Lâm Đồng: Quản lý, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa
14/10/2021 | 20:27Lâm Đồng là nơi hội tụ của 47 dân tộc anh em; cùng với các dân tộc bản địa K'Ho, Mạ, Chu Ru… và các cư dân từ khắp mọi miền đất nước đến sinh sống lập nghiệp đã mang theo truyền thống văn hóa, trình độ phát triển, phong tục tập quán, tín ngưỡng khác nhau làm nên miền đất giàu di sản. Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ, cộng đồng các dân tộc luôn ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Thực trạng quản lý các di sản văn hóa vật thể
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lâm Đồng, tính đến nay, toàn tỉnh có 37 di tích được xếp hạng; riêng từ năm 2001 đến nay, đã có 26 di tích được xếp hạng mới, trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh; có 70 cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu (đền Mẫu, điện Mẫu). Những năm qua, việc đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được tỉnh quan tâm. Di tích Khảo cổ Cát Tiên, Di tích lịch sử Quốc gia Nhà Lao thiếu nhi Đà Lạt, Di tích lịch sử Kháng chiến Khu VI… được tôn tạo với nguồn kinh phí hơn 173 tỷ đồng và di tích cấp tỉnh (chủ yếu là đình làng) cũng được nâng cấp với kinh phí hơn 700 triệu đồng. Xem xét, phê duyệt 5 hồ sơ quy hoạch di tích: Thung lũng Tình Yêu, thác Prenn, thác Đatanla, hồ Tuyền Lâm, hồ Xuân Hương; quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt khảo cổ Cát Tiên gắn với phát triển du lịch đến năm 2030.
Sau 20 năm Luật Di sản được thực thi, Lâm Đồng cũng ban hành nhiều văn bản quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích; di vật, cổ vật; bảo vật quốc gia; quản lý, bảo vệ, đầu tư khai thác di tích, danh lam thắng cảnh; nhiều đề án được triển khai thực hiện như: Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng; chương trình văn hóa, nghệ thuật vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát triển Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch...
Phát huy giá trị của các di sản văn hóa vật thể, UBND tỉnh đã giao cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quản lý, khai thác và phát huy các giá trị di tích, danh lam thắng cảnh như: Thung lũng Tình Yêu, thác Voi, thác Đatanla, thác Cam Ly, hồ Than Thở, thác Pongour, thác Bảo Đại… Bên cạnh đó, Sở VH-TT-DL trực tiếp quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt khảo cổ Cát Tiên, Di tích Quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Các di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, chủ yếu đình làng được giao cho chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư quản lý. Các đơn vị được giao quản lý và khai thác di tích đã thực hiện đầu tư các sản phẩm, loại hình du lịch, dịch vụ đặc trưng, phù hợp với định hướng quy hoạch của địa phương; khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, làm thay đổi nhận thức, phù hợp với luật pháp và đạo đức truyền thống.
Phát huy di sản văn hóa phi vật thể
Di sản văn hóa phi vật thể cũng được quan tâm bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị. Các lễ hội truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán, nếp sống tốt đẹp của đồng bào đã và đang được tích cực nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và bảo vệ. Các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc; các loại hình văn hóa dân gian được tổ chức thường xuyên tại các hội thi, hội diễn. Việc tổ chức hoặc phục dựng các lễ hội trên địa bàn được thực hiện theo nguyên tắc bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của từng cộng đồng dân cư theo hướng lành mạnh, tiến bộ; xây dựng các tiêu chí văn hóa mới phù hợp với không gian lễ hội và đời sống xã hội hiện đại. Triển khai dự án Làng nghề truyền thống dân tộc Chu Ru, xã Pró, huyện Đơn Dương với kinh phí 7 tỷ đồng; trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: Bảo tồn công cụ lao động; sưu tầm phục chế, tái trang bị các loại nhạc cụ truyền thống; bảo tồn hiện vật trong các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ nghi truyền thống; tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng cho cộng đồng, hỗ trợ trang thiết bị cho các hộ gia đình để phục vụ du khách... Phục dựng một số lễ hội truyền thống dân tộc Mạ, K'Ho, Chu Ru; điều tra, nghiên cứu bảo tồn các buôn, làng tiêu biểu và lễ hội truyền thống của dân tộc ít người; hàng năm duy trì Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện kiểm kê di sản văn hóa cồng chiêng tại các huyện Đạ Huoai (2012), Đức Trọng (2014); Đơn Dương (2021); tổ chức tôn vinh 59 nghệ nhân cấp tỉnh; xét đề nghị Chủ tịch nước phong tặng 9 "Nghệ nhân Ưu tú"; biên soạn 3 từ điển song ngữ Việt - tiếng dân tộc thiểu số là K'Ho, Mạ và Chu Ru; đưa vào chương trình giảng dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số cho học sinh