Khơi dậy khát vọng, ý chí và quyết tâm xây dựng, phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, thịnh vượng
26/09/2023 | 11:26Tổng Bí thư yêu cầu những người làm văn hóa luôn luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua" để phát huy vai trò tiên phong, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, ý chí và quyết tâm xây dựng, phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra".
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống của Ngành Văn hóa Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2023) và Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hóa toàn quốc năm 2023, ngày 28/8/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Thư có đoạn viết: "Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người đã đi đúng hướng, lấy cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Dân tộc".
Đồng thời, Tổng Bí thư bày tỏ: "Tôi tha thiết mong muốn và tin tưởng rằng, những người làm công tác văn hóa nói chung, những gương điển hình tiên tiến được tuyên dương nói riêng cần luôn luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua" để phát huy vai trò tiên phong, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, ý chí và quyết tâm xây dựng, phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra".
Đại diện các nghệ sĩ biểu diễn đã bày tỏ sự xúc động khi được nghe Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trân trọng đọc Thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
NSND Trịnh Thúy Mùi- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Sẵn sàng tham gia vào nhiệm vụ quan trọng
Trong Thư chúc mừng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Nhiệm vụ chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài, rất cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội… Chúng ta không chủ quan, tự mãn, quá vui mừng, say sưa trước những kết quả bước đầu và cũng không hề nhụt chí, nản lòng trước những khó khăn, thách thức đang còn phải đối mặt". Đội ngũ văn nghệ sĩ càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò, vị trí của văn học nghệ thuật trong đời sống xã hội, không ngừng nỗ lực rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác về đề tài 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 50 năm thống nhất đất nước (2025) hướng tới mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045) với các chủ đề: Tác phẩm Sống mãi với thời gian do Bộ VHTTDL và Bài ca thống nhất non sông do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát động…
Một tin vui đến với văn nghệ sĩ cả nước là Chính phủ và các Bộ, ban, ngành liên quan đang tiến hành xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một Chương trình quan trọng cho sự phát triển bền vững, cụ thể hóa 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Văn nghệ sĩ sẵn sàng tham gia vào nhiệm vụ quan trọng này khi được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó.
NSND Lệ Ngọc: Sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và tình cảm trân trọng của Tổng Bí thư đối với đội ngũ văn nghệ sĩ - trí thức
Chúng tôi lắng nghe từng câu, từng chữ của Tổng Bí thư, đó là những lời dặn dò, nhắn nhủ tâm huyết của người đứng đầu Đảng với đội ngũ cán bộ đang gánh vác trọng trách xây dựng nền văn hóa nước nhà. Tuy không đến dự được, nhưng Tổng Bí thư đã dành sự quan tâm sâu sắc cho ngành Văn hóa, thể hiện quan điểm của Đảng là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", là ngọn đuốc "soi đường cho quốc dân đi". Là một nghệ sĩ sân khấu, tôi rất tâm đắc khi nghe câu: "Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông". Bức thư của Tổng Bí thư đã gợi lên rất nhiều tâm tư về trách nhiệm của văn nghệ sĩ đối với xã hội, từ đó thôi thúc chúng tôi có thêm nhiều tác phẩm chất lượng, tương xứng với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Sự hiện diện và các bài phát biểu vô cùng sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 78 năm thành lập ngành Văn hóa đã chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và tình cảm trân trọng của Tổng Bí thư đối với đội ngũ văn nghệ sĩ - trí thức. Điều đó đã tạo niềm tin và cảm hứng để chúng tôi có thêm nhiều cảm xúc và lòng tin, mang khát vọng lớn, dám tiên phong trong sáng tạo văn học nghệ thuật mọi lúc, mọi nơi.
NSƯT Quang Khải: Người nghệ sĩ khát khao cống hiến vào sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc
Sứ mệnh của người nghệ sĩ hiện nay theo lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc. Với vai trò là người nghệ sĩ, bản thân tôi khát khao, mong muốn cống hiến vào sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc.
Trước hết, muốn trở thành người nghệ sĩ tốt thì phải là người công dân tốt. Phải thực hiện đúng những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ đó học tập, trau dồi, sáng tạo những vai diễn, những nhân vật trong những tác phẩm nghệ thuật một cách tốt nhất để mang đến những điều tốt đẹp, đem đến giá trị chân-thiện- mỹ thông qua tác phẩm.
Cũng thông qua các tác phẩm nghệ thuật, vai trò của người nghệ sĩ không chỉ là gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống với tất cả những cái hay, cái đẹp mà nội dung phải nói lên chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, truyền thống văn hóa của dân tộc với tình yêu thương, sự sẻ chia, tinh thần đoàn kết… Những tác phẩm nghệ thuật phải chuyển tải được sự tốt đẹp của xã hội, phê phán những điều chưa tốt đẹp để chúng ta hoàn thiện bản thân, sống tốt đẹp hơn.
Tôi nghĩ đó là vai trò của nghệ sĩ nói chung và cá nhân tôi nói riêng nhằm thực hiện những mong muốn, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, cá nhân Tổng Bí thư đối với văn nghệ sĩ, những người công tác trong lĩnh vực văn hóa, để góp phần tạo nên sự thành công, sự phát triển của văn học nghệ thuật và cao hơn là chấn hưng văn hóa Việt Nam./.