Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Một số giải pháp phục hồi du lịch Bắc Ninh trước tác động của đại dịch Covid-19

07/10/2021 | 11:12

Theo báo cáo từ Sở VHTTDL Bắc Ninh đến thời điểm hiện tại số lượng cơ sở kinh doanh du lịch giảm: 137 cơ sở, số lượng khách du lịch giảm: 68,75%, Số lao động du lịch trực tiếp giảm: 911 lao động.

Là mảnh đất hội tụ hàng nghìn kiến trúc độc đáo, xứ sở của những lễ hội, nơi phát tích của vương triều nhà Lý, trung tâm Phật giáo lớn dưới nhiều triều đại phong kiến, tỉnh Bắc Ninh có lợi thế để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh thành thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội.

Theo quy hoạch tổng thể của du lịch Bắc Ninh với mục tiêu lấy du lịch văn hóa tâm linh làm mũi nhọn, tỉnh đã triển khai nhiều dự án tu bổ, mở rộng các khu du lịch tâm linh kết hợp với sinh thái như: khu du lịch chùa Phật Tích, chùa Dạm, núi Thiên Thai, Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương.

Tuy nhiên cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước ngành du lịch Bắc Ninh bị ảnh hưởng nặng nề vì tác động của đại dịch Covid-19. Theo báo cáo từ Sở VHTTDL Bắc Ninh đến thời điểm hiện tại số lượng cơ sở kinh doanh du lịch giảm: 137 cơ sở, số lượng khách du lịch giảm: 68,75%, Số lao động du lịch trực tiếp giảm: 911 lao động. Bên cạnh đó là những khó khăn, thách thức trong việc duy trì hoạt động và phát triển du lịch. Khó khăn trong việc các doanh nghiệp du lịch tiếp cận được các nhóm chính sách hỗ trợ của trung ương. Nhiều nhân lực lao động có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch nay đã chuyển sang ngành nghề khác khó có khả năng quay trở lại làm việc dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, khó lường, do đó khó khăn trong việc hoạch định các kế hoạch phát triển ngắn hạn, có thể gây lãng phí, hao hụt nguồn lực do không thể triển khai thực hiện khi làn sóng dịch có thể xảy ra mặc dù công tác chuẩn bị đã được triển khai. Khó khăn về tiếp cận nguồn vốn vay phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Một số giải pháp phục hồi du lịch Bắc Ninh trước tác động của đại dịch Covid-19  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Nguồn: https://dulich9.com

Trước tình hình khó khăn trên, Sở VHTTDL Bắc Ninh đã chủ động đề xuất một số cơ chế chính sách hỗ trợ ngành du lịch như: Có chính sách đẩy mạnh tiêm vắcxin phòng, chống dịch Covid-19 cho lực lượng lao động trong ngành du lịch. Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để khôi phục các hoạt động du lịch. Kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 năm 2021 và những năm tiếp theo cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; giảm các chi phí mà doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan Nhà nước. Tiếp tục hỗ trợ mức giá tiền điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất những năm tới theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, áp dụng đến hết năm 2023. Chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội năm 2021 và đến hết quý II năm 2022. Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch được vay vốn với gói ưu đãi lãi suất thấp và điều chỉnh thời hạn trả nợ để để chi trả lương cho người lao động, sửa chữa, bảo trì cơ sở hạ tầng...Có các gói tín dụng ưu đãi đối với các doanh nghiệp du lịch để phục hồi sản xuất kinh doanh. 

Bên cạnh đó, Sở cũng đưa ra một số giải pháp phục hồi du lịch trong thời gian tới như sau: Tiếp tục thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh theo hướng thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 lâu dài.

Tăng cường công tác quảng bá, triển khai chương trình kích cầu du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới. Cụ thể: Tập trung vào kích cầu du lịch nội địa, phối hợp với các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, các điểm du lịch; Tập trung triển khai chiến dịch truyền thông và triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa với sự tham gia của các địa phương (điểm đến), các doanh nghiệp vận chuyển khách và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch.

Thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư phát triển các điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch cao cấp; xây dựng điểm dừng chân, không gian nghệ thuật, giới thiệu sản phẩm du lịch trên địa bàn; Tiếp tục nâng cao chất lượng điểm đến, dịch vụ; phát triển các sản phẩm dịch vụ gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới, du lịch sinh thái làng quê Việt.

Chuẩn bị cho chiến lược quảng bá và xúc tiến du lịch Bắc Ninh với kế hoạch truyền thông và xúc tiến với phương thức mới đến các thị trường trọng điểm trong nước, đặc biệt ứng dụng các hình thức truyền thông trực tuyến; Triển khai các giải pháp về xây dựng Du lịch thông minh nhằm tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá và mở rộng thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch. Đồng thời, tiếp tục khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá online để thực hiện công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phục hồi hoạt động sau những tác động xấu do dịch Covid-19 gây ra; hướng dẫn thực hiện chính sách quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh cho các cán bộ, nhân viên các điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch. Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại người lao động, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động. Để thực sự phát triển du lịch nội địa cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bao gồm đào tạo cả ý thức phục vụ, thái độ ứng xử...

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×