Kon Tum: Tạo môi trường cho văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy
01/03/2023 | 14:55Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi văn hóa của các dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm tạo môi trường, không gian cho các loại hình nghệ thuật truyền thống có cơ hội được lưu truyền, phát huy.
Kon Tum là mảnh đất giàu văn hóa truyền thống với lợi thế về điều kiện tự nhiên và có khoảng 54% dân số là đồng bào DTTS. Chính điều đó đã tạo ra "kho tàng" phong phú, đa sắc, đa diện về văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 200 di sản văn hóa phi vật thể, lưu giữ khoảng 2.500 bộ cồng chiêng, trên 430 nhà rông, hơn 530 đội nghệ nhân cồng chiêng - xoang, lưu giữ 36 lễ hội truyền thống...
Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Nhằm bảo tồn và phát huy kho tàng văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, các hội thi, trình diễn nghệ thuật để tạo môi trường, không gian lý tưởng cho các loại hình nghệ thuật truyền thống có cơ hội được tập luyện, giao lưu, trình diễn. Các hoạt động được tổ chức thường xuyên, đồng bộ ở các cấp, không ngừng tăng về quy mô, đổi mới về nội dung; qua đó, phát huy hiệu quả tích cực, "chắp cánh" cho tình yêu với văn hóa truyền thống của người dân, đặc biệt là lớp trẻ. Đây còn là cơ hội để bà con DTTS quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình".
Tỉnh hiện duy trì và tổ chức thường xuyên nhiều hoạt động văn hóa, hội thi như: " Ngày hội Văn hóa- Thể thao các dân tộc thiểu số"; "Tuần Văn hóa- Du lịch"; "Diễn xướng dân gian các dân tộc thiểu số"; các cuộc liên hoan cồng chiêng hàng năm. Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo chú trọng đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học; tăng cường khai thác, sử dụng di sản văn hóa trong dạy học tại các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của thế hệ trẻ.
Vui mừng vì những giá trị truyền thống của dân tộc mình ngày càng được phục dựng và biểu diễn thường xuyên, nghệ nhân A Tia (thôn Đăk Wất, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) chia sẻ: "Tôi là người trực tiếp dàn dựng và hướng dẫn đội nghệ nhân trong làng tập luyện nhiều chương trình và tiết mục để tham gia nhiều cuộc thi lớn, nhỏ tại địa phương. Vừa qua, tại Hội thi Cồng chiêng, múa xoang các DTTS tỉnh lần thứ Nhất, chúng tôi rất vui mừng vì tiết mục của đội đạt giải cao, góp phần giúp huyện Đăk Glei đạt giải A toàn đoàn".
Cũng theo nghệ nhân A Tia, như bao dân tộc khác sinh sống tại mảnh đất Tây Nguyên thì dân tộc Giẻ- Triêng ở huyện Đăk Glei hàng năm đều diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội. Tuy nhiên, với nhịp sống hiện đại, nhiều hoạt động, phong tục đã dần bị quên lãng, mai một dần; một số môn truyền thống thì không có lớp trẻ kế cận nên dần mất đi. Rất may, thời gian gần đây, với những hội thi, lễ hội văn hóa được tổ chức thường xuyên, đây là cơ hội để những nghệ nhân truyền dạy, tập luyện, giao lưu, làm "sống" lại những nét văn hóa bị thất truyền bấy lâu.
Nghệ nhân A Ương (xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông) nổi tiếng với lối hát dân ca truyền thống kết hợp đàn ting ning. Tại Hội thi Cồng chiêng, múa xoang các DTTS tỉnh lần thứ Nhất vừa qua, ông đã trình diễn bài hát dân ca đặc sắc mang tên "Từ khi ta có Đảng" được sự đánh giá cao của ban giám khảo.
Ông chia sẻ: "Vì đam mê âm nhạc truyền thống từ nhỏ nên tôi thuộc rất nhiều bài hát dân ca đặc sắc của dân tộc mình. Những hội thi, lễ hội truyền thống như vừa qua đã cho tôi cơ hội được ôn luyện và biểu diễn trước mọi người. Điều đó làm tôi thêm say mê và có động lực tập luyện, truyền lại cho lớp trẻ trong làng".
Cũng là thành viên tích cực tham gia các lễ hội, cuộc thi lớn nhỏ tại địa phương, nghệ nhân trẻ Y Pớt ở thôn KonXơMluh (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) được các nghệ nhân gạo cội trong làng đánh giá cao.
Y Pớt cho biết: "Tôi thường xuyên tham gia các lễ hội, cuộc thi múa xoang cồng chiêng do địa phương tổ chức. Qua những lần như thế, tôi cảm thấy rất vui, ấm áp tình cảm cộng đồng. Tôi ý thức được rằng, mình nên cố gắng tập luyện và gìn giữ những điệu múa xoang và chiêng của dân tộc Ba Na để góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa mà các thế hệ đi trước trao truyền lại".
Ông Phan Văn Hoàng cho biết: "Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi được tổ chức thường xuyên thực sự là "cú hích" giúp văn hóa truyền thống được nâng lên tầm cao mới; tạo môi trường thuận lợi, bền vững cho những giá trị truyền thống có cơ hội duy trì và phát huy những giá trị đặc sắc. Thời gian tới, bên cạnh các cuộc thi, lễ hội văn hóa, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tích cực tuyển chọn các đoàn nghệ nhân tiêu biểu tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa do Trung ương và địa phương tổ chức".