Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Kiến tạo khu du lịch thông minh
25/07/2025 | 09:56Từ một thiết chế văn hóa phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản các dân tộc thiểu số, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, xã Hòa Lạc, Hà Nội) đang chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới trở thành khu du lịch thông minh và điểm đến văn hóa quốc gia mang tầm quốc tế.

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (xã Hòa Lạc, Hà Nội).
Điểm nhấn rõ nét cho sự chuyển mình thể hiện qua cách Làng chủ động tạo dựng không gian văn hóa sống động kết hợp hài hòa giữa bảo tồn truyền thống và ứng dụng công nghệ hiện đại.
Những năm gần đây, không gian Làng trở thành điểm đến trải nghiệm văn hóa đặc sắc. Cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên văn hóa bản địa phong phú là điểm thuận lợi để Làng phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng và hấp dẫn.
Trước đó không lâu, trại sáng tác được đưa vào vận hành dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 đã mở ra không gian lưu trú gắn kết nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và du khách trong môi trường văn hóa giàu bản sắc. Những buổi biểu diễn nghệ thuật đương đại trong âm thanh vang vọng của cồng chiêng, giữa không gian kiến trúc của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên đã góp phần đa dạng và chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch tại Làng, tạo cảm xúc chân thực cho khách lưu trú.
Một trong những dấu ấn trong hoạt động đối ngoại văn hóa là sự kiện đón Phu nhân Thủ tướng Nhật Bản và Phu nhân Thủ tướng Việt Nam tới tham quan Làng vào tháng 4 vừa qua. Những trải nghiệm như: khâu quả còn, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, trải nghiệm trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực, trò chuyện với nghệ nhân đã để lại ấn tượng sâu sắc và mở ra hướng tiếp cận mới trong quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Trên cơ sở đó, mô hình sự kiện văn hóa gắn kết ngoại giao đang được định hình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Làng trở thành điểm đến trong hoạt động đối ngoại văn hóa và giao lưu quốc tế.
Theo Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trịnh Ngọc Chung, Làng đã nhiều lần đón tiếp các đoàn khách quốc tế đến tham quan. Trong thời gian tới, các chương trình có yếu tố ngoại giao văn hóa sẽ được phát triển chuyên nghiệp hơn, đáp ứng yêu cầu cao từ công tác đón tiếp, bảo đảm an ninh cũng như các hoạt động giao lưu. Vận động theo tinh thần nội dung của Đề án "Quốc tế hóa văn hóa bản sắc dân tộc, dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới" đồng thời khai thác và phát huy tiềm năng không gian văn hóa Làng, Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp Bộ Ngoại giao, kết hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng hội đồng khoa học để định hướng phát triển không gian kiến trúc, cảnh quan, lễ hội mang bản sắc từng dân tộc, bảo đảm tính khoa học và đặc trưng văn hóa riêng phục vụ công tác đối ngoại văn hóa.
Trong lộ trình chuyển đổi, hướng tới trở thành khu du lịch thông minh và điểm đến văn hóa quốc gia-quốc tế, Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam đang vận hành và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Một trong những nhiệm vụ ưu tiên là ứng dụng khoa học, công nghệ và truyền thông theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cùng Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Trên nền tảng số, các sản phẩm văn hóa như bản đồ tương tác, video ngắn, học liệu giáo dục đã và đang được hoàn thiện.
Đặc biệt, các chương trình học trải nghiệm trên nền tảng số, giới thiệu văn hóa dân tộc lên mạng xã hội đang từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch văn hóa-giáo dục, góp phần đưa văn hóa vào học đường một cách linh hoạt và hấp dẫn.
Một bước đi hợp xu thế là phối hợp TikTok Việt Nam, kết nối KOLs trải nghiệm phong tục, trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống… qua đó mở rộng độ phủ sóng của Làng trên các nền tảng số và khả năng tiếp cận văn hóa tới giới trẻ trong và ngoài nước. Những đoạn video ngắn đăng tải trên trang Fanpage của Làng thu hút lượng người theo dõi ổn định, tương tác tích cực và được chia sẻ rộng rãi.
Trong bối cảnh xu hướng khách quốc tế và học sinh, sinh viên ngày càng tăng, Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã xác định rõ định hướng phát triển sản phẩm du lịch chuyên đề theo hướng giáo dục, trải nghiệm, tương tác.
Để đạt được mục tiêu này, Làng sẽ đẩy mạnh hợp tác du lịch, tổ chức hội thảo quốc tế, tăng cường liên kết với trường học và các đơn vị lữ hành, xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa chuyên đề mang tính giáo dục, trải nghiệm vừa đậm đà bản sắc vừa hiện đại. Các hoạt động lễ hội, trình diễn nghề, biểu diễn nghệ thuật được tổ chức gắn với mùa du lịch, đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách.
Cùng với đó, định hướng lấy con người làm trung tâm được thể hiện rõ nét qua chính sách chăm lo đội ngũ nghệ nhân. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL, có hiệu lực từ tháng 9/2024 đã góp phần cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống cho nghệ nhân hoạt động thường xuyên tại Làng.
Với mức hỗ trợ 4,8 triệu đồng/người/tháng, đồng bào yên tâm hơn để gắn bó lâu dài, trình diễn và truyền dạy tri thức văn hóa trong môi trường sinh hoạt truyền thống đặc thù của Làng.
Bằng những bước đi cụ thể, là một thiết chế văn hóa vận hành dưới sự quản lý của Nhà nước, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đang định hình vị thế là trung tâm giao lưu quốc tế về di sản và đa dạng văn hóa.
Hướng tới xây dựng hệ sinh thái văn hóa-du lịch thông minh thông qua chuyển đổi số, cơ chế đầu tư hợp tác mở và linh hoạt, Làng từng bước khẳng định vai trò của một điểm đến văn hóa, đóng góp thiết thực vào chiến lược quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam giàu bản sắc, hiện đại và hội nhập.