào thần thánh; múa chúc mừng năm mới các nhà trong làng (pai hờn, pái lờn); múa đi đường, múa tại hội lồng tồng… và các trò diễn như: báo đông, trò vui của khỉ, múa võ (oóc quyền)…
Với quan niệm sư tử là tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, sư tử đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đến đó, vì vậy, trong các ngày hội đầu năm, múa sư tử là một hoạt động thể hiện khát vọng của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngoài ra, với vũ điệu khỏe khoắn, múa sư tử còn là một hoạt động thể hiện tinh thần thượng võ của người miền núi. Đặc biệt, vào đầu năm mới (mùng 1, 2 tết âm lịch), đồng bào Tày, Nùng Lạng Sơn thường mời các đội múa sư tử vào nhà mình múa với quan niệm năm mới sư tử xuất hiện sẽ xua đuổi tà ma, diệt mọi ôn dịch, biểu hiện sự thái bình và niềm tin vào một năm mới sung túc.
Bà Nông Thị Phượng (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Tuy nhà ở trung tâm thành phố nhưng mỗi năm tết đến, gia đình tôi và hàng xóm ở đây vẫn đón các đội múa sư tử mèo từ các xã đến từng nhà múa để cầu bình an, sức khỏe và may mắn trong năm mới. Không biết có xua đuổi được tà ma như quan niệm hay không nhưng không khí trong gia đình thực sự vui tươi và rộn rã hơn rất nhiều".
Bảo tồn, phát huy điệu múa độc đáo
Trong cuộc sống hiện đại với nhiều loại hình nghệ thuật mới xâm nhập nhưng người dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn vẫn yêu thích và duy trì tục lệ múa sư tử mèo trong những ngày lễ, tết.
Từ năm 1992 trở lại đây, nghệ thuật múa sư tử mèo đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm đặc biệt nhằm bảo tồn và phát triển nét văn hóa đặc sắc này.
Sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận múa sư tử mèo là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017, công tác bảo tồn di sản này luôn được các cấp, ngành và nhiều người dân tỉnh Lạng Sơn quan tâm. Tỉnh đã triển khai đề án Bảo tồn, phát huy giá trị múa sư tử dân tộc Tày, Nùng giai đoạn 2021-2030 với các nội dung về phụng dựng, bảo tồn một số điệu múa, trò diễn; truyền dạy gắn với xây dựng, hình thành và khôi phục đội múa sư tử dân tộc Tày, Nùng.
Lạng Sơn tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu múa sư tử dân tộc Tày, Nùng; xây dựng mô hình làng văn hóa truyền thống về bảo tồn và phát huy giá trị múa sư tử gắn liền với phát triển du lịch… qua đó góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản của đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thống kê của Sở VHTTDL Lạng Sơn, hiện nay tỉnh có hơn 700 nghệ nhân có thể thực hành các bài múa, trò diễn, khoảng 130 nghệ nhân có khả năng truyền dạy, 60 nghệ nhân có khả năng chế tác đầu sư tử và các đạo cụ; gần 80 đội múa sư tử mèo với khoảng 900 thành viên (mỗi đội có từ 8 - 16 người). Tỉnh đã thí điểm thành lập, duy trì hoạt động đội múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tại các điểm du lịch, đồng thời khuyến khích mời các nghệ nhân thiết kế và sản xuất các sản phẩm lưu niệm từ múa sư tử mèo, qua đó tăng sức hấp dẫn cho điểm đến. Điệu múa cũng được đưa vào trình diễn, giới thiệu quảng bá trong các sự kiện văn hóa - du lịch trong và ngoài tỉnh.
Sau khi múa sư tử trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh đã phê duyệt và triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Múa sư tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030 với các nội dung phục dựng, bảo tồn một số bài múa, trò diễn; truyền dạy gắn với xây dựng, hình thành và khôi phục đội múa sư tử dân tộc Tày, Nùng… Những hoạt động trên nhằm góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản của đồng bào dân tộc thiểu số, đưa loại hình này trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn riêng có của xứ Lạng, góp phần làm phong phú thêm hành trình tham quan, khám phá, trải nghiệm của du khách./.