Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lạng Sơn: Quản lý các cơ sở tín ngưỡng là di tích-Nhiều chuyển biến tích cực

27/01/2022 | 16:06

Những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tại các cơ sở tín ngưỡng (CSTN) là di tích trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đảm bảo hoạt động tại các cơ sở này theo đúng quy định của pháp luật, góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Xứ Lạng.

Được biết, từ năm 2017 về trước, nhiều CSTN trên địa bàn tỉnh không được quản lý chặt chẽ, đã xuống cấp do ngân sách hạn hẹp nên việc trùng tu, tôn tạo còn nhiều hạn chế. Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 63/QĐ-UBND ngày 20/12/2017 về quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Lạng Sơn: Quản lý các cơ sở tín ngưỡng là di tích-Nhiều chuyển biến tích cực - Ảnh 1.

Người dân phường Chi Lăng quyên góp tiền công đức tại chùa Tiên, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn

Thực hiện Quyết định số 63, đến nay, 168/168 CSTN nằm trong danh mục kiểm kê di tích của tỉnh đã được phân cấp về chính quyền địa phương trực tiếp quản lý. Hiện nay, ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh đã thành lập ban quản lý (BQL) cấp huyện để chỉ đạo chung tất cả các di tích trên địa bàn do 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban, phòng văn hóa – thông tin (VHTT) là cơ quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trực tiếp tham mưu, chỉ đạo đã phát huy vai trò, tính chủ động, kịp thời của chính quyền địa phương. Đáng chú ý, các cấp chính quyền cơ sở đã xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình.

Ông Lý Hoàng Anh, Phó Trưởng Phòng VHTT huyện Hữu Lũng cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có hơn 68 CSTN là di tích. Năm 2018, phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo thành lập BQL di tích tại các xã, thị trấn. Sau khi phân cấp, các cấp, ngành ở huyện đã chủ động hơn rất nhiều trong công tác kiểm tra, giám sát, khoanh vùng, bảo vệ các di tích. Đến nay, 20% di tích là CSTN được khoanh vùng, bảo vệ. Riêng giai đoạn 2019 – 2021, toàn huyện đã huy động được trên 5 tỷ đồng để tu bổ, phục hồi các di tích trên địa bàn (tăng gần 70% so với giai đoạn 2016 – 2018).

Không riêng Hữu Lũng mà hiện nay các huyện, thành phố đều thực hiện việc thành lập BQL tại các CSTN là di tích và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện toàn tỉnh có 41 CSTN được khoanh vùng bảo vệ; 33 CSTN được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giai đoạn 2017 – 2021 có 58 lượt CSTN là di tích được tu bổ, xây mới với tổng kinh phí trên 63 tỷ đồng. Trong đó, nguồn lực xã hội hóa là trên 52 tỷ đồng, chiếm 82,1% (tăng hơn 60% so với giai đoạn 2012 – 2016). Hoạt động mê tín, dị đoan từng bước được hạn chế.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Để có được những kết quả đó, những năm qua, sở đã tích cực thực hiện công tác quản lý Nhà nước về di tích; đôn đốc UBND cấp huyện, xã trực tiếp quản lý, trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn; phối hợp với phòng VHTT các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn BQL các CSTN là di tích trên địa bàn phát huy giá trị di sản văn hóa theo quy định pháp luật; phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các CSTN thực hiện công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định; tập trung nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý tại các CSTN và đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra…

Theo đó, từ năm 2018 đến nay, Sở VHTT&DL đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm kê, tổng hợp, đánh giá, phân loại 1.117 điểm di tích và các CSTN theo quy định. Đồng thời tổ chức 3 hội nghị tập huấn cho gần 1.000 lượt cán bộ, công chức và đại diện các BQL di tích trên địa bàn tỉnh; tổ chức 14 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với trên 70 lượt di tích là CSTN; tích cực hỗ trợ BQL di tích các cấp tổ chức các hội thảo về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích là CSTN trên địa bàn.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, ngành VHTT&DL tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện quản lý Nhà nước đối với từng loại hình di tích nói chung, các CSTN nói riêng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền và thiết lập các cơ chế quản lý phù hợp từng địa bàn…

Theo thống kê của Sở VHTT&DL, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 168 CSTN nằm trong danh mục kiểm kê di tích của tỉnh. Trong đó về loại hình, các CSTN gắn với di tích gồm có: 90 đình, 50 đền, 22 chùa, 1 miếu, 2 nhà thờ họ, 3 nghè. Về quy mô, mức độ xếp hạng có 55 CSTN được xếp hạng các cấp, chiếm 6,8% (gồm 40 cấp tỉnh, 11 cấp quốc gia; 4 quốc gia đặc biệt); 113 CSTN trong danh mục kiểm kê di tích chưa được xếp hạng (chiếm 13,9%)


Theo Báo Lạng Sơn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×