Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kỳ sửa đổi Luật Di sản văn hóa lần này rất được xã hội trông đợi

17/05/2024 | 08:24

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cho rằng, kỳ sửa đổi lần này rất được xã hội trông đợi sẽ khắc phục được một số hạn chế, bất cập phát sinh trong quá trình thực thi luật hiện hành và bổ sung những quy định cập nhật để quản lý di sản văn hóa được hợp lý và hiệu quả hơn

Kỳ sửa đổi Luật Di sản văn hóa lần này rất được xã hội trông đợi - Ảnh 1.

Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh minh họa

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra sắp tới. Quan tâm đến dự thảo Luật lần này, nhiều ý kiến chuyên gia bày tỏ tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa nhằm bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Nguồn lực xã hội cho bảo tồn và phát huy di sản văn hóa còn hạn chế

Theo đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh An Giang; Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua ngày 29/6/2001 và được sửa đổi, bổ sung ngày 18/6/2009, tính đến nay đã hơn 20 năm ban hành và hơn 10 năm sửa đổi, bổ sung.

Có thể khẳng định, Luật đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của xã hội, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã đặt ra nhiều vấn đề cấp bách mà thực tiễn cần nhìn nhận, đánh giá để có thể bắt kịp với sự vận động của xã hội, của thế giới.

Vì vậy, việc hoàn thiện hành lang pháp lý vững chắc sẽ góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Đồng thời, nâng tầm và tôn vinh những giá trị của văn hóa nhân loại nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng.

"Qua 20 năm, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện nhưng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa dần bộc lộ những hạn chế, bất cập. Do đó, để tháo gỡ những vướng mắc, đảm bảo quy định pháp luật hài hòa với thực tiễn và sự phát triển xã hội, thế giới, việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là cần thiết" – đại biểu Trình Lam Sinh nêu quan điểm.

Một thực trạng mà vị đại biểu này bày tỏ băn khoăn đó là, thời gian qua, nhận thức của xã hội về vai trò, ý nghĩa của di sản văn hóa chưa được sâu sắc và toàn diện, chưa được cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình cụ thể, từ đó nguồn lực của xã hội cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa còn hạn chế, mặc dù nguồn lực này là rất lớn.

"Trên thực tiễn, có nhiều nơi việc tu bổ dẫn đến sai lệch yếu tố gốc của di tích. Hay như dùng nguồn lực cho tu bổ nhưng lại sử dụng vào mục đích khác như hành nghề mê tín dị đoan thương mại… làm méo mó di sản văn hóa theo hướng tiêu cực" – đại biểu trăn trở.

Từ đó, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị, dự Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV lần này cần đặc biệt quan tâm đến việc tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và thuận lợi, đạt được lợi ích cho các bên tham gia trong việc "huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực để bảo tồn di sản văn hóa".

Cũng theo đại biểu, hiện có nhiều di tích lịch sử, văn hóa bị xuống cấp, di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền, nhiều bảo tàng không phát huy được hiệu quả, công tác lưu trữ có khi dẫm chân vào hoạt động bảo tàng, bảo tồn di sản…

Do đó, đại biểu cho rằng cần xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm huy động nguồn lực xã hội, tạo điều kiện để các thành phần được tham gia và được thụ hưởng chính sách từ sự đóng góp đó. Điều này cũng sẽ góp phần bảo tồn nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng, hay những hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, đặc sắc.

Đồng thời, Luật cũng cần quy định rõ cơ chế, chính sách xã hội hóa các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, như ưu đãi đầu tư, hỗ trợ, giảm, miễn thuế, khuyến khích mở rộng các bảo tàng tư nhân, bộ sưu tập tư nhân, quy định về quản lý, sử dụng các nguồn thu tại các di tích.

Kỳ sửa đổi lần này rất được xã hội trông đợi

Đồng tình sự cần thiết sửa đổi cũng như nhiều nội dung cơ bản tại dự thảo Luật, TS.Trần Đức Nguyên, Khoa Di sản văn hóa – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh, việc tiến hành các hoạt động nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của Nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.

Để thực hiện được những điều đó, việc xây dựng những quy định của pháp luật nhằm tạo cơ sở hành lang pháp lý cho hoạt động bảo vệ và phát huy kho tàng di sản văn hóa dân tộc là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.

Còn PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa nhận định, dự thảo Luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, cơ quan soạn thảo rất thiện chí tiếp thu các góp ý với mục đích cao nhất là ban hành được một văn bản luật hoàn thiện, đủ tính bao quát và cụ thể, đủ cập nhật và phù hợp với yêu cầu thực tế.

"Kỳ sửa đổi lần này rất được xã hội trông đợi sẽ khắc phục được một số hạn chế, bất cập phát sinh trong quá trình thực thi luật hiện hành và bổ sung những quy định cập nhật để quản lý di sản văn hóa được hợp lý và hiệu quả hơn" - PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm bày tỏ.

Tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa, PGS. TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, dự thảo luật đã quy định rõ ràng và cụ thể hơn những nội dung hoạt động liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa, tạo cơ sở pháp lý để xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; truyền thống và hiện đại;… đặc biệt dự thảo luật có bước tiến mới đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

"Dự thảo Luật di sản văn hóa sửa đổi đã tiếp cận được xu thế của quốc tế và đáp ứng kịp thời những yêu cầu từ thực tế các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam", PGS. TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh.

Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×