Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Long An: Nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch

20/10/2021 | 10:25

Trước những tác động và ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch Long An đã nghiên cứu và kiến nghị tỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như chính sách đối với các nhà đầu tư hạ tầng du lịch, các khoản vay, thuê...; giãn tiến độ trả tiền thuê; giảm, miễn tiền thuê cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Long An: Nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Long An

Theo Báo cáo của Sở VHTTDL Long An cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 nhưng được sự quan tâm của tỉnh, các dự án du lịch tại Long An đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư khai thác, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian qua, Sở VHTTDL thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở lưu trú du lịch trong việc chấn chỉnh tình hình hoạt động của cơ sở. Các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Long An phát triển nhanh về số lượng, chủ yếu tập trung ở trung tâm thành phố và các khu công nghiệp. Theo đánh giá chung, các đơn vị đều đảm bảo và duy trì tốt các điều kiện theo đúng loại, hạng đã được công nhận. Một số khách sạn đã phát huy nội lực, tranh thủ huy động các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bổ sung thêm các dịch vụ bổ trợ, hiện đại hóa trang thiết bị, đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Ngành du lịch trên địa bàn tỉnh là ngành chịu tác động lớn bởi dịch Covid-19. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đều tạm dừng hoạt động trong thời gian diễn ra dịch bệnh, 100% doanh nghiệp kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng lớn về doanh thu. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều nhóm ngành khác, như: vận chuyển, lưu trú, dịch vụ ăn uống..., vì vậy tác động của dịch Covid-19 khiến doanh thu tất cả những nhóm ngành này cũng đồng thời sụt giảm.

Đối với các doanh nghiệp lữ hành: Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 15 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 01 doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành ở tỉnh buộc phải hủy tour, tuyến. Bên cạnh đó, nhiều lễ hội đã dừng tổ chức và đón khách du lịch để bảo đảm sức khỏe cộng đồng làm cho lượng khách du lịch đến Long An sụt giảm như: Lễ hội Làm Chay (huyện Châu Thành); Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành (huyện Cần Giuộc); Cúng rằm tháng Giêng tại chùa Nổi (huyện Vĩnh Hưng); Cúng lễ Kỳ Yên tại Đình Vạn Phước (huyện Cần Đước); Cúng lễ Kỳ Yên tại Đình Vĩnh Phong (huyện Thủ Thừa) và các lễ hội khác …

Đối với các Khu/điểm du lịch: Tỉnh Long An hiện có 04 khu/điểm du lịch đang đón khách tham quan du lịch, trong đó có 02 điểm du lịch được công nhận là Khu/điểm du lịch địa phương, cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg hầu hết các Khu/điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đều tạm ngừng kinh doanh.

Đối với các cơ sở lưu trú du lịch: Trên địa bàn tỉnh có 510 cơ sở lưu trú du lịch được thống kê với 6.388 phòng (51 khách sạn), trong đó có 02 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 2 sao với tổng số 59 phòng, 01 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 1 sao với 10 phòng. Công suất sử dụng buồng/phòng bình quân năm 2021 là 20%. Trong đó, công suất sử dụng buồng loại 2 sao là: 20%, công suất sử dụng buồng loại 1 sao là: 20% và các nhà nghỉ là: 20%. Dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch khi tỷ lệ sử dụng buồng phòng giảm trên 80% so với cùng kỳ, không có khách quốc tế, số lượng khách hủy phòng tại các cơ sở lưu trú là khoảng 70%.

Trong 9 tháng đầu năm, lượt khách ước đạt 270.000 lượt khách, giảm 43% so với cùng kỳ, đạt 30% so với kế hoạch, không có khách quốc tế; Doanh thu 9 tháng ước đạt 140 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ, đạt 28% so với kế hoạch. Dự báo nếu tình hình dịch Covid - 19 trong thời gian tới cơ bản được kiểm soát, cùng với nhiều chính sách kích cầu du lịch đạt hiệu quả thì hoạt động du lịch sẽ từng bước được phục hồi, nhưng chỉ tiêu đón 920.000 lượt khách với doanh thu 500 tỷ đồng trong năm 2021 của ngành du lịch tỉnh Long An sẽ không thể đạt theo kế hoạch đề ra.

Qua khảo sát sơ bộ, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh có 50% đã cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên, 20% cho nghỉ việc từ 50% đến 80% nhân viên và 30% có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số người lao động bị mất việc. Doanh nghiệp phải tính đến phương án cắt giảm nhân sự đến mức tối đa, đồng thời cho nhân viên nghỉ phép, chia ca để nhằm hạn chế chi phí tiền lương. Sự sụt giảm nguồn khách không chỉ đẩy các công ty lữ hành vào cảnh khốn đốn mà còn khiến các dịch vụ đi kèm như lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí, mua sắm... gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết tình thế, các doanh nghiệp đang tìm cách điều tiết nhân sự, thực hiện chế độ làm việc gối đầu, luân phiên hay làm việc online, làm từ xa, khuyến khích nhân viên nghỉ phép…

Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, để ngành du lịch tỉnh nhà sớm hồi phục kinh doanh ổn định trở lại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất một số công tác cần tập trung thực hiện. Cụ thể như:

Miễn và giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch; giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể trong năm 2021. Xây dựng kế hoạch tiến độ đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đến các khu/điểm du lịch (như đường giao thông, điện, nước…) tạo thuận lợi cho hoạt động của các khu/điểm du lịch.

Đồng thời, cho triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải du lịch, khu du lịch, vui chơi giải trí). Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch được vay vốn với gói ưu đãi lãi suất thấp để chi trả lương cho người lao động, sửa chữa, bảo trì cơ sở hạ tầng… Bên cạnh đó, áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ.

Ngoài ra, cho phép doanh nghiệp du lịch và hướng dẫn viên du lịch chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội; chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh Covid -19. Mở lớp đào tạo cho cán bộ nhân viên... ở các cơ sở kinh doanh du lịch để nâng cao chất lượng phục vụ, chờ đón một mùa khách du lịch mới sau này. Giảm tiền thuế đất, tiền thuê sử dụng đất và cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế đất, tiền thuê đất nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh. Hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch thực hiện "5K", khử trùng, vệ sinh môi trường, test nhanh Covid-19…, đảm bảo các điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp yên tâm đón và phục vụ du khách. Duy trì tốt công tác phòng, chống dịch để giữ gìn điểm đến an toàn. Đề xuất triển khai ưu tiên tiêm đủ 02 mũi vắc xin phòng dịch Covid-19 cho lực lượng lao động trong ngành du lịch.

Thanh Thủy

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×