Mở lại những trang ký ức của điện ảnh VN
09/03/2010 | 07:00Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 và lần đầu tiên giới Điện ảnh có ngày hội của riêng mình (từ năm 2010,ngày 15.3 hằng năm sẽ là Ngày Điện ảnh Việt Nam), Viện Phim VN phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức trưng bày hình ảnh của 163 bộ phim và hơn 30 áp phích các phim với chủ đề “Hình tượng người phụ nữ VN trong các tác phẩm điện ảnh” từ ngày 05/3 đến ngày 05/4 tại 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Mênh mang cảm xúc, những hình ảnh trưng bày tại triển lãm đưa người xem ngược trở về quá khứ đến với những khoảnh khắc thăng hoa của những bộ phim đã làm nên diện mạo của điện ảnh Việt một thời. Và trong những bộ phim ấy, hình ảnh người phụ nữ luôn là một hình tượng đẹp, hình tượng tiêu biểu góp phần quan trọng trong việc chuyển tải ý đồ, tư tưởng của một tác phẩm điện ảnh thời chiến.
Đó là những người phụ nữ yêu nước, yêu làng xóm, gia đình, trung kiên, anh dũng trong đấu tranh cách mạng nhưng cũng vô cùng nhân hậu, vị tha. Người yêu điện ảnh một thời không thể quên chị Hoài (phim Chung một dòng sông), chị Tư Hậu (Chị Tư Hậu), Mỵ (phim Vợ chồng A Phủ), chị Dịu (phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm)...
Họ- những người phụ nữ Việt đã dẹp đi những lo toan, phiền muộn cá nhân để hòa mình vào dòng chảy của đất nước, của cách mạng. Để người xem thấy rõ hơn vai trò của người phụ nữ trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, các tác phẩm trưng bày được bố cục làm 3 phần: Giai đoạn 1959-1975 – Phụ nữ VN trong kháng chiến; Giai đoạn từ 1976-1986 – Phụ nữ VN trong thời kỳ xây dựng đất nước và Giai đoạn từ 1987 đến nay - Phụ nữ VN trong thời kỳ xóa bỏ bao cấp, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Ở giai đoạn đầu, những nhân vật nữ cao đẹp trong điện ảnh thời kỳ này không chỉ là biểu tượng đáng tự hào của người VN mà còn là hình ảnh khiến bạn bè quốc tế yêu mến, ngưỡng mộ qua các kỳ LHP quốc tế. Điển hình là vai Dịu của NSND Trà Giang trong bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh).
Với vai diễn này, NSND Trà Giang đã giành được giải Diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Moskva năm 1973. Sang đến giai đoạn thứ 2, hình tượng người phụ nữ trong điện ảnh thời kỳ này được đặt trong một bối cảnh mới - công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Những diễn biến nội tâm của các nhân vật nữ được các nghệ sĩ tập trung khai thác khiến hình ảnh của họ có độ lắng, chiều sâu và tinh tế hơn. Và chị Duyên- nhân vật nữ chính trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10 của đạo diễn –NSND Đặng Nhật Minh có thể coi là một nhân vật nữ tiêu biểu của điện ảnh VN giai đoạn 1976-1986.
Bước sang thời kỳ đổi mới (giai đoạn phản ánh thứ 3 của điện ảnh), đất nước VN có những thay đổi mạnh mẽ về nhiều mặt, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là chung tay xây dựng một đất nước VN giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bám sát dòng chảy thời cuộc, hiển hiện trong các tác phẩm điện ảnh vẫn là những số phận phụ nữ xuất hiện nhiều chiều, phức tạp và ám ảnh hơn.
Đó là những người chịu nhiều hy sinh, éo le sau cuộc chiến như chị Hương trong phim Huyền thoại về người mẹ; cô gái điếm bị phụ bạc trong Cô gái trên sông; hai người vợ trong Đời cát; là những người đàn bà phải vật lộn mưu sinh trong thời buổi kinh tế thị trường trong Giải hạn, Hải Nguyệt... hay kiếp sống phù du của những cô gái nhảy đáng thương trong Gái nhảy...
163 hình ảnh giống như cuốn phim dài về số phận của người phụ nữ Việt được tái hiện chân thực, sinh động qua các bộ phim. Xem để đồng cảm, chia sẻ và tự hào về vai trò, sự hy sinh, bản tính nhân hậu của người phụ nữ Việt là món quá mà các nhà làm phim VN dành tặng cho giới nữ nhân ngày hội của mình. Đồng thời cũng nhắc nhở thế hệ các nhà làm phim trẻ hãy đầu tư cho sáng tác, chăm chút cho các nhân vật để điện ảnh có nhiều hơn nữa những hình tượng nữ xứng với những gì mà các bà, các mẹ, các chị, các em đã và đang thực hiện trong cuộc sống hôm nay.
Cùng với hoạt động triển lãm, sáng 12.3, Bảo tàng Phụ nữ VN tổ chức buổi giao lưu với các nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng của VN. Các NSND, NSƯT: Trà Giang, Bạch Diệp, Như Quỳnh, Minh Châu, Thanh Quý, Thu An cùng các đạo diễn, NSND: Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Trần Phương và nhà phê bình điện ảnh PGS-TS Trần Kim Luân.
(Theo Báo Văn hóa - ảnh : Báo Hànoi mới)