Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành thể dục thể thao Việt Nam

28/03/2016 | 07:00

Sáng ngày 27.3.2016, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Thể dục thể thao Việt Nam (27.3.1946-27.3.2016) và đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhất.

Đến dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương - Trương Thị Mai, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam; lãnh đạo Bộ VHTTDL; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao, các Liên đoàn, Hiệp hội và các vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu.

 
Thay mặt Đảng và Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương - Trương Thị Mai gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của ngành Thể dục thể thao Việt Nam.
Tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã phát biểu ôn lại chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của ngành Thể dục thể thao. Theo đó, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, dù đất nước đang trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng một lúc phải lãnh đạo nhân dân ta chống “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” và xây dựng chế độ mới, nhưng với tầm nhìn xa, trông rộng, Đảng và Bác Hồ vẫn dành cho công tác thể dục thể thao sự quan tâm đặc biệt.

Ngày 30.01.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 14 thành lập Bộ Thanh niên Nha Thể dục Trung ương, chính thức khai sinh ra nền thể thao cách mạng Việt Nam với nhiệm vụ “nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc” nhằm “tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam.” Tiếp đó, ngày 27.3.1946, Người thay mặt Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 38 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục. Cùng ngày, Người viết bài Sức khỏe và Thể dục đăng trên báo Cứu quốc, kêu gọi toàn dân tập thể dục.

 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ kỷ niệm
Thực hiện lời kêu gọi của Người, phong trào “Khỏe vì Nước”, “Ngày Thanh niên vận động” được tổ chức rộng khắp trên cả nước đã góp phần vào khí thế cách mạng sôi nổi của nhân dân ta sau Cách mạng Tháng Tám.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược, phong trào thể dục thể thao vừa mới hình thành đang trên đà phát triển thì phải tạm thời chuyên hướng hoạt động để phù hợp với điều kiện thời chiến với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho kháng chiến”. Các phong trào: “Luyện quân lập công”, “Khỏe để kháng chiến, kiến quốc”, “Thi đua giáo dục: đức dục, trí dục, thể dục”, “Thi đua luyện tập thân thể cho khỏe mạnh”... được phát động trong quân đội, nhân dân ở các vùng tự do tại Chiến khu Việt Bắc, Chiến khu 12, các Liên khu 3, 4, 5... đã động viên cán bộ, công nhân, nhân dân rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe, thể lực nhằm đảm bảo chiến đấu thắng lợi, góp phần tích cực vào cuộc kháng chiến, cứu quốc mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của dân tộc.

Hòa bình lập lại, tháng 6 năm 1956, Ban Thể dục thể thao Trung ương trực thuộc Thủ tướng Chính phủ được thành lập có nhiệm vụ giúp Chính phủ lãnh đạo phong trào thể dục thể thao nhân dân và thể thao quốc phòng trên toàn miền Bắc. Đến năm 1960, Ban Thể dục thể thao Trung ương chuyển thành ủy ban Thể dục thể thao trực thuộc Hội đồng Chính phủ, sau đó chuyển thành Tổng cục Thể dục thể thao vào năm 1971.

Trong giai đoạn này, ngành Thể dục thể thao đã phát động các phong trào: “Thể dục, vệ sinh”, “Chạy nối liền Bắc Nam”, “Luyện vai trăm cân, luyện chân ngàn dặm”, “Chạy, nhảy, bơi, bắn, võ ”, “Rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn”, “Toàn xã biết bơi”, “Câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời”, “Xây dựng các điển hình tiên tiến về TDTT”... trong thanh, thiếu niên, học sinh, công nhân, viên chức, dân quân tự vệ, lực lượng vũ trang được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam chống đế quốc xâm lược.

 
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại lễ kỷ niệm
Sau chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, nhiệm vụ chiến lược của ngành Thể dục thể thao được xác định là: “Khôi phục và tăng cường sức khỏe của nhân dân, góp phần xây dựng con người mới phát triên toàn diện, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Trên cơ sở đó, phong trào “Xây dựng các điển hình tiên tiến về TDTT” nhanh chóng lan rộng trong các tỉnh phía Nam và đến năm 1980 đã trở thành Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sổng văn hóa” với mục tiêu: Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mỗi người chọn cho mình một môn thể thao hoặc một hình thức rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 và Quyết định số 2198/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được đẩy mạnh góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực của toàn dân. Tính đến nay, tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đã đạt 28,3%, số gia đình thể thao đạt 20,1%; ty lệ học sinh, sinh viên thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa đạt 100%, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia tập luyện thể dục, thể thao ngoại khóa đạt 71%; 100% cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ ừang đạt tiêu chuẩn chiến sỹ khỏe...

Trên nền tảng rộng khắp của phong trào Thể dục thể thao quần chúng, Thể thao thành tích cao của Việt Nam cũng sớm hình thành, phát triển và gặt hái thành công, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên đấu trường thể thao quốc tế.

