Lạng Sơn ứng dụng công nghệ trong rèn luyện thể dục thể thao: Tăng động lực, nâng hiệu quả
03/04/2023 | 15:58Chỉ với một chiếc điện thoại di động thông minh, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh rèn luyện thể dục thể thao (TDTT) hàng ngày với môn chạy bộ, đi bộ, đạp xe… (các môn thể thao dịch chuyển) đã sử dụng các ứng dụng để hỗ trợ, tạo động lực nâng cao hiệu quả tập luyện.
Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều người dân, các vận động viên thể thao trên địa bàn tỉnh bắt đầu quan tâm tới việc cài đặt các ứng dụng trên điện thoại di động thông minh để hỗ trợ cho việc tập luyện các môn thể thao dịch chuyển. Các ứng dụng phổ biến được người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng gồm: Strava, Running App, Gramin… Theo đó, thông qua hệ thống định vị toàn cầu Global Positioning System (GPS) được kết nối bằng điện thoại thông minh mà người dân mang theo khi tập luyện, các ứng dụng sẽ cập nhật vị trí để tính độ dài quãng đường mà người tập đã đi, hiển thị hành trình đi trên bản đồ định vị, tính trung bình thời gian di chuyển/kilomet, ước tính năng lượng đã được sử dụng để thực hiện đi hoặc chạy trên quãng đường đó, đo nhịp tim (khi kết nối với đồng hồ thông minh)… Kết quả chạy của người dân cũng được ứng dụng lưu trữ, thống kê bằng biểu đồ.
Anh Phạm Văn Đông, xã Quốc Việt, huyện Tràng Định chia sẻ: Trước đây, tôi vẫn tập thể dục hằng ngày với môn chạy bộ, việc tính thời gian chạy chỉ qua ứng dụng bấm giờ trên điện thoại. Hè năm 2020, tôi đã cài đặt ứng dụng chạy bộ Strava và sử dụng thường xuyên cho đến nay. Ứng dụng như một người bạn đồng hành cùng tôi trong quá trình tập hằng ngày. Sau mỗi lần chạy, qua kết quả, các chỉ số, đồng thời so sánh với kết quả của những người cùng tập trên ứng dụng, tôi nỗ lực từng ngày để cải thiện thành tích của mình. Nếu như năm 2020, trung bình mỗi kilomet tôi chạy trong thời gian hơn 6 phút, thì nay chỉ khoảng 4 phút. Năm 2021, từ chạy phong trào, tôi đã mạnh dạn tham gia giải việt dã đại hội TDTT cấp huyện và đoạt huy chương đồng.
Ngoài ra, các ứng dụng còn cho phép người dùng kết nối với những người cùng chung sở thích tập luyện các môn thể thao này trên địa bàn để động viên, khích lệ nhau cùng tập luyện. Do đó, nhiều cá nhân đã sử dụng tiện ích này để thành lập các nhóm chạy trên ứng dụng. Riêng trên ứng dụng chạy Strava hiện có 7 nhóm chạy có gắn địa điểm tại Lạng Sơn.
Từ tiện ích của các ứng dụng, thời gian qua, nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các giải chạy nhằm mục đích gây quỹ từ thiện. Tham gia giải, hầu hết các vận động viên đều cài đặt ứng dụng chạy (do ban tổ chức lựa chọn ứng dụng) để làm căn cứ tính kết quả. Điển hình như tại giải chạy “Agribank – Vì tương lai xanh” do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Lạng Sơn (tháng 2/2023) và giải chạy “Vạn trái tim – một niềm tin” do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Lạng Sơn tổ chức (tháng 3/2023) có khoảng 700 người đã cài đặt ứng dụng Strava khi tham gia giải.
Với việc sử dụng ứng dụng, người dân trên địa bàn tỉnh còn có thể góp sức thực hiện chương trình thiện nguyện do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức. Đơn cử, chương trình đi bộ, chạy bộ “Những bước bước chân vì cộng đồng” được Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh triển khai từ năm 2020 đến nay, nhằm vận động người dân trên địa bàn (đặc biệt là đoàn viên, thanh niên) tích cực đi bộ, chạy bộ, đồng thời cài đặt ứng dụng chạy Strava tích hợp với ứng dụng của Ngân hàng Sacombank, qua đó, gây quỹ xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng cho các dân tộc thiểu số ít người tại Việt Nam. Cụ thể, với mỗi kilomet đi bộ hoặc chạy bộ, Ngân hàng Sacombank sẽ tài trợ 1.000 đồng. Hiện nay, chương trình đang bắt đầu vào chặng 9 với số tiền gần 620,6 triệu đồng.
Ông Phương Ngọc Thuyên, Trưởng Phòng Quản lý TDTT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sử dụng công nghệ, ứng dụng trên các thiết bị thông minh hỗ trợ tập luyện TDTT trong những năm gần đây đã được khá nhiều người dân trên địa bàn áp dụng. Các phần mềm tiện ích không chỉ giúp nâng cao hiệu quả, tạo động lực duy trì việc tập luyện thường xuyên của người dân, nâng cao thành tích cho vận động viên đối với các môn thể thao dịch chuyển như đi bộ, chạy việt dã, xe đạp đường trường, xe đạp địa hình… mà còn lan tỏa phong trào tập luyện những môn này, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ người dân luyện tập TDTT thường xuyên trên địa bàn.
Việc sử dụng ứng dụng, phần mềm với hàng loạt các chức năng tích hợp, người người dân trên địa bàn có thể tự tập luyện, đánh giá kết quả, đặt ra mục tiêu phấn đấu hằng ngày nhằm góp phần nâng cao hiệu quả tập luyện và thành tích đối với các môn TDTT dịch chuyển.