Không tranh giành, đeo bám khách, gây mất trật tự an ninh trong khu du lịch
09/05/2019 | 08:49Đây là những quy định đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trong các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định số 08/2019/QĐ-UBND về quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh và có hiệu lực thi hành từ ngày 16/5/2019.
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoạt động du lịch hoặc có liên quan đến hoạt động du lịch tại các khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Ảnh minh họa (nguồn: Báo Du lịch)
Theo đó, đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trong các khu du lịch phải thực hiện các nội dung sau: Thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành và Quy định này; Chấp hành sự kiểm tra, giám sát về chất lượng dịch vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không sử dụng tư cách pháp nhân của tổ chức hoặc cho người khác sử dụng tư cách pháp nhân của mình trong quản lý, điều hành khu du lịch được giao.
Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện, nghĩa vụ đối với từng loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch; bán hàng đúng nơi quy định, niêm yết công khai giá dịch vụ và thực hiện bán hành đúng giá niêm yết; đảm bảo chất lượng hàng hóa cung cấp; thực hiện đón tiếp, phục vụ bằng thái độ thân thiện, lịch sự, hòa nhã, không được tranh giành, đeo bám khách, gây mất trật tự an ninh trong khu du lịch.
Nghiêm cấp mua, bán, tàng trữ và sử dụng trái phép các chất ma túy, các chất gây nghiện; nghiêm cấm buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã và các sản phẩm, chế phẩm được làm từ động, thực vật hoang dã; nghiêm cấm việc tổ chức mại dâm trong khu du lịch; nghiêm cấm các hoạt động biểu diễn có tính chất khiêu dâm, kích động bạo lực trái với thuần phong mỹ tục văn hóa Việt Nam.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải khách du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao phải thực hiện niêm yết quy định rõ về độ tuổi và những người không được phép tham gia; mua bảo hiểm cho khách du lịch khi tham gia các hoạt động dịch vụ; bố trí lực lượng cứu nạn, cứu hộ để bảo vệ tính mạng, tài sản cho du khách trong các trường hợp khẩn cập.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận chuyển khách du lịch phải công khai, niêm yết giá chương trình du lịch; có hướng dẫn viên du lịch; phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho khách khi tổ chức chương trình tham quan các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin cho khách về quy định bảo vệ tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường; không để khách lợi dụng hoạt động du lịch để xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và thuần phong mỹ tục của các dân tộc; phản ánh kịp thời với chính quyền địa phương về các hành vi gây tổn hại đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cảnh quan du lịch trên địa bàn.
Về bảo đảm an toàn cho khách trong khu du lịch: Đơn vị quản lý du lịch; tổ chức, cá nhân kinh doanh trong khu du lịch phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch; có biện pháp phòng, tránh rủi ro và tổ chức bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch; có trách nhiệm cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm cho khách du lịch; thông báo, chỉ dẫn kịp thời cho khách du lịch trong trường hợp khẩn cấp; áp dụng biện pháp cần thiết, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống phải tuân thủ đúng quy định về điều kiện chung bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.