Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Không gục ngã - Sức mạnh và ý chí vươn lên từ những trang sách mở

19/04/2021 | 15:20

Đọc cuốn tự truyện "Không gục ngã" của nhà văn, dịch giả, diễn giả Nguyễn Bích Lan, độc giả không chỉ cảm phục nghị lực phi thường để làm nên những kỳ tích của một cô gái tật nguyền, mà còn đặc biệt ấn tượng với tình yêu và lòng biết ơn sâu sắc cô dành cho những trang sách mở.

Cuốn tự truyện dày khoảng 300 trang, gồm hai phần: Chuyện đời tôi, Những chiêm nghiệm cuộc sống, kể lại hành trình từ tuổi thơ hồn nhiên, tuổi thiếu niên đầy sóng gió khi bệnh tật ập đến, hành trình gian khổ chiến đấu với bệnh tật và miệt mài thực hiện những ước mơ, những quả ngọt đầu tiên của những nỗ lực không mệt mỏi trên con đường cầm bút và dịch thuật... Trong cuốn sách này, chân dung Nguyễn Bích Lan được khắc họa rõ nét với khởi đầu là một em gái nhỏ đầy sức sống và đam mê đọc sách như chính tác giả từng chia sẻ trong cuốn tự truyện này "Những ngày cắp sách tới trường của tôi đầy bóng chữ và cả một thế giới văn chương lung linh mà tôi tự đắp xây bằng những quãng thời gian đọc vụng trộm tủ sách của ông nội". Tiếp đó, khi vừa 13 tuổi, là những chuỗi ngày cô phải sống đớn đau, bất lực, bị cầm tù trong bóng đêm của bạo bệnh và tật nguyền, rồi mê mải đắm mình bên những trang sách với tình yêu và ý chí mãnh liệt được sống để đọc, để học, để viết, để dịch và trải lòng mình, trải đời mình trên từng trang viết.

Không gục ngã - Sức mạnh và ý chí vươn lên từ những trang sách mở - Ảnh 1.

Tự truyện của Nguyễn Bích Lan không chỉ truyền cảm hứng về niềm khát khao được sống, ý chí không khuất phục nghịch cảnh, không đầu hàng số phận dù cho phải chịu nhiều gian truân và thử thách cả thể chất lẫn tinh thần; mà còn lan tỏa tình yêu đọc sách, ý chí tự học và lòng biết ơn với những trang sách. Cuộc đời cô là minh chứng cho điều đó, khi bị tàn phá nặng nề và gần như phải làm "người tàn phế" bởi căn bệnh loạn dưỡng cơ quái ác, Nguyễn Bích Lan tự tìm nguồn vui và sức mạnh từ việc đọc và tự học. Đối với cô, sách nâng đỡ tinh thần mỗi khi tuyệt vọng, sách tiếp thêm động lực cho ước mơ được sống và cống hiến. Từ ánh sáng của tri thức được thu nhận qua sách và Internet, cô gái trẻ dần vượt qua bóng tối khổ đau và từng bước đến bình minh tương lai khi tự mình học tập và trở thành cô giáo của lớp học cây Táo đầy thiện tâm, trở thành tác giả, dịch giả của gần 30 đầu sách nổi tiếng. Năm 2010, Bích Lan đã được mời lên chương trình "Người đương thời" của VTV1. Cùng năm này, cô vinh dự nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết "Triệu phú khu ổ chuột", đồng thời trở thành hội viên của Hội. Ngày 20/10/2010, cô là 1 trong 8 người phụ nữ đương đại được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tôn vinh tại phần trưng bày mới của bảo tàng. Trên hành trình "biến cái khó thành cái dễ, biết biến thách thức thành cơ hội và đã dám đi từ ước mơ này đến ước mơ khác" (Nguyễn Ngọc Ký), hẳn sách đã là một nguồn sáng dẫn dắt Bích Lan đến những kỳ tích.

Không phải ai cũng có thể làm được như Nguyễn Bích Lan, ngay cả với những người không khuyết tật, nhưng cơ hội và sức mạnh diệu kỳ do sách báo mang lại cho tất cả mọi người là như nhau. Chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội đó, hãy cùng bắt đầu từ cuốn tự truyện Không gục ngã và tự viết nên cuộc đời mình như Nguyễn Bích Lan từng nhắn nhủ "Cuộc sống luôn có những khó khăn nhất định,cuốn sách của tôi như một lời khuyến khích mỗi người đọc tự viết nên câu chuyện không gục ngã của chính mình".

>>>Để biết thêm chi tiết, mời các bạn theo dõi trên kênh "Cùng bạn đọc sách".


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×