Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lai Châu khơi nguồn văn hóa để phát triển du lịch bền vững

24/08/2023 | 15:41

Tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc đều có những bản sắc độc đáo, riêng biệt. Với mong muốn đưa văn hóa các dân tộc lan tỏa, vươn xa, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Lai Châu đang tích cực phục dựng các lễ hội đặc trưng, nhằm đưa văn hóa đến gần hơn với người dân, du khách, qua đó, từng bước phát triển du lịch bền vững.

Giữa những âm thanh rộn rã của làn điệu dân ca, dân vũ mở đầu lễ hội Háu Đoong (tức lễ cúng thần rừng) của đồng bào dân tộc Giáy tại thành phố Lai Châu, các chàng trai, cô gái cùng say sưa vui hội trong trang phục dân tộc truyền thống.

Chị Dào Thị Lan, ở bản Màng, phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu chia sẻ: "Đội văn nghệ của chúng tôi biểu diễn hôm nay gồm có 8 người. Quá trình tập luyện ai cũng rất hăng say và thường tập vào các buổi tối thôi, vì ban ngày các chị đi làm nên buổi tối mới có thời gian để tập với nhau. Chào mừng lễ hội Háu Đoong này, các chị em ai cũng thấy rất vui, tại vì đây là lễ hội của dân tộc mình, tổ chức tại phường mình nữa".

Lai Châu khơi nguồn văn hóa để phát triển du lịch bền vững - Ảnh 1.

Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Giáy, nhiều món ăn dân tộc được làm nên để phục vụ du khách.

Háu Đoong là lễ hội quan trọng nhất trong năm của đồng bào Giáy ở thành phố Lai Châu. Lễ hội là dịp để người dân dâng lên thần rừng các sản vật tự tay mình sản xuất ra, cầu mong thần rừng che chở, ban cho một năm mưa thuận gió hòa. Lễ hội được tổ chức nhằm duy trì và phát huy những nét đẹp, phong tục, tập quán của dân tộc Giáy nhằm giới thiệu, quảng bá với du khách.

Ông Bùi Thế Chiều, Phó Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu cho biết: "Năm nay phường tổ chức lễ hội Háu Đoong là lần thứ 2. Trong quá trình tổ chức phường đã nâng cấp quy mô, với nhiều hoạt động vui chơi văn hóa, văn nghệ. Hoạt động nghi thức cúng rừng cũng như là hoạt động thể thao văn hóa, văn nghệ được tổ chức rộng rãi. Thông qua lễ hội thì sẽ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc dân tộc nói chung và dân tộc Giáy nói riêng trên địa bàn, từ đó tạo ra mối đoàn kết của các dân tộc".

Lai Châu khơi nguồn văn hóa để phát triển du lịch bền vững - Ảnh 2.

Đây là năm thứ 2 lễ hội Háu Đoong được phục dựng tổ chức, nhằm khơi nguồn văn hóa để phát triển du lịch.

Nếu như Háu Đoong là lễ hội truyền thống của đồng bào Giáy, thì lễ hội Gầu Tào, hay Gầu Tào Cha lại mang nét đặc trưng riêng của đồng bào Mông. Lễ hội xuất phát từ nghi lễ cúng cầu may, cầu phúc vào đầu năm trong các gia đình người Mông. Nhiều năm nay, lễ hội thường được các địa phương tổ chức ở quy mô cấp xã, liên xã và cấp huyện.

Nghệ nhân dân gian dân tộc Mông, Sùng Can Dinh, ở xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu cho biết, theo quan niệm của đồng bào Mông, vạn vật hữu linh, đất có thần đất, rừng có thần rừng, sông có thần sông... Trong đó, thần rừng được coi là vị thần linh thiêng nhất, che chở cho dân bản trong cuộc sống hàng ngày. Hàng năm, sau những ngày Tết Nguyên đán, người Mông thường tổ chức lễ hội, để cầu mong mọi người được khỏe mạnh, may mắn; cầu cho cây trồng, vật nuôi phát triển, không bị sâu bệnh và cầu cho mọi nhà kinh tế ngày càng khấm khá, gia đình ấm no, hạnh phúc...

"Trong ngày hội, tất cả bà con chuẩn bị có một mâm cỗ, mỗi thứ một ít. Mang về cúng thì mình sẽ mời cả thần núi, thần sông, thổ địa về để nhận tấm lòng của bà con. Thần núi, thần sông, thổ địa ủng hộ cho bà con năm mới ai ai cũng dồi dào sức khỏe và hạnh phúc", nghệ nhân Sùng Can Dinh cho biết.

Lai Châu khơi nguồn văn hóa để phát triển du lịch bền vững - Ảnh 3.

Những làn điệu dân ca, dân vũ là điểm nhấn trong lễ hội Háu Đoong của đồng bào Giáy ở Lai Châu.

Thực hiện Nghị quyết 04 của Đảng bộ tỉnh Lai Châu về bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã phục dựng và duy trì nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn như: Xòe chiêng, Áp hô chiêng của người Thái; Té nước của người Lào; Gầu tào của người Mông...

Theo ông Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, từ nay đến tháng 10, tại Lai Châu sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa - du lịch đặc sắc, như: Tuần Văn hóa, du lịch năm 2023 tổ chức tại huyện Than Uyên và thành phố Lai Châu dịp Quốc khánh 2/9; Ngày hội Văn hóa các dân tộc có dân số dưới 10.000 người trên toàn quốc do tỉnh Lai Châu đăng cai vào đầu tháng 10... Trong đó, riêng ngày hội Văn hóa các dân tộc có dân số dưới 10.000 người tổ chức tại Lai Châu sẽ có sự tham gia của đoàn diễn viên, nghệ nhân từ 13 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ có nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, bao gồm phần trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Lai Châu khơi nguồn văn hóa để phát triển du lịch bền vững - Ảnh 4.

Tuần văn hóa du lịch huyện Than Uyên sẽ có màn múa xòe chủ đề "Lung linh sắc màu Tây Bắc", với sự tham gia của hơn 2.000 người.

"Sản phẩm du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng hiện nay cũng đang được tỉnh quan tâm và chính sách này cũng đã được cụ thể hóa thông qua Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh đã cụ thể hóa bằng đề án cũng như là kế hoạch cho chiến lược phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, Lai Châu xác định xây dựng các sản phẩm du lịch có tính trọng tâm, khác biệt và tạo ra các điểm nhấn trên cơ sở khai thác tối ưu lợi thế về văn hóa của tỉnh trong phát triển du lịch", ông Trần Mạnh Hùng cho biết.

Khai thác lợi thế văn hóa, phục dựng và duy trì các lễ hội, Lai Châu đã và đang tạo ra các sản phẩm du lịch riêng biệt, hấp dẫn với du khách. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa độc đáo các dân tộc, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong cộng đồng dân cư và từng bước đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững.

Theo VOV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×