Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể

20/07/2010 | 22:12

(VP) - Di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Đó là các tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể để lập hồ sơ khoa học đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đối tượng kiểm kê là di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại, bao gồm các loại hình: tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; ngữ văn dân gian, bao gồm sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết; nghệ thuật trình diễn dân gian, bao gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác; tập quán xã hội, bao gồm luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác; các lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; các tri thức dân gian, bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác. Trong đó, ưu tiên kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể đang bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp.

Việc kiểm kê sẽ được tiến hành theo các phương pháp như: khảo sát điền dã, phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, chụp ảnh, quay phim để thu thập thông tin và tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể; phân tích, đối chiếu, so sánh, đánh giá, tổng hợp các tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể. Quy trình tiến hành được quy định cụ thể từ khâu nghiên cứu thu thập tư liệu, thông tin có liên quan; tiến hành tập huấn cho người tham gia kiểm kê, khảo sát và lập phiếu kiểm kế; lập danh mục kiểm kê và báo cáo tổng hợp đánh giá kết quả.

Theo Thông tư, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một Hội đồng thẩm định khoa gồm các nhà quản lý và khoa học hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có uy tín xem xét, đánh giá và tư vấn giúp Bộ trưởng  lựa chọn và quyết định việc đưa di sản văn hóa phi vật thể nào vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngoài việc rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở VHTTDL - cơ quan chủ trì triển khai việc kiểm kê và lập hồ sơ khoa học, Thông tư cũng quy định các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được giao nhiệm vụ tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2010

Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể
- Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể (Mẫu số 3);
- Ảnh: Ít nhất 10 ảnh màu, khổ 10cm x 15cm, chú thích đầy đủ, đảm bảo đủ cơ sở để nhận diện di sản văn hóa phi vật thể. Khuyến khích gửi kèm theo ảnh lưu trữ trên các phương tiện kỹ thuật số;
- Bản ghi hình: Ghi trên băng hoặc đĩa, độ dài tối thiểu 10 phút, hình ảnh rõ nét, đảm bảo đủ cơ sở để nhận diện di sản văn hóa phi vật thể;
- Bản ghi âm: Ghi trên băng hoặc đĩa, âm thanh rõ nét, đảm bảo đủ cơ sở để nhận diện di sản văn hóa phi vật thể;
- Bản đồ phân bố vị trí di sản văn hóa phi vật thể;
- Tư liệu  khảo sát điền dã có liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể;
- Bản cam kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cá nhân hoặc đại diện của nhóm, cộng đồng chủ thể văn hóa, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể (Mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư này);
- Văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao quyền sử dụng các tư liệu kèm theo hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Mẫu số 5 ban hành kèm theo Thông tư này);
- Bản danh mục các tài liệu trong hồ sơ.



HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×