Lào Cai: Bảo tồn văn hóa các dân tộc
04/10/2021 | 13:5730 năm qua, với quan điểm nhất quán, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và ngành văn hóa đã có nhiều sáng tạo, linh hoạt trong triển khai, lồng ghép các chương trình, dự án, đề án nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, góp phần kết nối cộng đồng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Bảo tồn văn hóa được triển khai sâu, rộng
Lào Cai có 25 nhóm, ngành dân tộc sinh sống, với kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo. Để giữ gìn, bảo tồn và phát huy kho tàng ấy, ngành văn hóa xác định cần xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Chính vì vậy, ngay sau khi tái lập, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, dự án, kế hoạch để xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa. Nhờ đó, từ 12 nhà văn hóa thôn, bản (giai đoạn 1991-1999), đến nay, 100% thôn, bản, tổ dân phố có nhà/điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa. Cùng với đó, hệ thống Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, rạp chiếu phim… được xây dựng khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của người dân.
Đề án “Phát triển văn hóa, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai” được triển khai từ năm 2001 đã tạo chuyển biến lớn trong nhận thức của cán bộ và người dân về tầm quan trọng của bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ 10 đội văn nghệ hoạt động không thường xuyên những năm đầu tái lập, đến nay, tỉnh đã có hơn 1.000 đội, câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ, trong đó có gần 600 đội, câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ tại các thôn, bản, xã, phường duy trì sinh hoạt và tập luyện thường xuyên.
Từ những phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, rộng khắp đã xuất hiện những điển hình văn hóa tiêu biểu, nghệ nhân văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 19 người được công nhận là nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú ở các loại hình văn hóa dân tộc. Họ cũng là những người tích cực tham gia bảo tồn, truyền dạy và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương.
Nghệ nhân Ưu tú Lồ Lài Sửu, xã Thanh Bình (huyện Mường Khương) bày tỏ: Tôi luôn cố gắng truyền dạy những gì mình biết về văn hóa dân tộc Bố Y với mong muốn thế hệ trẻ sẽ yêu và có ý thức giữ gìn những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình, không để mai một bản sắc.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 50 di tích văn hóa được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh; hơn 30 lễ hội được duy trì và phục dựng; khoảng 25 lớp truyền dạy chữ Nôm Dao. Lào Cai còn là địa phương đứng trong tốp đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa, với 37 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 2 di sản đại diện nhân loại (Nghi lễ kéo co Tày, Giáy và Nghi lễ thực hành then Tày, Nùng, Thái).
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Trên hành trình “biến di sản thành tài sản”, việc các địa phương quan tâm trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh cũng góp phần thu hút du khách tới tham quan, chiêm bái, biến những nơi này trở thành những điểm đến hấp dẫn, góp phần thúc đẩy thương mại, dịch vụ.
Đối với huyện Bắc Hà, dinh thự Hoàng A Tưởng là một trong những di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng. Nhờ được quan tâm trùng tu, bảo tồn nên dù đã trải qua 100 năm tồn tại, nơi đây vẫn giữ được những nét kiến trúc độc đáo, là điểm đến không thể thiếu trong hành trình tham quan, trải nghiệm Bắc Hà. Ngoài ra, các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật như Câu lạc bộ khèn Mông Bắc Hà thường xuyên duy trì các lớp khèn thiếu nhi để truyền dạy và thành lập các đội văn nghệ biểu diễn, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật dân tộc tại dinh thự Hoàng A Tưởng; chợ đêm Bắc Hà, các khu du lịch, nhà nghỉ, homestay cũng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển…
Cùng với cảnh quan thiên nhiên và khí hậu tuyệt vời thì bản sắc văn hóa độc đáo được xác định là “món ăn tinh thần” không thể thiếu, thu hút khách du lịch đến với Sa Pa. Ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: Những năm qua, thị xã Sa Pa luôn duy trì các hoạt động lễ hội văn hóa thường niên, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa cộng đồng. Địa phương còn khai thác và biểu diễn nghệ thuật dân tộc ở những điểm du lịch nổi tiếng như khu vực cáp treo, đỉnh Fansipan nhằm thu hút khách du lịch.
Trong công tác bảo tồn văn hóa, chương trình “Mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi vùng có đặc sản trở thành hàng hóa” đã giúp nhiều sản phẩm văn hóa của người dân các địa phương xây dựng được thương hiệu, trong đó nhiều mặt hàng đã trở thành sản phẩm hàng hóa nổi tiếng hấp dẫn du khách, như thuốc tắm của người Dao đỏ, thổ cẩm Tả Phìn (Sa Pa), rượu San Lùng (Bát Xát), sản phẩm mây tre đan của người Tày ở Nghĩa Đô (Bảo Yên)… giúp người dân phát triển kinh tế.
Các địa phương xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng với các điểm du lịch văn hóa đã tạo ra sức hấp dẫn cho các tuyến du lịch. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo. Các mô hình kinh tế gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc do chính những người dân địa phương làm chủ đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập, tiêu biểu là mô hình Tổ hợp tác trồng lanh và phát triển sản phẩm thổ cẩm đồng bào Mông xã Tả Phìn (Sa Pa); Tổ phụ nữ may, thêu thổ cẩm thôn Ngải Chồ, xã Y Tý (Bát Xát); Hợp tác xã Bảo tồn và phát huy truyền thống xã Nghĩa Đô (Bảo Yên)…
Kết nối cộng đồng các dân tộc
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không những giúp gắn kết cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, mà còn kết nối với cộng đồng dân tộc nước ngoài, nâng tầm văn hóa các dân tộc trên địa bàn qua việc đối ngoại văn hóa, ngoại giao văn hóa. Điểm nhấn là luân phiên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, tặng sách giữa Lào Cai (Việt Nam) và các tỉnh của Trung Quốc; tour du lịch “2 quốc gia, 6 điểm đến”; chương trình Hòa âm dân gian Israel và Việt Nam tại Lào Cai năm 2019; Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Sa Pa năm 2020... góp phần đưa văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới.
Trên con đường hội nhập và phát triển, việc giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng là quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.