Liên kết phát triển sản phẩm du lịch đường sông TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
02/12/2024 | 08:37Trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngày 30/11, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam có Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc đã tham dự và phát biểu tại Toạ đàm Định hướng phát triển sản phẩm du lịch đường sông TP. Hồ Chí Minh - Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại buổi toạ đàm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết: Với hệ thống sông ngòi hơn 28.000km và hệ thống kênh rạch dày đặc, trải rộng trên cả vùng; sự đa dạng về văn hóa, đặc biệt là văn hóa sông nước phương Nam gắn với đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, ĐBSCL có tiềm năng lớn trong việc phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với sông nước và văn hóa sông nước. Bên cạnh đó, với hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Nhà Bè kết nối với các tỉnh vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh cũng có rất nhiều cơ hội để hình thành các chương trình du lịch liên kết đến miền Tây Nam bộ bằng đường thủy. Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam 2030 nêu rõ các sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL là du lịch sinh thái, văn hóa sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng và biển đảo.
Với ý nghĩa đó, nhằm phát huy thế mạnh sông nước và văn hóa sông nước của vùng trong xây dựng các sản phẩm, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch về phát triển sản phẩm du lịch đường thủy Thành phố, trong đó có định hướng xây dựng các sản phẩm tầm trung và tầm xa từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh lân cận và ngược lại.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện, ĐBSCL không chỉ là vùng trọng điểm sản xuất lương thực quốc gia, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, mà còn là một trong 7 vùng du lịch của cả nước, có tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch. Ước tính năm 2024, lượng du khách đến ĐBSCL đạt trên 52 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt trên 62 nghìn tỉ đồng. Riêng đối với TP. Cần Thơ, ước tính năm 2024 tổng lượng khách đến tham quan, du lịch là 6,3 triệu lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt 6.226 tỉ đồng.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng đến nay, du lịch đường sông TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL được đánh giá là phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện chưa có nhiều tour đường sông được khai thác và nhiều tour hiện có rất ít khách du lịch, thậm chí có thể phải dừng khai thác. Phần lớn du lịch đường sông khai thác tuyến gần trong nội tỉnh.
Chính vì vậy, việc phát triển du lịch đường sông cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng bến bãi, cảnh quan dịch vụ ven sông. Từ đó thu hút doanh nghiệp xây chương trình du lịch liên vùng, kết hợp tham quan nhiều địa điểm trên cùng một tuyến đường sông sẽ giúp du khách có trải nghiệm phong phú hơn.
Phát biểu tại Toạ đàm, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho rằng, để kết nối du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh - Trung tâm phân phối khách của cả vùng phía Nam với cả nước và quốc tế với các tỉnh ĐBSCL thì đường sông cũng được xem là tuyến du lịch chủ đạo để đưa khách đến các điểm du lịch.
Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc đề nghị các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần nghiên cứu, đưa ra giải pháp phát triển hiệu quả du lịch đường sông, sản phẩm du lịch đặc thù của vùng theo định hướng tại Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt theo Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể: Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ hệ sinh thái sông nước, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch biển, đảo, di tích lịch sử văn hóa cùng các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng. Ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng như du lịch sông nước miệt vườn; tìm hiểu di sản văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, vui chơi giải trí và tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: An Giang - Đồng Tháp - Long An; Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng, Kiên Giang - Cà Mau. Liên kết với vùng Đông Nam bộ theo các hành lang du lịch Bắc - Nam phía Đông và phía Tây, với Campuchia, Thái Lan theo hành lang ven biển phía Nam (Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau).
Làm mới các chương trình du lịch đường sông theo hướng nâng cao chất lượng và tăng cường trải nghiệm, đặc biệt là trải nghiệm về văn hóa, phong tục, lối sống của vùng sông nước Cửu Long. Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia (Ninh Kiều, Thới Sơn, Mang Thít, Lung Ngọc Hoàng, Tràm Chim, Hà Tiên, Nhà Mát - Bạc Liêu và Mũi Cà Mau) đáp ứng các điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia, cũng như phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đáp ứng yêu cầu nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cho vùng.
Tại Toạ đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, giao thông, môi trường ở Trung ương và địa phương; các nhà nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học đã tập trung tham luận đặt ra nhiều vấn đề đối với việc phát triển du lịch đường sông ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành vùng ĐBSCL hiện nay, từ thực tiễn về phát triển du lịch đường sông, về các yếu tố tác động đến hoạt động du lịch đường sông như công tác quy hoạch, quản lý hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường thủy, bảo vệ môi trường, xây dựng dựng sản phẩm... đến các giải pháp về cơ chế, chính sách đầu tư, xúc tiến quảng bá...
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam