Kỳ vọng cú hích du lịch từ chính sách visa mới
16/08/2023 | 10:50Chính sách thị thực (visa) của Việt Nam kể từ ngày 15/8/2023 không còn là “nút thắt” nữa mà được kỳ vọng sẽ tạo cú hích đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch, đạt mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Từ ngày 15/8, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày, với số lần nhập, xuất cảnh không giới hạn. Công dân của các nước được Việt Nam miễn thị thực sẽ tăng thời gian tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Đây là tin vui không chỉ cho ngành du lịch Việt Nam, các đơn vị dịch vụ du lịch - lưu trú, mà còn cho ngành hàng không và cả du khách. Như vậy là "đường đã thông, hè đã thoáng", rào cản về chính sách visa tồn tại lâu nay đã được tháo gỡ. Các doanh nghiệp có đà để xây dựng các sản phẩm du lịch dài ngày nhằm thu hút các thị trường khách có khả năng chi trả cao hơn.
Còn nhớ sau hai năm ảnh hưởng COVID-19, tháng 11/2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022. Tuy nhiên, năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ 3,5 triệu lượt, đạt 70% chỉ tiêu đặt ra. Trong khi đó, Thái Lan đón 11,15 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa con số dự kiến 8 triệu lượt khách.
Khi phân tích nguyên nhân du lịch Việt Nam "đi trước, về sau", nhiều chuyên gia đã cho rằng, vấn đề nan giải nhất, "nút thắt" lớn nhất là chính sách visa kém cạnh tranh. Việt Nam chỉ miễn cho 24 quốc gia/vùng lãnh thổ, còn Thái Lan miễn visa du lịch cho 65 quốc gia/vùng lãnh thổ. Việt Nam phần lớn chỉ cho phép khách lưu trú 15 ngày và ra vào một lần, còn Thái Lan cho phép du khách lưu trú từ 30-45 ngày, thậm chí 90 ngày và được ra vào nhiều lần.
Với những nỗ lực thu hút khách, 7 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 6,6 triệu lượt, bằng 83% kế hoạch năm 2023. Nay "nút thắt" lớn nhất đã được gỡ, nếu các khâu còn lại như công tác quảng bá, xúc tiến tốt; sản phẩm hấp dẫn; cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực bảo đảm…, thì mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế hoàn toàn trong tầm tay.
Dĩ nhiên, visa chỉ là "lời chào mời đầu tiên", là điều kiện cần, chứ không phải là điều kiện đủ và cũng không là yếu tố quyết định trong việc kéo du khách đến Việt Nam, lưu trú dài ngày và chi tiêu nhiều hơn. Một chính sách tốt sẽ có tác động tốt. Song, chính sách tốt không phải là "chìa khóa vạn năng".
Du lịch muốn phát triển với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, đưa Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới", thì ngành công nghiệp không khói và mỗi địa phương phải nắm bắt cơ hội để xây dựng những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn; mở rộng thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh; truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; bồi dưỡng nguồn nhân lực; thực hiện các chương trình liên kết địa phương…
Du khách đến rồi ở đâu; trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên, con người và ẩm thực của Việt Nam như thế nào; làm sao để tăng tỷ lệ khách trở lại, giảm thiểu những phàn nàn hay những đánh giá tiêu cực về du lịch Việt Nam… Đó mới là câu chuyện cần được chuẩn bị kỹ lưỡng khi visa đã thông thoáng.
Trong năm 2023, các tỉnh Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, và TP. Đà Nẵng… đã có những "quả ngọt" bằng những cách làm du lịch hiệu quả.
Khánh Hòa duy trì và tăng tần suất các chuyến bay quốc tế từ các thị trường trọng điểm của Khánh Hòa như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Kazakhstan. Thừa Thiên - Huế khai thác thế mạnh tài nguyên di sản để vừa giữ được hồn cốt của Huế, vừa thu hút du khách, đồng thời phục vụ công tác bảo tồn và phát triển.
Quảng Nam tiếp tục phát triển du lịch xanh với nhiều sản phẩm/mô hình du lịch được quan tâm đầu tư như: mô hình lưu trú du lịch xanh kết hợp hoạt động trải nghiệm văn hóa dân gian, mô hình du lịch làng quê, làng nghề, du lịch cộng đồng… TP. Đà Nẵng tổ chức hàng loạt lễ hội, sự kiện, tạo không khí sôi động, tươi mới, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Khánh Hòa và Đà Nẵng đều xếp trong danh sách những địa phương có doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2023 đạt từ 10 tỷ đồng trở lên (cùng TPHCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bình Thuận…). Đó là tín hiệu vui, tạo ra những gam màu tươi sáng trong bức tranh du lịch của cả nước.
Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; là những nền tảng và tạo sức mạnh để ngành du lịch bứt phá.
Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Bộ VHTTDL ban hành định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Vấn đề của hôm nay và ngày mai là cần những giải pháp đồng bộ và hành động quyết liệt để phát triển ngành du lịch "nhanh, bền vững, hiệu quả, văn minh, lành mạnh, hội nhập", như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.