Kon Tum: Bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển đô thị
14/06/2023 | 11:17Thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) có trên 36% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thời gian qua, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS luôn được các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn quan tâm thực hiện.
Thành phố Kon Tum hiện có 61 làng đồng bào DTTS với sự đa dạng, phong phú về văn hóa. Những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh khiến cho việc bảo tồn văn hóa các DTTS của địa phương đứng trước nhiều thách thức như không gian diễn xướng cồng chiêng bị thu hẹp, sản phẩm thủ công truyền thống không còn được sử dụng nhiều, nhiều tập tục không còn phù hợp với lối sống hiện đại.
Song bằng lối đi riêng, thành phố Kon Tum vẫn gìn giữ, bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, tạo nên nét độc đáo trong sự phát triển. Đó là, nếp sống với sự cố kết cộng đồng cao; không gian làng với mái nhà rông cao vút, giọt nước là nơi sinh hoạt của người dân; những nếp nhà sàn truyền thống; lễ hội văn hóa gắn liền với cồng chiêng, múa xoang; các nghề truyền thống như đan lát, dệt vải, làm rượu ghè được lưu truyền qua các thế hệ.
Hơn thế nữa, văn hóa truyền thống còn phát triển, "tiếp biến văn hóa" theo hướng thích nghi với đời sống hiện đại và càng gần gũi với đại chúng. Chẳng hạn như cồng chiêng đang dần trở thành hoạt động văn hóa- văn nghệ phổ biến trong nhiều sự kiện và vượt ra khỏi khuôn khổ của mỗi thôn, làng; thổ cẩm hay những vật dụng sinh hoạt truyền thống được "cách tân" tạo ra những sản phẩm mà nhiều người có thể sử dụng.
Thành phố Kon Tum tiến hành xây dựng và triển khai đề án "Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng"; kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các DTTS trên địa bàn. Trong đó, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về vai trò, vị trí văn hóa dân tộc trong đời sống xã hội; trách nhiệm gìn giữ, xây dựng và phát triển văn hóa truyền thống. Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ, nhất là các phong tục tập quán tốt đẹp, trang phục truyền thống, lễ hội của các DTTS; lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục việc bảo tồn văn hóa vào các chương trình giáo dục chính khóa, ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm cho học sinh DTTS.
Thành phố Kon Tum cũng quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà rông truyền thống; hỗ trợ các cộng đồng làng mua sắm cồng chiêng, tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, đào tạo nghề truyền thống; tổ chức các hoạt động văn hóa để tạo điều kiện cho người dân tham gia biểu diễn như: Hội thi cồng chiêng múa xoang, liên hoan thổ cẩm, ẩm thực... Đồng thời, địa phương còn phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa tiến hành sưu tầm, bảo tồn những lễ hội văn hóa truyền thống của các DTTS như Lễ hội mừng nước giọt của dân tộc Ba Na, lễ Pơ thi (Lễ bỏ mả) của dân tộc Gia Rai; lưu truyền nghệ thuật làm nhà rông, chế tác cây nêu. Triển khai tốt các chính sách tôn vinh, đãi ngộ đối với các nghệ nhân cồng chiêng; khuyến khích các gia đình, cộng đồng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng.
Đến nay, trên địa bàn thành phố Kon Tum có 135 đội cồng chiêng, xoang với trên 3.000 người biết đánh cồng chiêng; trong đó có 26 đội cồng chiêng, xoang lứa tuổi thanh thiếu niên. Đặc biệt, toàn thành phố có 45 thôn, làng có đội cồng chiêng phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ khi tổ chức các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và của dân tộc. Trong số đó có các đội cồng chiêng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả như đội cồng chiêng kết hợp múa xoang thôn Kon Klor và thôn Kon Rơ Wang (phường Thắng Lợi), đội cồng chiêng và múa xoang xã Ia Chim, xã Vinh Quang. Hầu hết các làng đồng bào DTTS đều có nhà rông truyền thống.
Không chỉ gìn giữ, thành phố Kon Tum chú trọng đến việc khai thác, quảng bá nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào các DTTS ở địa phương. Trong đó, địa phương chú trọng quy hoạch, xây dựng các làng đồng bào DTTS như Kon Klor (phường Thắng Lợi), Kon K'tu, Kon Jơ Dri (xã Đăk Rơ Wa) thành các điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn với du khách trong và ngoài tỉnh, khách quốc tế; thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm dệt thổ cẩm của địa phương.
Khai thác văn hóa để phát triển du lịch và ngược lại phát triển du lịch để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả bảo tồn văn hóa là hướng đi phù hợp trong bối cảnh phát triển hiện nay, để tạo giá trị kinh tế, mang lại thu nhập, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Có thể nói, việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS của thành phố Kon Tum đang mang lại kết quả tích cực, đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn văn hóa với tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị.