Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Làng hương nức danh xứ Huế phát triển kinh tế bằng du lịch

15/09/2023 | 15:12

Những năm trở lại đây, người dân làng hương Thủy Xuân (phường Thủy Xuân, TP Huế, Thừa Thiên Huế) vừa giữ gìn nghề truyền thống vừa kết hợp làm du lịch, cách làm mới này đã giúp nhiều hộ tăng thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình.

Làng hương nức danh xứ Huế

Nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 7km về hướng Tây Nam, làng Thủy Xuân nổi tiếng với nghề làm hương trầm có tuổi đời hàng trăm năm. Không rõ nghề làm hương ở làng có từ khi nào, chỉ biết rằng vào thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), nơi đây đã chuyên cung cấp hương trầm cho triều đình và quan lại nhà Nguyễn cũng như cả vùng Thuận Hóa, Phú Xuân. Đến nay, nghề làm hương vẫn được người dân ở làng Thủy Xuân tiếp tục duy trì và lưu giữ.

Làng hương nức danh xứ Huế phát triển kinh tế bằng du lịch - Ảnh 1.

Sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng... của các bó chân hương đã tạo ra một không gian đầy sức sống cho làng hương truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm.

Người dân làng Thủy Xuân cho hay, nét đặc trưng tạo nên thương hiệu hương Thủy Xuân là dù trải qua hàng trăm năm nhưng dân làng vẫn giữ được cách làm hương truyền thống. Mỗi cây hương trầm từ nguyên liệu thô sơ đến lúc hoàn thiện phải qua nhiều công đoạn khác nhau, nhưng đều được làm bằng phương pháp thủ công.

Nguyên liệu làm hương cũng được các "nghệ nhân" lựa chọn kỹ càng, hoàn toàn từ thiên nhiên, không sử dụng hóa chất. Kèm với đó là công thức pha chế bộ hương riêng biệt đã cho ra những sản phẩm trầm hương vừa chất lượng vừa an toàn sức khỏe, được nhiều người biết đến và tin dùng.

Là một trong những người làm hương trầm lâu năm ở Thủy Xuân, bà Tôn Nữ Ánh Tuyết (73 tuổi) cho biết, nghề làm hương trầm ở làng khá vất vả, thu nhập cũng không cao nhưng đây là nghề truyền thống được cha ông để lại nên người dân trong làng luôn ý thức trách nhiệm, cố gắng để giữ gìn. Đên nay, có nhiều gia đình đã gắn bó với nghề qua nhiều thế hệ.

Làng hương nức danh xứ Huế phát triển kinh tế bằng du lịch - Ảnh 2.

Bà Tôn Nữ Ánh Tuyết bày biện các bó chân hương ra phơi để phục vụ khách du lịch.

"Trước đây sản phẩm hương trầm của làng chủ yếu phục vụ cho người dân trong tỉnh, nhưng sau này đã được phân phối ra các tỉnh thành khác trong cả nước. Bên cạnh đó, một vài năm trở lại đây, người làm hương trong làng bắt đầu biết cách vừa làm hương vừa kết hợp làm du lịch đã giúp tăng thêm thu nhập, góp phần ổn định kinh tế gia đình", bà Tuyết chia sẻ.

Vừa làm du lịch vừa giữ nghề truyền thống

Hiện nay, làng hương Thủy Xuân không chỉ nổi tiếng là làng nghề truyền thống mà còn là điểm thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan. Khi tìm kiếm dòng hashtag #langhuongthuyxuan trên mạng xã hội Facebook, có hàng ngàn kết quả cho ra những bức ảnh đủ màu sắc về làng nghề này được du khách đăng tải.

Được biết, từ cuối năm 2021, khi nghề hương trầm Thủy Xuân được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là nghề truyền thống, du khách trong và ngoài nước đổ về làng hương Thủy Xuân ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, việc làng nằm trên trục đường có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như lăng vua Tự Đức, đồi Vọng Cảnh đã mở ra cho người dân cơ hội để phát triển du lịch.

Làng hương nức danh xứ Huế phát triển kinh tế bằng du lịch - Ảnh 3.

Nằm trên trục đường có nhiều điểm du lịch nổi tiếng, làng hương Thủy Xuân có nhiều cơ hội để phát triển du lịch.

Theo đó, thay vì chỉ phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ nghề làm hương như trước đây, nhiều hộ dân dọc tuyến đường Huyền Trân Công Chúa đã đầu tư sửa sang, trang trí lại hàng quán, trưng bày thêm nhiều sản phẩm du lịch, mở thêm nhiều dịch vụ liên quan đến nghề làm hương để phục vụ du khách.

Đến với làng hương Thủy Xuân bây giờ, du khách có thể trực tiếp tìm hiểu, trải nghiệm nghề làm hương. Được mua về các sản phẩm hương trầm chất lượng. Được check-in, chụp hình miễn phí với cổ phục. Các dịch vụ sự tiếp đón niềm nở, nhiệt tình của người dân đã tạo ra ấn tượng tốt, thu hút khách. Qua đó, tạo thêm thu nhập cho người làm hương tại Thủy Xuân. Đồng thời, giúp quảng bá, lan tỏa hình ảnh của làng nghề.

Tiếp quản công việc của mẹ chồng giao lại khoảng 2 năm nay, chị Đỗ Lê Tú Nhi (32 tuổi, chủ cửa hàng hương Minh Trang) đã mạnh dạn chỉnh trang hàng quán, tạo dựng những điểm nhấn để phục vụ du khách đến trải nghiệm. Chị Nhi cho biết, nếu như thời gian trước, quán chủ yếu phục vụ khách nước ngoài thì đến nay du khách trong nước cũng đã tìm về làng hương rất nhiều.

Làng hương nức danh xứ Huế phát triển kinh tế bằng du lịch - Ảnh 4.

Du khách trải nghiệm nghề làm hương tại Thủy Xuân và sử dụng các dịch vụ tại đây.

Làng hương nức danh xứ Huế phát triển kinh tế bằng du lịch - Ảnh 5.

"Du khách đến làng hương sẽ được trải nghiệm miễn phí, song người dân cũng cần có lợi nhuận thu về, do đó chúng tôi đã bày bán thêm đồ lưu niệm cho khách như: các sản phẩm hương, nón lá, tranh, đồ thủ công… Ngoài ra còn có dịch vụ cho thuê áo dài cổ phục để khách chụp ảnh nếu có nhu cầu. Ở đây không có tình trạng chèo kéo mà để khách tự nhiên, thoải mái lựa chọn, trải nghiệm theo ý của mình. Các dịch vụ thời gian qua đã nhận được phản hồi rất tích cực từ du khách", chị Nhi vui vẻ cho biết.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá: "Người dân làng hương Thủy Xuân rất sáng tạo trong việc thu hút du khách. Lúc đầu, chỉ đơn giản là du khách vào xem làm hương, tự tay trải nghiệm làm hương. Sau này, việc sắp xếp, trưng bày các bó chân hương thành những hình bông hoa rực rỡ đã thu hút nhiều du khách, nhất là giới trẻ đến chụp ảnh. Làng hương Thủy Xuân bây giờ được xem là địa điểm du lịch hấp dẫn ở Huế, nhất là đối với giới trẻ".

Cũng theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, việc nghề hương trầm Thủy Xuân được công nhận là nghề truyền thống của tỉnh đã giúp có thêm cơ chế để hỗ trợ người dân các vấn đề như quy hoạch, hướng dẫn hình thức sản xuất hương kết hợp trình diễn cho du khách chiêm ngưỡng... Địa phương và ngành du lịch đã đưa làng hương vào tuyến du lịch, tạo điều kiện cho dòng khách đến đây thường xuyên, đều đặn hơn. Ngoài ra, còn tạo điều kiện để người dân mở rộng không gian, có hình thức thiết kế cả trong lẫn ngoài để có không gian check-in hài hòa, có tính mỹ thuật cao.

Lê Chung

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×