các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Tổ chức 62 lớp truyền dạy cồng chiêng cho hơn 1.600 thanh thiếu niên là đồng bào dân tộc thiểu số; trang bị 18 bộ cồng chiêng truyền thống, 75 bộ trang phục biểu diễn với tổng kinh phí trên 2,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Xây dựng, hỗ trợ hình thành 5 đội nhóm cồng chiêng phục vụ du lịch tại Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Di Linh và Đạ Huoai; duy trì 16 đội nhóm cồng chiêng thường xuyên biểu diễn phục vụ giao lưu tìm hiểu văn hóa của người dân và du khách tại Lạc Dương, Đức Trọng, Đà Lạt và Bảo Lộc. Thành lập trên 25 tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở dệt thổ cẩm, đan lát, gốm sứ tại Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương, Bảo Lâm, Di Linh; đầu tư khôi phục, phát triển các làng nghề và các nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến nay có 33 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa. Tiến hành kiểm kê di sản phi vật thể tập trung vào các loại hình: ngữ văn dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian trên địa bàn 72 xã có đông dân cư đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tính đến cuối năm 2019, có 17 di sản văn hóa phi vật thể đã được thống kê, sưu tầm: Nghề dệt vải ở K'Nớ - Lạc Dương, Lộc Thành - Bảo Lâm, Lộc Châu - Bảo Lộc; nghề đan lát ở Bảo Thuận - Di Linh; nghề làm gốm ở Pró - Đơn Dương; nghề làm bạc ở Tu Tra - Đơn Dương; lễ cúng (nhô wèr) ở Bảo Thuận - Di Linh...
Tăng cường các biện pháp quản lý
Công tác xã hội hóa bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã phát huy vị thế của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong việc nâng cao vai trò của người dân trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bài trừ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền đã huy động nhiều nguồn lực lớn từ Nhân dân cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều di tích đã được tu bổ, tôn tạo, phục hồi từ công sức, kinh phí đóng góp của cộng đồng và được Nhân dân tổ chức quản lý, bảo vệ và phát huy. Các di tích được phát huy có hiệu quả như: Thung lũng Tình Yêu, hồ Tuyền Lâm, thác Prenn, Ga Đà Lạt, Trường Cao đẳng Sư phạm... Các di sản văn hóa đã và đang phát huy mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua khai thác du lịch. Việc xác định và xây dựng thương hiệu du lịch từ di sản văn hóa đã thật sự tạo nên sự khác biệt hấp dẫn cho Lâm Đồng với nhiều loại hình gắn với các giá trị di sản như: tham quan, nghiên cứu các giá trị văn hóa, kiến trúc, trải nghiệm các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa của việc bảo tồn di sản, dẫn đến một số di tích do Nhân dân tự ý thực hiện tu bổ, tôn tạo, không đáp ứng yêu cầu về bảo tồn các giá trị truyền thống. Việc bảo vệ di sản và khai thác giá trị phục vụ hoạt động du lịch còn nhiều bất cập. Một số địa phương đã triển khai các hoạt động nhằm thu hút khách tham quan du lịch, song lại chưa chú ý đến việc bảo tồn di sản, tạo sự ổn định, bền vững cho di sản nên đã xuất hiện tình trạng khai thác quá mức di sản, dẫn đến nguy cơ hủy hoại di sản. Công tác tu bổ, tôn tạo và đầu tư đối với các di tích cấp quốc gia chưa được phân cấp quản lý cho địa phương, gây khó khăn, mất thời gian cho các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Một số loại hình di sản phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống. Công tác quy hoạch, tu bổ, tôn tạo di tích còn thiếu tầm nhìn, chưa phù hợp, chưa tạo ra được nguồn thu xứng với tiềm năng.
Để từng bước bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh và trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống cho các thế hệ mai sau, ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng đã nêu các giải pháp của ngành trong thời gian tới: Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý di sản văn hóa theo một cơ chế tách bạch, rành rọt, thực hiện ba chức năng lớn: bảo vệ, trùng tu, khai thác; đảm bảo tốt nhất quyền văn hóa của công dân trong sáng tạo, thực hành và thụ hưởng văn hóa. Cần phân cấp cho các địa phương về việc tu bổ, tôn tạo và lập quy hoạch đối với các di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh cấp quốc gia để triển khai được thuận tiện hơn. Đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các công trình di tích hoặc các hạng mục công trình di tích; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản, khuyến khích các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ di tích, hiến tặng hiện vật, tổ chức các hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể; có chính sách hỗ trợ, tôn vinh những tổ chức, cá nhân, nghệ nhân có nhiều đóng góp. Cần có quy định về cơ chế, chính sách tạo môi trường và động lực để nghệ nhân dân gian tiếp tục truyền bá những giá trị văn hóa phi vật thể tới cộng đồng và xã hội...