Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kho di sản tư liệu quý hiếm thời Đông Dương đã được mở

12/04/2021 | 08:23

Kho tư liệu của Việt Nam bao gồm cả chữ Hán và tiếng Pháp. Trong số đó tư liệu văn hóa nhờ vào tư liệu tiếng Pháp rất nhiều.

Cơ hội tiếp cận tư liệu cho nhà nghiên cứu

Trong công tác nghiên cứu việc tìm lại tư liệu là rất quan trọng. Tuy nhiên cách đây mấy chục năm, khi internet chưa xuất hiện, thư viện số là một khái niệm quá xa vời thì con đường để tiếp cận với tư liệu là một chặng vô cùng chông gai đối với các nhà nghiên cứu cũng như độc giả muốn tìm hiểu về quá khứ của dân tộc.

Theo Giáo sư Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Việt Nam thì kho tư liệu của Việt Nam bao gồm cả chữ Hán và tiếng Pháp. Trong số đó tư liệu văn hóa nhờ vào tư liệu tiếng Pháp rất nhiều. Nguồn tư liệu tiếng Pháp không chỉ phong phú và còn khá chi tiết.

Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Việt Nam chia sẻ thêm trong quá trình làm văn hóa dân gian thì nguồn tư liệu của chúng ta khi xưa cũng được viết rất nhiều. Nhưng phần lớn chỉ cho thông tin. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử lược từng ghi chép: hôm nay ngày lành tháng tốt, vua ngự triều, đi xem đua thuyền. Nhưng còn đua ở đâu, đua như thế nào, người đua thuyền gồm bao nhiêu, ai đua thì không được thể hiện.

Kho di sản tư liệu quý hiếm thời kỳ Đông Dương đã được "mở" - Ảnh 1.

Giáo sư Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Việt Nam (giữa) cùng các diễn giả tại họp báo khai trương Cổng thông tin Pháp - Việt

Gần đây nhất ở Hà Nội muốn dựng lại lễ hội đèn Quảng Chiếu thì trong sử của chúng ta chỉ ghi chưa được một trang, nên muốn phục dựng lại rất khó khăn. Đây là sự thiếu hụt của văn bản tư liệu trước kia của chúng ta. Nhưng người Pháp ghi chép rất cẩn thận. Hay như với lễ hội Gióng ở Phù Đổng, Gia Lâm cũng được Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên ghi chép cẩn thận. Được biết cụ Nguyễn Văn Huyên được đào tạo từ Pháp trở về. Bên cạnh đó giới nghiên cứu có thể tìm hiểu thêm nguồn tư liệu ở Viện Viễn đông Bác cổ.

Khi người Pháp hiện diện, văn minh Pháp được đưa vào. Và giá trị của văn hóa Pháp phần nào được người Việt tiếp nối và tiếp thu, biến nó thành truyền thống. Ví dụ như bánh mì là do người Pháp đem vào, nhưng người Việt Nam lại có cách ăn, cách làm bánh mì khá thú vị, khiến giờ đây cả thế giới biết đến bánh mì Việt Nam. Về mỹ thuật, chúng ta có tranh sơn mài học từ mỹ thuật Đông Dương, nhưng các họa sĩ chúng ta đã sáng tạo ra sơn mài Việt Nam. Với ẩm thực cà phê, người Pháp mang sang nhưng với người Việt Nam thì lại thành cà phê sữa... ông Lê Hồng Lý cho biết.

Do đó, việc cổng thông tin (thư viện số - Thư viện Hoa phượng vĩ) Pháp – Việt tại địa chỉ: https://heritage.bnf.fr/france-vietnam/vi

sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà nghiên cứu cũng như độc giả tiếp cận nguồn tư liệu phong phú nhằm tái hiện những mối tương tác về văn hoá, lịch sử giữa hai nước từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX (năm 1954).

Kho di sản tư liệu quý hiếm thời kỳ Đông Dương đã được "mở" - Ảnh 2.

