Liên kết làm du lịch ở Nam Trung Bộ: Cần 'bắt tay' chặt hơn
28/11/2024 | 16:00Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận là ba tỉnh cận kề, hội tụ nhiều yếu tố để liên kết phát triển du lịch với đặc điểm văn hóa mang bản sắc riêng biệt, lễ hội đặc sắc, sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng, trong đó trọng tâm thế mạnh du lịch biển, đảo.
Liên kết, hợp tác cùng phát triển
Chuỗi bãi biển hấp dẫn trải dài, vũng, vịnh biển đẹp, khu nghỉ dưỡng biển đẳng cấp quốc tế, sản phẩm du lịch biển, đảo đa dạng và chất lượng cao của cả 3 tỉnh dễ dàng hình thành tour, tuyến du lịch theo hướng: “Trên một cung đường có 3 điểm đến”.
Bên cạnh đó, cả 3 tỉnh còn có nhiều sản phẩm du lịch bổ trợ khác như du lịch vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch chữa bệnh, du lịch mạo hiểm… để du khách lựa chọn cho hành trình của mình.
Hiện nay, các điểm đến nổi trội của từng địa phương như: Khánh Hòa có Vinpearland, Nhà hát Đó, tháp Bà Ponagar, Viện Hải dương học, điểm tắm khoáng bùn…; Ninh Thuận có tháp PoKlong Garai, Hang Rái, Đồi cát Nam Cương…; Phú Yên có Di tích lịch sử Vũng Rô, Di tích Tháp Nhạn, tháp Nghinh Phong, Gành Đá Đĩa… Điều kiện thuận lợi trong kết nối giao thông về đường bộ, đường sắt, đường thủy, giúp du khách dễ dàng di chuyển giữa hai hoặc cả ba tỉnh này.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Trước xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, du lịch ở địa phương muốn phát triển, vươn tầm cần có sự liên kết giữa địa phương với địa phương, giữa địa phương với vùng, tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Thực tế cho thấy, hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác, du lịch rất cần có sự liên kết, hợp tác để phát triển.
Thực tế, những năm gần đây, tỉnh Khánh Hòa “bắt tay” xây dựng và thực hiện các nội dung liên kết, cùng làm du lịch với Phú Yên, Ninh Thuận. Nội dung hợp tác chủ yếu tập trung trên 4 lĩnh vực: Công tác quản lý Nhà nước về du lịch; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch; hợp tác đào tạo, bồi dường nguồn nhân lực du lịch.
Giữa ba địa phương này thường xuyên trao đổi tình hình xúc tiến du lịch, hợp tác đầu tư, chính sách phát triển du lịch của từng tỉnh để kịp thời cập nhật và đưa thông tin chính xác nhất đến nhà đầu tư, đẩy mạnh khả năng quảng bá hình ảnh du lịch đến với người dân, du khách. Doanh nghiệp, nhà đầu tư các địa phương phối hợp, xây dựng và đưa vào khai thác nhiều công trình, dự án, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới hấp dẫn, thu hút nhiều du khách.
Ba tỉnh tổ chức cho các doanh nghiệp du lịch gặp mặt, trao đổi, hợp tác, kết nối du lịch; trưng bày, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp; quảng bá tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư vào du lịch ở mỗi địa phương...
Trong năm nay, ngành du lịch Khánh Hòa và Ninh Thuận tham mưu cho UBND hai tỉnh tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh. Qua đó tạo sự an toàn ở vùng giáp ranh là Bãi Kinh, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận và đảo Bình Hưng, xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, hoạt động liên kết không chỉ đem lại sự đa dạng sản phẩm du lịch trong phạm vi giữa Khánh Hòa và địa phương được liên kết từ đó còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch ở mỗi địa phương để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách.
Cần "bắt tay" chặt hơn
Tuy nhiên, tại Hội nghị sơ kết hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận năm 2024 được tổ chức mới đây, đại diện ngành du lịch ba tỉnh đều thừa nhận, giữa các địa phương chưa duy trì thường xuyên cơ chế đã thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch.
Việc liên kết trong xây dựng tour, tuyến du lịch gắn kết với sự kiện của từng địa phương chưa được phát huy tối ưu. Công tác xúc tiến quảng bá chung cho các địa phương còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa có ấn phẩm chung để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu trên báo đài, trang thông tin điện tử, trung tâm thông tin du lịch của các địa phương.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong hợp tác, xây dựng và cung cấp chương trình, sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm dấu ấn vùng miền chưa được quan tâm đúng mức; thiếu sự liên kết trong tổ chức sự kiện văn hóa du lịch chung giữa các địa phương tạo thành chuỗi sự kiện, sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách...
Ông Nguyễn Lê Vũ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên đưa ra sự so sánh về giá phòng khách sạn có sự khác biệt rất lớn giữa Khánh Hòa và Phú Yên. Nếu ở Khánh Hòa giá phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao có thể 1 triệu đồng/đêm, tại Phú Yên lên đến 2 - 3 triệu đồng, khi thiết kế tour để du khách ở hai địa phương thì sẽ có sự so sánh, đánh giá không tốt về du lịch Phú Yên. Ông Vũ cho rằng, đây cũng một trong những vấn đề cần có biện pháp tháo gỡ, tìm sự thống nhất về giá lưu trú.
Theo số liệu thống kê, đến hết tháng 10/2024, cả 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận đều đạt sự tăng trưởng về du lịch khá cao, trên nhiều phương diện. Trong đó Khánh Hòa đón trên 9,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đón 9 triệu du khách của cả năm. Phú Yên đón hơn 3,4 triệu lượt khách và Ninh Thuận đón trên 3,2 triệu lượt khách, vượt mục tiêu của kế hoạch cả năm.
Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục ký kết hợp tác về phát triển du lịch với Phú Yên và Ninh Thuận, trên tinh thần thắt chặt quan hệ hợp tác giữa các địa phương trong thời gian tới. Theo đó giữa Khánh Hòa và Phú Yên, giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận sẽ tổ chức các đoàn khảo sát sản phẩm du lịch, kết nối với doanh nghiệp du lịch của các tỉnh liên kết nhằm tạo điều kiện để 3 địa phương trong khu vực trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước; từng bước tạo động lực cho du lịch 3 tỉnh liên kết phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời, các tỉnh phối hợp tổ chức đoàn khảo sát cho báo chí trong nước và ngoài nước tuyên truyền trên mạng, phương tiện thông tin đại chúng.
Ba tỉnh đều cho rằng, việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch phải đặt rõ mục tiêu về lượng khách đạt được, những chính sách ưu đãi khi tham gia liên kết hợp tác… Ba tỉnh cần thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm và đưa ra giải pháp phát triển mới chứ không phải ký kết một cách hình thức.
Đặc biệt cần thay đổi mạnh mẽ tư duy, đổi mới cách làm, liên kết và phát triển để khi liên kết là bắt tay vào công việc cần làm, du khách sẽ được hưởng lợi những chính sách ưu đãi chung, dịch vụ tương xứng thế mạnh từng địa phương. Để phát triển rộng hơn, cần tổ chức chương trình Famtrip, liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên xây dựng tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng. Có như thế, mới đưa du lịch miền Trung tiến xa hơn nữa.