Ký Bản ghi nhớ giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Du lịch Campuchia
06/05/2023 | 18:56Ngày 6/5, tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Olympic Campuchia Thong Khon đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia về hợp tác du lịch nhằm mở ra cơ hội mới cho sự phát triển về du lịch giữa hai nước.
Điểm chung là phát triển du lịch dựa trên các tài nguyên văn hoá
Trong không khí ấm áp, tràn đầy tình hữu nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng bày tỏ, trong những ngày qua, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã được đến đất nước Campuchia tươi đẹp, thắm tình đoàn kết anh em, được chứng kiến sự phát triển của đất nước chùa Tháp và ấn tượng về công tác tổ chức SEA Games 32.
Bằng tình cảm chân thành, kính trọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia vui và chúc mừng Lễ khai mạc SEA Games 32 đã thành công, để lại dấu ấn tốt đẹp trong cộng đồng nhân dân các nước ASEAN. Nhắc lại vai trò của thể thao trong kiến tạo hoà bình đã được Thủ tướng Hun Sen một lần nữa chia sẻ tại Lễ khai mạc SEA Games 32, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, tư tưởng đó và chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Lễ khai mạc đã giúp cho nhân dân các nước ASEAN hiểu biết thêm về nền văn hoá và sự lớn mạnh, trưởng thành của đất nước Campuchia từ sau khi được giải phóng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, dù là quốc gia đang phát triển, còn nhiều khó khăn nhưng với tính cách hào sảng, phóng khoáng của người Khmer, Campuchia đã miễn phí ăn, ở cho các Đoàn, tạo nên dấu ấn đặc biệt sau 31 kỳ SEA Games được tổ chức.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng tin tưởng sau sự thành công của Lễ khai mạc, với màn trình diễn ấn tượng bằng sự kết hợp giữa hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng và công nghệ, SEA Games 32 sẽ tiếp tục được tổ chức thành công.
Về hợp tác trong lĩnh vực Du lịch, năm 1995, hai bên ký Hiệp định hợp tác du lịch, sau đó ký các văn bản triển khai. Hiện nay, hai bên đang triển khai Bản ghi nhớ hợp tác du lịch ký năm 2015. Đánh giá cao sự hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là sự vượt khó của du lịch 2 nước trong đại dịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đây chính là dịp để hai bên cùng nhau nhìn lại quá trình hợp tác trong thời gian qua để rút ra kinh nghiệm và đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai trong thời gian tới.
Còn 7 tháng của năm 2023, Bộ trưởng cho rằng hai bên cần triển khai các hoạt động cụ thể hay như trong khuôn khổ 5 năm, cần phải xác định nhiệm vụ trong từng năm một, chúng ta đã làm được gì và phải bổ sung những gì để các năm sau triển khai hiệu quả hơn.
"Việc triển khai hợp tác trong lĩnh vực Du lịch trong những năm qua đã tuân thủ đúng các nội dung đã ký kết, hai bên cũng đã làm mới nhiều sản phẩm du lịch; tiến hành được nhiều hoạt động trao đổi đoàn trong đó đáng chú ý là sự xuất hiện của Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá.
Về trao đổi khách, Việt Nam và Campuchia luôn dành sự quan tâm đến trao đổi khách du lịch hai chiều, trong đó số du khách Việt Nam đến Campuchia thường xuyên đứng top đầu trong số các nước gửi khách du lịch đến Campuchia. Khách du lịch Campuchia đến Việt Nam có tăng trưởng tích cực (năm 2022, số khách Việt Nam đến Campuchia đạt 466.170 lượt người, chiếm 21,7% tổng lượng khách của Campuchia và đứng thứ hai trong số các nước gửi khách đến Campuchia).
Khách du lịch Campuchia đến Việt Nam có đã có sự tăng trưởng tích cực theo từng năm (năm 2022, số khách Campuchia đến Việt Nam đạt 140.461 lượt người và đứng thứ tư trong số các nước có khách đến Việt Nam). Trong 4 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch Campuchia đến Việt Nam là 135.501 lượt người; lượng khách Việt Nam đến Campuchia trong 2 tháng đầu năm là 131.196 lượt.
"Điểm chung giữa hai quốc gia là phát triển du lịch dựa trên các tài nguyên văn hoá, xác định phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh là các di sản" - Bộ trưởng nhấn mạnh điều này, đồng thời gợi mở cách làm, tạo ra các sản phẩm du lịch mới như du lịch qua các miền di sản, hình thành các tour, tuyến, đường bay để gắn kết điểm đến là các di sản nổi tiếng của hai nước; xây dựng các sản phẩm du lịch mới với tinh thần 2 quốc gia, 1 điểm đến.