Giao diện thư viện số Pháp - Việt

Đây được coi là một thư viện số thuộc bộ sưu tập "Di sản chung" mà từ năm 2009, thư viện quốc gia Pháp đã theo đuổi chính sách số hóa và phát huy giá trị di sản tư liệu. Thư viện Quốc gia Pháp sở hữu bộ sưu tập về Việt Nam thời kỳ thuộc địa có quy mô lớn nhất thế giới, cùng với đó là bộ sưu tập tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Lần đầu tiên, gần chục nghìn tài liệu lưu chiểu thời kỳ Đông Dương, từ năm 1922 đến năm 1954 đã được số hoá. Đây là bộ sưu tập tài liệu đa dạng gồm: những bản dịch các tác phẩm phương Tây, các tác phẩm kinh điển của Việt Nam, những sáng tạo văn học mới, sách giáo khoa và sách kỹ thuật được thể hiện dưới nhiều hình thức tư liệu: bản in, bản viết tay, bản đồ, tranh vẽ.

Cơ hội xuất bản các ấn phẩm

Ông Nguyễn Cảnh Bình – Chủ tịch HĐQT công ty sách Omega cho biết: "Một trong những định hướng lớn của công ty sách chúng tôi là sử Việt, trong đó mảng tư liệu Pháp ngữ chiếm một vị trí quan trọng. Chúng tôi mong muốn giới thiệu công chúng, độc giả Việt Nam bức tranh 50 năm qua như thế nào cùng những câu chuyện của cha ông ta trong quá khứ". Có lẽ với những người làm sách thì thời Đông Dương là một mốc thời gian đáng quan tâm, cần được xuất hiện nhiều hơn nữa trong các ấn phẩm. Tuy nhiên, để thực hiện cuốn sách về thời Đông Dương vừa khó khăn về nguồn tư liệu lại chưa thể nắm rõ được nhu cầu của độc giả nên có thể coi đây là một phép thử với không ít thử thách.

Kho di sản tư liệu quý hiếm thời kỳ Đông Dương đã được "mở" - Ảnh 3.

Cuốn Xứ Đông Dương cho đến nay đã xuất bản trên 50 nghìn bản in, vượt xa dự đoán ban đầu của đơn vị làm sách

Đại diện công ty sách Nhã Nam - ông Nguyễn Nhật Anh chia sẻ, năm 2009 công ty cùng với NXB Thế giới và sự hỗ sợ của nhiều nơi, cộng với một thời gian dài theo đuổi đã xuất bản cuốn "Kỹ thuật người An Nam". Hay như cuốn "Chiến dịch Bắc Kỳ" với hình ảnh tư liệu giá trị lớn, chúng tôi phải liên hệ với các cơ quan lưu trữ từ Pháp.

Nói về một trong những kết quả bước đầu của "phép thử" với sách thời kỳ Đông Dương, ông Nguyễn Cảnh Bình bày tỏ: Chúng tôi mua bản in đầu tiên của "Xứ Đông Dương" in năm 1905 tại Pari, Pháp. Suy nghĩ ban đầu về cuốn sách khoảng 800 trang này là chắc chỉ có một lượng độc giả hạn chế, hoặc nhóm nghiên cứu nào đó nên chỉ được vài nghìn bản thôi. Nhưng giờ chúng tôi đã in tới trên 50 nghìn bản cho độc giả và nhu cầu đang lớn hơn nữa.

Việc số bản in vượt xa ban đầu đã khiến những người thực hiện cuốn sách ngạc nhiên với sự đón nhận của người Việt Nam. Đây là một sự bất ngờ nhưng cũng rất lạc quan – ông Nguyễn Cảnh Bình nhấn mạnh.

Với việc ra đời thư viện số Pháp – Việt ra đời, đại diện các nhà xuất bản cũng tin tưởng rằng trong tương lai sẽ được hợp chặt chẽ, có sự hỗ trợ mạnh về tư liệu quý giá trong các lĩnh vực để đem đến cho độc giả những cuốn sách giá trị thời Đông Dương.

Hiền Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×