Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" và Lễ hội Thành Tuyên năm 2020

29/06/2020 | 16:18

Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" và Lễ hội Thành Tuyên năm 2020; Vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Yên Bái được nâng lên; Lạng Sơn tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội là những thông tin văn hóa đáng chú ý.

Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" và Lễ hội Thành Tuyên năm 2020

UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" và Lễ hội Thành Tuyên năm 2020.

Tổ chức Lễ đón nhận nhằm tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, các dân tộc Tày, Nùng, Thái nói riêng. Đồng thời tuyên truyền, quảng bá sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị của di sản và ý nghĩa của việc UNESCO ghi danh "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Gắn tuyên truyền, quảng bá di sản với quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của mỗi địa phương có di sản Then.

Tổ chức Lễ hội Thành Tuyên nhằm tăng cường giới thiệu với nhân dân cả nước và quốc tế về hình ảnh đất nước, con người và các giá trị di sản văn hóa của Tuyên Quang, đặc biệt là những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa của quê hương cách mạng, Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến; tiếp tục xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" và Lễ hội Thành Tuyên năm 2020 - Ảnh 1.

Lễ hội Thành Tuyên năm 2019/Nguồn: Báo Tuyên Quang.

Lễ đón nhận tổ chức vào dịp Lễ hội Thành Tuyên năm 2020, có sự tham gia của 11 tỉnh: Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai. Lễ hội Thành Tuyên năm 2020 được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, có sự tham gia hoạt động của các tỉnh tham gia Lễ đón nhận; các ngành, cơ quan, đơn vị, UBND huyện, thành phố thuộc tỉnh Tuyên Quang và mời Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, một số đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam tham dự.

Sự kiện diễn ra từ ngày 25/9/2020 đến hết ngày 26/9/2020 (ngày 09/8 đến 10/8 âm lịch) tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang với các hoạt động chính bao gồm: Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội Thành Tuyên; Đêm hội Thành Tuyên; Các hoạt động phụ trợ (Trưng bày, triển lãm di sản then Tày, Nùng, Thái Việt Nam và các sản vật đặc sắc của các địa phương; Trưng bày, giới thiệu sản vật đặc sắc, sản phẩm du lịch của Tuyên Quang; Giới thiệu không gian Ẩm thực xứ Tuyên và Lễ hội bia Hà Nội; Hội chợ thương mại và du lịch; Chương trình đưa hàng Việt về khu đô thị; Giải Quần vợt các câu lạc bộ tỉnh Tuyên Quang mở rộng).

Yên Bái: Vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội được nâng lên

Theo Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, công tác triển khai thực hiện Quyết định 1755/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái. Nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội được nâng lên.

Một số làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh được cấp bằng công nhận làng nghề góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy quá trình sản xuất các sản phẩm tiêu dùng, tạo ra sản phẩm độc đáo, riêng biệt, phát triển dịch vụ và sản phẩm du lịch làng nghề, bước đầu mang lại nguồn thu cho địa phương.

Hoạt động hợp tác, xúc tiến thương mại, đầu tư nước ngoài trên lĩnh vực văn hóa, du lịch được đẩy mạnh. Tỉnh Yên Bái ưu tiên phát triển du lịch văn hóa. Hoạt động du lịch có bước phát triển, hoàn thành và vượt chỉ tiêu về khách du lịch được giao, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân, quảng bá hình ảnh đất và người Yên Bái.

Các hoạt động phổ biến phim được đẩy mạnh, tổ chức hiệu quả các đợt phim phục vụ nhiệm vụ chính trị. Từ năm 2016-2019, tỉnh đã thực hiện được 1.200 buổi chiếu. Hoạt động chiếu phim lưu động đạt hiệu quả, bám sát những sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh.

Hoạt động nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị. Từ năm 2017-2019, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh xây dựng chương trình và tổ chức 360 buổi biểu diễn nghệ thuật. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn phục vụ cơ sở với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh triển lãm, quảng cáo cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Lạng Sơn: Tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội

Nhiều giải pháp đã được đưa ra trong Báo cáo Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư khóa XI "về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội".

Cụ thể, trong thời gian tới, Tỉnh ủy Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW và các nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội Đảng đề ra, gắn với thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị, ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII "về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội"; Chỉ thị số 06/CT-TTg, ngày 20/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Nghị định 110/2018/NĐ-CP, ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, huyện về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của Nhân dân.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa trên địa bàn. Tiếp tục tăng cường sự phối hợp, kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những sai phạm diễn ra trong lễ hội trên địa bàn; Hướng dẫn các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn khi tổ chức lễ hội, lễ nghi tôn giáo, tín ngưỡng đảm bảo không xảy ra các hiện tượng chen lấn, tranh cướp "lộc", hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc hoặc tổ chức các trò chơi cá cược trá hình, dịch vụ đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch trái quy định...; quản lý hòm "công đức" đúng mục đích, sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch; Tăng cường công tác quảng bá văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh đến du khách, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bằng nhiều hình thức, đặc biệt là Internet, mạng xã hội; tăng cường kết hợp quảng bá du lịch khi tham gia các chương trình xúc tiến du lịch tại các thị trường trong và ngoài tỉnh, quốc tế phù hợp với mục tiêu của tỉnh;…

Hằng Đinh (T/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×