Lâm Đồng: Tăng cường quản lý di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh
11/04/2025 | 10:39Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng vừa có công văn gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn .
Theo Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 37 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong thời gian qua, hoạt động quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của các địa phương trên địa bàn và hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích của các đơn vị được giao quản lý di tích được thực hiện tương đối tốt góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa; giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương gắn với phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, tại một số di tích vẫn còn xảy ra tình trạng di tích bị xuống cấp. Tự ý bổ sung một số công năng sử dụng hay cơi nới công trình. Hình thành một số dịch vụ phục vụ hoạt động của đơn vị, phục vụ du lịch. Vệ sinh môi trường, cảnh quan chưa đảm bảo. Công tác tu bổ, tôn tạo thực hiện chưa đúng với quy định của pháp luật. Một số di tích còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất di tích… tác động xấu đến kiến trúc, làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích.

Du khách tham quan Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (Ảnh: lamdong.gov.vn).
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh, Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị UBND các huyện, thành phố và các đơn vị được giao quản lý, bảo vệ di tích tiếp tục tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả quy định tại Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 đến khi Luật Di sản văn hóa số 45/2024/QH15 ngày 23/11/2024 có hiệu lực thi hành; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa và Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND ngày 15/01/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng về Quy định về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật về Di sản văn hóa và Xây dựng cũng như các quy định của pháp luật có liên quan; hồ sơ, thiết kế đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường công tác quản lý đất đai của các di tích bị lấn chiếm, có biện pháp, kiên quyết trong việc thu hồi đất của di tích bị lấn chiếm; thực hiện việc quản lý, sử dụng có hiệu quả đất đai của di tích. Xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm đất đai, xâm phạm di tích.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa; đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm di tích, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm, đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích vào nề nếp.
Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền về giá trị của các di tích đến công chức, viên chức, người lao động, khách tham quan và nhân dân bằng các hình thức phù hợp, mang lại hiệu quả tích cực góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.
Ngoài ra, bố trí kinh phí, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và báo cáo với cấp có thẩm quyền các hành vi xâm hại di tích cũng như những thiếu sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích./.