Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khẳng định vai trò của thể dục thể thao trong việc phát huy nhân tố con người, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước

01/07/2025 | 09:53

Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và khẳng định vai trò của TDTT trong việc phát huy nhân tố con người, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong tham luận với chủ đề "Nâng cao vai trò của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực thể dục thể thao" gửi tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ VHTTDL lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Nguyễn Danh Hoàng Việt khẳng định, phát triển thể dục thể thao (TDTT) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước; được coi là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Trong đường lối, chủ trương của Đảng, công tác TDTT được đề cập khá sớm ngay từ khi mới thành lập và tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện dần cùng với sự phát triển của Đảng cũng như thực tiễn phát triển sự nghiệp TDTT nước nhà.

Trải qua các kỳ đại hội của Đảng, các quan điểm chỉ đạo đối với công TDTT ngày càng được thể hiện rõ nét và toàn diện, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

Minh chứng được thể hiện qua các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, như: Nghị quyết số 08-NQ/TW (01/12/2011) của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020; Luật Thể dục, Thể thao được sửa đổi năm 2018; Kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam, vv,...

Khẳng định vai trò của thể dục thể thao trong việc phát huy nhân tố con người, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Nguyễn Danh Hoàng Việt - Ảnh: Nam Nguyễn

Theo ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, những quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác TDTT là kim chỉ nam, định hướng cho sự phát triển sự nghiệp TDTT Việt Nam. Đảng luôn nhận thức được tầm quan trọng của công tác TDTT, xem đây là một trong những yếu tố để phát huy sức mạnh con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định công tác TDTT là một trong những công tác cách mạng, phục vụ đắc lực cho mục tiêu "dân cường, nước thịnh". Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và khẳng định vai trò của TDTT trong việc phát huy nhân tố con người, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chính nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ VHTTDL trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực TDTT, qua đó nhận thức về vai trò của TDTT trong việc rèn luyện, nâng cao sức khỏe cho Nhân dân và công tác TDTT của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội được nâng lên; nhờ vậy, công tác chỉ đạo, lãnh đạo và quản lý các hoạt động TDTT được tăng cường.

Tại nhiều địa phương trong cả nước cũng như tại các cơ quan, đơn vị, việc phát triển các phong trào TDTT được thực hiện thường xuyên, tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, không khí vui tươi trong Nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Việc phát triển các phong trào TDTT quần chúng ở cơ sở được mở rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia thi đấu và cổ vũ, nhất là cuộc vận động: "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; "Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân"; Phong trào "Toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước"; … tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng, góp phần nâng cao sức khỏe.

Cùng với đó, việc phát triển thể thao thành tích cao luôn được chú trọng và thực tiễn đã ghi nhận những kết quả quan trọng góp phần nâng tầm thể thao Việt Nam trong khu vực, châu lục, điều này được thể hiện qua số lượng, cơ cấu huy chương mà thể thao Việt Nam giành được tại các kỳ đại hội quốc tế. Đồng thời, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thể thao quốc tế lớn, như: SEA Games, Indoor Games…..

Những thành tựu đó đã góp phần khẳng định vị thế của ngành TDTT Việt Nam trong đời sống xã hội. Thể hiện sự phấn đấu nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong công tác TDTT. Góp phần quan trọng trong việc rèn luyện và nâng cao sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội và đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác TDTT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về công tác TDTT tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa được chú trọng đúng mức; chưa thực sự nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác TDTT nên trong chỉ đạo, lãnh đạo chưa kịp thời, đầy đủ. Việc phân bổ các nguồn lực đầu tư cho TDTT còn thấp; thiếu cơ chế quản lý phát triển thể thao chuyên nghiệp.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, các quốc gia coi phát triển TDTT là một trong những chính sách xã hội; một bộ phận cấu thành của "cơ sở hạ tầng mềm", góp phần nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật, giảm thiểu chi phí y tế, đảm bảo chất lượng dân số và nguồn nhân lực, xây dựng xã hội lành mạnh. Phát triển các loại hình thể thao theo hướng chuyên nghiệp, trở thành một ngành dịch vụ thu hút đầu tư và mang lại tỷ suất sinh lợi khá lớn.

Theo Cục trưởng Nguyễn Danh Hoàng Việt, để phát huy hơn nữa vai trò của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn trong thời gian tới, Ngành TDTT cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tham gia của hệ thống chính trị, sự phối hợp hiệu quả của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác TDTT. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về phát triển TDTT.

Hai là, Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển TDTT. Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, phát huy hiệu quả của truyền thông đại chúng, mạng xã hội, internet trong công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về TDTT; kiến thức, kỹ năng hoạt động thể chất; thể dục nâng cao sức khỏe, phòng, chữa bệnh.

Ba là, Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, điều hành của nhà nước trong lĩnh vực TDTT. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về TDTT đáp ứng yêu cầu phát triển thể thao chuyên nghiệp, kinh tế thể thao, thúc đẩy đầu tư xây dựng và vận hành các cơ sở thể thao, tổ chức thi đấu, đào tạo vận động viên và cung cấp dịch vụ TDTT. Trong đó tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Kết luận số 70 của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam, Quy hoạch, đề án phát triển TDTT…

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động TDTT quần chúng thông qua phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở" gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia. Phát triển các môn thể thao dân tộc và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các hoạt động TDTT; chú trọng phát triển thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Năm là, nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể thao, chú trọng đội ngũ kế cận có chất lượng; Tiếp tục mở rộng quy mô và hiện đại hóa các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Đổi mới tổ chức, quản lý thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp; ưu tiên đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo vận động viên các môn thể thao, nhất là những môn thể thao trọng điểm.

Sáu là, Tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu thể thao thành tích cao và tập luyện cho nhân dân.

"Kế thừa thành tích và những kinh nghiệm, bài học trong nhiệm kỳ 2020-2025, trong nhiệm kỳ tới, Cục Thể dục thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc các văn bản, Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác TDTT để cùng góp sức đưa sự nghiệp TDTT nước ta tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới, thực hiện mục tiêu "Vì sự nghiệp dân cường, nước thịnh" như mong muốn của Bác Hồ kính yêu", Cục trưởng Nguyễn Danh Hoàng Việt nhấn mạnh.

Xuân Trường

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×