Ngay đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, những tuyển thủ miền Bắc đã tham dự Đại hội thể thao GANEFO dành cho các nước đang trỗi dậy đã giành được nhiều thành tích xuất sắc. Đặc biệt, thành tích vượt kỷ lục thế giới của xạ thủ Trần Oanh - người sau này được ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận là Vận động viên xuất sắc nhất thế kỷ XX của Việt Nam - tại giải bắn súng quân đội các nước xã hội chủ nghĩa năm 1962 - đã đưa Thể thao Việt Nam có mặt trên bản đồ thể thao thế giới.

Khi Đất nước bước vào công cuộc đổi mới, Thể thao thành tích cao đã có bước tiến mạnh mẽ và ngày càng đạt được nhiều thành tích trên các đấu trường thể thao khu vực, châu lục và thế giới. Tính từ năm 1982 đến nay, Thể thao Việt Nam đã có 2 tấm HCB tại Olympic mùa Hè, 11 HCV và nhiều huy chương bạc, huy chương đồng tại các kỳ Đại hội thể thao Châu Á. Tại đấu trường khu vực, từ năm 2003 tới nay, thành tích của Thể thao Việt Nam luôn ổn định ở Top 3 bảng xếp hạng huy chương chung cuộc. Các vận động viên Trần Hiếu Ngân, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Thúy Hiền, Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thong, Nguyên Hoàng Ngân, Phạm Hồng Thắm, Nguyễn Kim Anh, Lê Bích Phương, Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, Lê Thanh Liêm và nhiều vận động viên khác đã tiếp nối truyền thống của các thế hệ vận động viên đi trước, làm rạng danh Thể thao Việt Nam trên đấu trường thể thao quốc tế.

 
Chương trình nghệ thuật chào mừng
Không chỉ tham dự và giành thành tích cao tại các kỳ Đại hội thể thao quốc tế, vị thế của Thể thao Việt Nam còn được nâng cao hơn khi nước ta còn là chủ nhà của SEA Games lần thứ 22 năm 2003; Đại hội thể thao trong nhà Châu Á 2009; Đại hội thể thao bãi biển Châu Á 2016... cùng nhiều giải đấu lớn khác.

Hiện nay, với phương châm tập trung vào các môn thể thao cơ bàn nhất trong hệ thống thi đấu Olympic, Thể thao Việt Nam đã bước đầu đạt được những kết quả khích lệ tại SEA Games 28 năm 2015 ở Singapore cùng nhiều giải thể thao quốc tế quan trọng trong giai đoạn vừa qua.

Mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế là nhu cầu thiết yếu của sự phát triển TDTT Việt Nam. Trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, Thể thao Việt Nam luôn góp phần tích cực thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại vì hòa bỉnh hữu nghị, hợp tác và phát triển cúa Đảng và Nhà nước ta.

Trải qua chặng đường 70 năm đồng hành cùng đất nước, với tư tưởng “Dân cường thì Quốc thịnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp Thể dục thể thao đạt được nhiều thành tựu, có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc, đúng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Thể dục thể thao là một công tác trong những công tác cách mạng khác”.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong 70 năm phát triển và trưởng thành, ngành Thể dục thể thao luôn giữ vị trí quan trọng góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đóng góp vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế.

Có thể nói, thể thao thực sự trở thành một nhịp cầu hội nhập, một kênh dẫn để văn hóa dân tộc hoà chung trong dòng chảy văn hóa thế giới mà sự kiện môn thể thao truyền thống và một trò chơi dân gian là kéo co được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể chung giữa Việt Nam-Campuchia-Hàn Quốc-Philippines là một minh chứng sống động.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng, với truyền thống tự hào của 70 năm phát triển, trưởng thành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên ngành thể dục thể thao sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó để thể dục thể thao phát triển, tầm vóc thể lực của người Việt Nam được nâng cao.

Phó Thủ tướng mong muốn sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp trong công tác quy hoạch, đầu tư để đảm bảo những điều kiện cần thiết, một hệ thống thiết chế, hệ thống cơ sở vật chất thể thao đáp ứng được yêu cầu tập luyện trong nhà trường, trong xã hội, khơi dậy tinh thần thượng võ, trung thực công bằng không chỉ trong các giải đấu, các môn thể thao mà trong toàn xã hội.

Việc ôn lại truyền thống tự hào của ngành thể dục thể thao cũng sẽ thôi thúc mỗi người nếu chưa bắt đầu tập thể dục hãy bắt đầu, nếu đã tập thể dục nhưng chưa đều đặn hãy tập đều đặn; sẽ tiếp động lực để phong trào tập thể dục, rèn luyện thân thể trong nhà trường, trong xã hội thực sự phát triển.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×