Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khánh Hòa quan tâm phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số

13/10/2024 | 07:50

Những giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được tỉnh Khánh Hòa kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị.

Ngày 11/10, tại TP. Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã khai mạc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV - năm 2024. Tham dự đại hội có 200 đại biểu đại diện cho hơn 82.000 đồng bào thuộc 35 dân tộc thiểu số đang cư trú trên địa bàn tỉnh.

Khánh Hòa quan tâm phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Toàn cảnh Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Khánh Hòa lần thứ IV - năm 2024

Theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa có 28 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; có 66 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; có 3 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn theo Quyết định số 1227 của Thủ tướng Chính phủ, là dân tộc Raglai, Ê-đê, Cơ-Ho. Các dân tộc vừa nêu cũng chiếm tỷ lệ cao trong số 35 dân tộc thiểu số đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Khánh Hòa, cụ thể dân tộc Raglai chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 77,62%, Cơ-Ho chiếm tỷ lệ 7,96%, Ê-Đê chiếm tỷ lệ 5,22%, cư trú chủ yếu ở vùng miền núi thuộc huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.

Báo cáo tại đại hội về kết quả về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết trong giai đoạn 2019-2024, tỉnh đã đầu tư 5.600 tỷ đồng cho địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đã tập trung đầu tư, hỗ trợ địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn triển khai thực hiện các chính sách, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được đầu tư hoàn thiện nhằm phục vụ dân sinh và sản xuất, lưu thông hàng hóa tại địa phương.

Về lĩnh vực văn hóa, 5 năm qua, ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa cũng đã triển khai nhiều chương trình hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Các giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị; các văn hóa vật thể tiêu biểu, có giá trị như mã la, cồng chiêng, trống, ché, đồ dùng sinh hoạt,… được đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn và phát huy giá trị; thực hiện phục dựng và bảo tồn các Lễ hội truyền thống như: Lễ ăn mừng đầu lúa mới, Lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ, Lễ cúng bến nước,…

Tỉnh Khánh Hòa đã vận động, hướng dẫn một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng chương trình quảng bá, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số đến với du khách bằng các hình thức biểu diễn âm nhạc, lễ hội, ẩm thực kết hợp với du lịch sinh thái,… Phối hợp các cơ quan, địa phương nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy trong cộng đồng người dân tộc thiểu số lưu truyền, phổ biến các giá trị văn hoá truyền thống; hỗ trợ đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho hơn 80 thiết chế văn hoá, thể thao các thôn; xây dựng 17 tủ sách cộng đồng; hỗ trợ hoạt động 31 đội văn nghệ,... tại các thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Khánh Hòa quan tâm phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc được tái hiện tại sân khấu đại hội.

Cùng với đó, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao tiêu biểu, đặc trưng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động như hội thao, hội thi, hội diễn, liên hoan, ngày hội,... tại “Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4”, ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, Chương trình Đại hội thể dục thể thao định kỳ,... nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó, tương thân, tương ái giữa đồng bào các dân tộc.

Duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động xây dựng đời sống văn hóa; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; thực hiện bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng chống xâm hại trẻ em; xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong gia đình người dân tộc thiểu số,… góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong đời sống xã hội và hôn nhân, gia đình.

Khánh Hòa quan tâm phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Trao tặng bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc; tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" cho 5 cá nhân.

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, khẳng định giai đoạn 2024 - 2029, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi chủ đề xuyên suốt của Đại hội đã đưa ra là “Nhân dân các dân tộc tỉnh Khánh Hoà bình đẳng, đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển”, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Tại đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr chúc mừng những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc thiểu số tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời trao tặng bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc; tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" cho 5 cá nhân.

Đức Thảo

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×