Liên kết phát triển du lịch tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
05/07/2022 | 14:49Với những tiềm năng, lợi thế của mình, các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung có đầy đủ cơ sở để liên kết, hợp tác phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành “kinh tế mũi nhọn”, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội các địa phương trong Vùng phát triển.
Nhiều tiềm năng để liên kết phát triển du lịch
Vùng KTTĐ miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có vị trí địa lý kinh tế chính trị rất quan trọng, nằm trên các trục giao thông quốc gia cả về đường bộ, đường sắt, đường hàng không và hàng hải; địa hình đa dạng, trải dài gần 600 km bờ biển, hơn 228 km biên giới đường bộ tiếp giáp với nước bạn Lào.
Cùng với lợi thế đó, đây là vùng kinh tế lớn thứ 3 của Việt Nam, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, với 4 sân bay Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, 5 cảng biển: Chân Mây, Đà Nẵng, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội; có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch; trong đó tiềm năng du lịch biển, đảo được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn; tiềm năng du lịch về di sản với 1.040 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong 3/5 di sản văn hóa vật thể thế giới ở Việt Nam gồm Đô thị Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam) và Quần thể di tích Cố đô Huế.
Tài nguyên du lịch núi rừng khu vực này cũng khá phong phú với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác, hồ nổi tiếng. Ngoài ra, toàn khu vực còn có nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn; là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em - những chủ nhân đã và đang xây dựng nên một bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của Việt Nam hiện nay.
Với những lợi thế trên, các tỉnh, thành phố Vùng KTTĐ miền Trung có đầy đủ cơ sở để liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Thực trạng liên kết phát triển du lịch thời gian qua
Cách đây 20 năm, 3 địa phương gồm Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế đã chủ động ký kết hợp tác phát triển du lịch với chủ đề: "Ba địa phương - một điểm đến". Kể từ đó, hoạt động liên kết này đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc phối hợp quảng bá, xúc tiến, tổ chức các sự kiện du lịch.
Theo đánh giá của ngành du lịch 03 địa phương, các hoạt động du lịch đã thật sự sôi động, hấp dẫn; nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng cao và nhiều điểm du lịch mới được du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, đã tạo ra điểm đến chung, với sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú và bổ trợ cho nhau. Nhiều sự kiện có quy mô lớn như: Festival Di sản Quảng Nam, Cuộc thi hợp xướng quốc tế tại Quảng Nam, Festival Huế, Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng... đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với du khách trong nước và quốc tế. Mô hình liên kết này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm điển hình cho cả nước.
Phát huy các kết quả đạt được, 11/2020 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lúc đó với vai trò Chủ tịch Hội đồng Vùng KTTĐ miền Trung nhiệm kỳ 2019 - 2020 đã đề xuất ý tưởng và chủ trì cùng với UBND các tỉnh, thành trong khu vực tổ chức Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Vùng KTTĐ miền Trung.
Tại đây, lãnh đạo các địa phương: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Đà Nẵng đã ký kết Thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với bốn nội dung chính: công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quảng bá xúc tiến du lịch.
Theo đó, các tỉnh, thành thường xuyên trao đổi thông tin liên kết xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng cùng với hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú. Đồng thời phát huy lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, tăng tỷ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách. Từ đó, hướng đến mục tiêu chính là tăng tỷ lệ khách du lịch, góp phần phục hồi phát triển ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác liên kết giữa các địa phương vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả triển khai các nội dung trong kế hoạch liên kết, một số hoạt động liên kết phát triển du lịch không thể triển khai và một số nội dung triển khai nhưng chưa đạt kết quả như kỳ vọng; các hoạt động liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch đôi khi còn có sự chồng chéo do có nhiều nhóm liên kết phát triển du lịch đã được hình thành từ trước tại các địa phương của khu vực miền Trung hoặc giữa một số địa phương với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, vai trò Trưởng nhóm liên kết 07 địa phương trong năm 2021 đối với lĩnh vực du lịch chưa phát huy mạnh mẽ, một số hoạt động được phân công theo kế hoạch cho các địa phương chưa được triển khai do những lý do khách quan và chủ quan; chưa có cơ chế, chính sách liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng và giữa vùng đối với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển du lịch và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng và chiến lược lâu dài.
Giải pháp liên kết phát triển du lịch Vùng KTTĐ miền Trung
Theo đánh giá chung, thời gian qua liên kết giữa các địa phương trong Vùng KTTĐ miền Trung mới đạt những kết quả ban đầu, thiếu bền vững, thiếu ràng buộc trách nhiệm pháp lý, nên hiệu quả chưa cao.
Để liên kết, hợp tác phát triển du lịch Vùng KTTĐ miền Trung thời gian tới phát huy và đạt hiệu quả nhiều hơn nữa, theo đại diện Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam, vai trò của Chủ tịch Hội đồng Vùng KTTĐ miền Trung tới đây cần phải chủ động và quyết liệt trong công tác chỉ đạo các xây dựng và triển khai Kế hoạch liên kết theo nhiệm kỳ có tính khả thi cao. Các địa phương thống nhất và bố trí đủ nguồn lực để triển khai các hoạt động theo Kế hoạch. Tăng cường vai trò của Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành trong liên kết; đẩy mạnh liên kết giữa cộng đồng các doanh nghiệp du lịch nhằm tạo ra các sản phẩm đặc trưng, độc đáo liên vùng thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch liên vùng, nhất là hệ thống giao thông liên vùng cả đường bộ và đường hàng hải; đầu tư nâng cấp một số sân bay và xúc tiến đầu tư mới một số cảng biển du lịch. Tăng cường hợp tác công - tư để huy động các nguồn lực xã hội nhằm trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm; đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng công cộng, tạo không gian nghệ thuật tại các điểm, khu du lịch. Việc triển khai Đề án quy hoạch của các tỉnh, thành cần tính đến quy hoạch liên vùng đối với lĩnh vực du lịch để hướng đến xây dựng Vùng KTTĐ miền Trung trở thành một trung tâm du lịch đẳng cấp của Việt Nam và thế giới theo hướng Trung tâm du lịch xanh.
Các địa phương cần thảo luận và ban hành chung chiến lược phát triển du lịch của Vùng để mỗi địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng trên nền tảng các giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên của địa phương bổ trợ cho nhau nhưng không trùng lắp nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn, kéo dài kỳ thăm quan của du khách.
Trong công tác quảng, xúc tiến du lịch cần đẩy mạnh hợp tác để quảng bá hình ảnh điểm đến chung cho cả vùng.
Các tỉnh, thành ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để triển khai đề án về đào tạo nguồn nhân lực du lịch đang bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và ưu tiên chuyển đổi số đối với lĩnh vực du lịch. Trong khi đó, trung ương quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng đồng bộ để phát triển du lịch và có thể thí điểm xây dựng Trung tâm du lịch xanh Vùng KTTĐ miền Trung đạt chuẩn quốc gia và quốc tế./.