"Việt Nam sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ Campuchia trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch" - Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thông tin thêm, Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện cho sự phát triển du lịch bằng các chính sách cụ thể như việc nới lỏng visa hay sửa đổi, bổ sung Luật xuất cảnh, nhập cảnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, du khách có thể đến Việt Nam bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển.
Campuchia kỳ vọng lượng du khách Việt Nam tăng trở lại như trước Covid-19
Chào mừng Đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn đầu đã tới thăm Campuchia và dự Lễ khai mạc SEA Games, Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia Thong Khon cho biết, ông vui mừng và đánh giá cao sự tham gia của Đoàn Việt Nam tại SEA Games 32.
Ông cũng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của ngành Du lịch hai bên, dù đại dịch Covid - 19 xảy ra từ năm 2019 nhưng giữa hai Bộ đã có 3 lần gặp gỡ, làm việc cùng nhau.
“Với sự chỉ đạo của Bộ trưởng 2 bên, sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức 2 Bộ, sự hợp tác về du lịch giữa 2 nước đã đạt được nhiều kết quả. Tôi mong 2 bên sẽ hợp tác, thúc đẩy sự phát triển về du lịch, nhất là sau khi triển khai Bản ghi nhớ sẽ được ký kết. Hy vọng lượng du khách Việt Nam tới thăm Campuchia trong năm nay sẽ bằng thời điểm trước khi diễn ra dịch Covid-19”, Bộ trưởng Thong Khon nói.
Thông báo tin vui rằng ngay trong 3 tháng đầu năm 2023, Campuchia đã đón khoảng hơn 200 ngàn lượt khách Việt Nam tới Campuchia và lượng khách du lịch Campuchia tới Việt Nam cũng có sự tăng trưởng cao, Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia cho biết, ngành du lịch đất nước "chùa tháp" đang triển khai nhiều giải pháp để kích thích sự phát triển của du lịch như xây dựng cảng biển đa năng tại tỉnh Kampot nhằm thu hút khách du lịch đến Campuchia bằng đường biển.
Đánh giá cao việc Việt Nam phát triển du lịch ở Phú Quốc, Bộ trưởng Thong Khon cho biết, ông mong muốn có sự kết nối giữa du lịch Phú Quốc và tỉnh Siem Reap. Để làm được điều đó thì hai bên cần kết nối để có chuyến bay thẳng giữa hai địa danh du lịch nổi tiếng này.
Về thể thao, với vai trò là Chủ tịch Uỷ ban Olympic Campuchia, ông Thong Khon cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Việt Nam khi đã đào tạo, huấn luyện nhiều thế hệ HLV, VĐV của Campuchia, nhất là ở môn Vovinam.
Bày tỏ sự cảm kích về chuyến thăm, dự Lễ khai mạc SEA Games 32 của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, ông Thong Khon mong muốn Việt Nam nói chung và Bộ VHTTDL nói riêng sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho Campuchia trong việc phát triển thể thao, thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế không khói.
Nhắc lại sự biết ơn mà nhân dân Campuchia và cá nhân Bộ trưởng dành cho Việt Nam vì đã giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot để bước vào kỷ nguyên của hoà bình, hoà hợp dân tộc và phát triển, Bộ trưởng Bộ Du lịch nhấn mạnh, ông đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và luôn coi Việt Nam là những người bạn, những người anh em với tình cảm trân quý, tin tưởng.
Cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng như phái đoàn công tác của Bộ VHTTDL Việt Nam đã dành cho Bộ Du lịch Campuchia nói riêng và đất nước Campuchia nói chung, Bộ trưởng Thong Khon thể hiện mong muốn thắt chặt hơn nữa sự hợp tác giữa hai Bộ và cho biết, người hâm mộ Campuchia luôn yêu quý, ủng hộ các VĐV Việt Nam thi đấu tại SEA Games 32.
Ngay sau buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia tăng cường hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Theo đó hai bên sẽ củng cố và phát triển du lịch vì lợi ích chung của hai bên; Thúc đẩy dòng khách du lịch giữa hai nước qua việc tăng cường hợp tác xuyên biên giới và tạo thuận lợi cho du lịch qua lại biên giới và tăng tần suất chuyến bay thẳng giữa hai nước; Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực du lịch thông qua việc triển khai các hoạt động cụ thể trên cơ sở khung khổ luật pháp quốc gia hai nước, các điều ước quốc tế mà mỗi nước là thành viên, và nâng cao năng lực trong các nhóm ngành liên quan đến du lịch và dịch vụ lữ hành ở cả hai nước.
Hai bên cũng sẽ tạo thuận lợi đi lại và xuyên biên giới giữa hai nước; trao đổi thông tin, dữ liệu du lịch hợp tác quảng bá và xúc tiến du lịch; liên kết và phát triển sản phẩm du lịch.