Khởi động chiến dịch truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình
19/11/2014 | 07:00Sáng ngày 18/11/2014, tại Khách sạn Melia Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Tổ chức Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Khởi động chiến dịch truyền thông “Hành động để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã đến dự và phát biểu khai mạc.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, trong những năm qua, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm trước Chính phủ về phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ VHTTDL đã chủ trì và phối hợp với các Ban, Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội để chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai các chương trình, dự án, hoạt động nhằm đưa luật pháp, chính sách liên quan vào cuộc sống và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
Hội thảo Khởi động chiến dịch truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình là một động nằm trong chuỗi sự kiện Chiến dịch truyền thông hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hành động tích cực của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cộng đồng và mỗi cá nhân trong việc giải quyết và tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Số
liệu Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do
Tổng cục thống kê và Liên Hợp quốc tại Việt Nam công bố năm 2010 cho
thấy: 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức
bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Khoảng 50% nạn nhân
chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng. 87% nạn
nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.
Bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo kết quả nghiên cứu “Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra với phụ nữ tại Việt Nam” của Liên Hợp quốc, những chi phí và thiệt hại về kinh tế do bạo lực gây ra chiếm gần 1,5% GDP năm 2012 của Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí xã hội còn cao hơn do bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đáng kể đối vợi sự gắn kết xã hội và khả năng phục hồi cộng đồng. Bạo lực dẫn tới kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng đói nghèo của quốc gia. Việt Nam có khung pháp luật chặt chẽ giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình, cũng như các văn kiện, pháp luật giúp hướng dẫn việc thực thi các văn bản pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn khoảng cách giữa thực thi pháp luật và mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước để có nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật nói chung và đặc biệt là Phòng, chống bạo lực gia đình. |
CTTĐT