Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Khuyến khích các nghệ nhân tham gia bảo tồn di sản văn hóa

20/11/2024 | 11:39

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng mong muốn thời gian tới có nhiều chính sách hơn đối với các nghệ nhân, nhất là có cơ chế giao lưu giữa các địa phương này với địa phương khác, có thể đưa nghệ nhân ra nước ngoài để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, qua đó làm tốt hơn công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, với 122 lượt ý kiến phát biểu ở Tổ và Hội trường, có 2 đại biểu gửi ý kiến góp ý bằng văn bản.

Sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, lấy kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, những người có kinh nghiệm trong công tác quản lý để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong tháng 8/2024.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Khuyến khích các nghệ nhân tham gia bảo tồn di sản văn hóa - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dựa trên cơ sở Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001, sửa đổi năm 2009.

Qua 20 năm triển khai luật, có thể thấy một số vấn đề còn bất cập, nên việc sửa đổi luật lần này là cuộc cách mạng trong việc đưa các di sản văn hóa có điều kiện bảo tồn và phát triển tốt nhất.

Sau khi cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã tiếp thu tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở ý kiến góp ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra chỉnh sửa, bổ sung và giải trình cụ thể từng điều, khoản. Như vậy, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã bao quát các nội dung lớn, với 9 chương, 100 điều, đã cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của đảng thành chính sách; các quy định cũng sát với thực tế cuộc sống hơn.

Theo đại biểu, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đủ điều kiện thông qua tại Kỳ họp thứ 8, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi luật thời gian qua.

Về chính sách để khuyến khích các nghệ nhân tham gia bảo tồn di sản văn hóa, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng, các di sản văn hóa truyền thống, cũng như các loại hình di sản văn hóa khác, vai trò của các nghệ nhân dân nhân, nghệ nhân ưu tú đóng vai trò quan trọng, nhưng số lượng các nghệ nhân càng ngày càng giảm, do phần lớn nghệ nhân đã lớn tuổi.

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Khuyến khích các nghệ nhân tham gia bảo tồn di sản văn hóa - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng cần có chính sách phù hợp cho nghệ nhân nhân dân

Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn hỗ trợ cho nghệ nhân, tuy nhiên các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nghệ nhân vẫn chưa thật cụ thể. Đặc biệt, với nguồn lực của địa phương còn khó khăn, việc bố trí ngân sách hỗ trợ cho các nghệ nhân gặp không ít khó khăn.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, để những nghệ nhân nhân dân – những "báu vật sống" được hỗ trợ, đảm bảo cuộc sống, giúp họ toàn tâm cống hiến, lưu truyền, gìn giữ di sản cho thế hệ trẻ tốt hơn. Vì vậy, cần có các chính sách cụ thể hơn, như chính sách khám, chữa bệnh, tôn vinh, hỗ trợ hàng tháng.

Mặc dù hiện nay, đã có chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhận, nhưng mức hỗ trợ còn thấp (700-800 ngàn/tháng) không đảm bảo cuộc sống, làm giảm sự sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật. Do vậy, đại biểu mong muốn thời gian tới có nhiều chính sách hơn đối với các nghệ nhân, nhất là có cơ chế giao lưu giữa các địa phương này với địa phương khác, có thể đưa nghệ nhân ra nước ngoài để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, qua đó làm tốt hơn công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam…

Đối với chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các bảo tàng tư nhân, đại biểu cho rằng, phần lớn các bảo tàng này do cá nhân hoặc tổ chức xã hội hóa tự thành lập. Tuy nhiên, họ còn khó khăn về kinh phí, đất đai và các điều kiện thành lập bảo tàng. Vì vậy, số lượng các bảo tàng tư nhân ở Việt Nam không nhiều. Đại biểu cũng mong muốn, các quy định trong dự thảo sẽ tháo gỡ khó khăn hiện nay của các bảo tàng tư nhân.

"Tôi mong muốn, khi Luật Di sản được ban hành, sẽ có thông tư hoặc nghị định hướng dẫn cụ thể hơn trong thủ tục, điều kiện, quy trình thành lập bảo tàng tư nhân và có chính sách ưu đãi riêng để bảo tàng tư nhân phát huy giá trị di sản đã được sưu tầm. Điều này cũng tạo việc làm, thu hút khách du lịch, tăng thu ngân sách cho địa phương", đại biểu bày tỏ./.

Đăng Nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×