Lực đẩy phát triển du lịch ngành đường sắt
09/05/2025 | 11:24Trong bối cảnh đường hàng không quá tải, đường biển chưa thực sự phát triển mạnh thì du lịch đường sắt được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm hấp dẫn.
Đường sắt là phương tiện được nhiều du khách lựa chọn khi đến với Hải Phòng.
Hải Phòng là thành phố có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch đường sắt. Trên địa bàn thành phố có tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng được khởi công xây dựng vào năm 1901, không chỉ là một tuyến giao thông quan trọng mà còn mang theo nhiều giá trị văn hóa và ý nghĩa sâu sắc đối với thành phố Cảng. Đường sắt không chỉ là phương tiện vận tải mà còn là nơi gắn liền với nhiều di sản văn hóa, lịch sử của đất nước.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đã ghi nhận những tín hiệu rất tích cực về phục hồi và tăng trưởng lượng khách đi tàu. Cụ thể, năm 2023, lượng khách đi tàu đạt 1,46 triệu lượt, và năm 2024, lượt khách đi tàu tiếp tục tăng lên 1,53 triệu lượt khách. Tính đến ngày 22/4/2025, Ga Hải Phòng đã đón tới hơn 325.000 lượt khách. Lượng hành khách đi vào các dịp lễ và ngày cuối tuần rất đông, trung bình trên 3.500 lượt hành khách/ngày, những dịp lễ có thể đón tới 8.000 lượt khách/ngày/tuyến.
Đánh giá về tiềm năng của tuyến đường sắt này, ông Lưu Hoàng Điệp - Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành S9 Hải Phòng bày tỏ: “Du khách đến với thành phố Cảng sẽ được ăn, được nghe, được trải nghiệm. Bên cạnh đó, thành phố có thể xây dựng các nhà hàng đáp ứng được tất cả các tiêu chí về ẩm thực, văn hóa ca nhạc… để du khách tránh phải di chuyển nhiều mà vẫn có thể cảm nhận được hết các nét đẹp của thành phố. Du lịch bằng tàu sẽ là một thành phần của tour du lịch chứ không còn đơn thuần chỉ là một phương tiện di chuyển”.
Đồng quan điểm trên, ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội nhận định: “Chúng tôi nhìn thấy ở tuyến đường này một cơ hội lớn để xây dựng và hình thành các tuyến du lịch theo trục dọc kết nối 3 trung tâm văn hóa - kinh tế - du lịch giàu tiềm năng là Hà Nội – Hải Dương – Hải Phòng.
Không chỉ là phương tiện di chuyển, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng còn đóng vai trò như một trục kết nối quan trọng, tuyến này tạo điều kiện liên kết sản phẩm du lịch liên tỉnh, hình thành tour, tuyến đa dạng, linh hoạt phù hợp với du lịch học sinh, du lịch cuối tuần hay khách quốc tế, tour trải nghiệm về văn hóa bản địa, kết nối các điểm đến, kết nối trải nghiệm từ di sản văn hóa đến thiên nhiên và đồng quê thanh bình. Trong xu thế du lịch xanh và phát triển bền vững, đường sắt còn là nơi giới thiệu hiệu quả giúp giảm thiểu khí thải, áp lực do đường bộ. Đồng thời, tăng trải nghiệm du lịch chậm, sâu và chất lượng”.
Cần cái “bắt tay” chặt chẽ
Trong bối cảnh hiện nay, đường hàng không đang có dấu hiệu của việc quá tải, đường biển lại chưa thực sự phát triển mạnh mẽ để đón các dòng khách trong và ngoài nước. Đây được coi là cơ hội vàng cho ngành đường sắt tận dụng thời cơ để tăng tốc, trở thành một phương tiện vận tải quan trọng trong chuỗi giá trị của ngành du lịch.
Ông Trương Quốc Hùng cho rằng: “Để phát huy tiềm năng của tuyến đường sắt này cần tăng cường hợp tác giữa ngành đường sắt với các doanh nghiệp lữ hành, địa phương trong việc thiết kế các sản phẩm du lịch kết hợp. Nâng cao dịch vụ trên tàu từ thuyết minh, xuất ăn đến khu vực trải nghiệm văn hóa trên khoang du lịch. Đồng thời, phải chú ý đến trải nghiệm trên tàu bởi phương tiện tàu hỏa không thể cạnh tranh với ô tô nhưng nếu làm tốt trải nghiệm thì chúng ta có thể cạnh tranh một nhóm đối tượng khách du lịch. Phát triển du lịch gắn với đường sắt không chỉ là một giải pháp kinh tế mà còn là một chiến lược làm giàu trải nghiệm du khách và kết nối giá trị văn hoá, vùng miền. Hành trình từ Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng là minh chứng rõ nét cho tiềm năng ấy”.
Thực tế, ngành du lịch Việt Nam đang từng bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Sau đại dịch COVID-19, việc tăng cường liên kết, hợp tác giữa các lĩnh vực, đặc biệt là giữa ngành đường sắt và ngành du lịch là một yếu tố cấp thiết và mang tính chiến lược.
Ông Nguyễn Chính Nam - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Chúng tôi nhận thức rõ ưu điểm của vận tải đường sắt như an toàn, thân thiện với môi trường, ổn định, giá cả hợp lý, phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng và đang từng bước phát huy thế mạnh đó. Đồng thời, chúng tôi cũng biến những hạn chế, tồn tại thành lợi thế cạnh tranh và đặc trưng riêng, nhằm đưa ra những giải pháp phát triển bền vững, hiệu quả. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, chúng tôi rất cần sự đồng hành, góp ý, hợp tác chặt chẽ từ các doanh nghiệp du lịch, các tổ chức lữ hành, cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội”, ông Nam cho biết thêm.