Khám phá loạt cổ vật quý giá của triều Nguyễn lần đầu được định danh số
25/05/2024 | 08:15
Những cổ vật triều Nguyễn đầu tiên được định danh số đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác số hoá, lưu giữ, phát huy giá trị cổ vật nói riêng và di sản của triều Nguyễn, văn hóa Huế nói chung.
Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue CIT) đã tiên phong trong việc tích hợp công nghệ để lần đầu tiên định danh số 10 cổ vật triều Nguyễn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Những cổ vật đã được lựa chọn để định danh là các cổ vật tiêu biểu, quý giá, đặc trưng của vua quan nhà Nguyễn như: ngai, kiệu, hia (đồ ngự dụng dùng trong sinh hoạt và lễ nghi), cành vàng lá ngọc (dùng để trang trí nội thất), hay bộ xăm hường (thú tiêu khiển)…
Các cổ vật được gắn chip NFC và được định danh duy nhất bằng công nghệ Nomion của Phygital Labs. Từ đây, khách tham quan có thể dùng smartphone tương tác với chip NFC Nomion gắn trên cổ vật, mở ra tương tác đa chiều với toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, ảnh 3D… của cổ vật.
Nhân viên Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hướng dẫn du khách sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để trải nghiệm, tra cứu những thông tin liên quan đến cổ vật đã được gắn chip NFC định danh số.
"Kiệu vua triều Nguyễn", đây là chiếc kiệu chạm lộng đồ án “Lưỡng long triều nhật”, sơn son thếp vàng của vua Bảo Đại, dùng để đi lại trong phạm vi hoàng thành Huế thời Nguyễn. Kiệu gồm một cái ghế chạm long vân, có mái che, đặt trên một giàn đòn dài với hai màu chủ đạo là vàng và đỏ. Hai tay đòn của kiệu là hình ảnh rồng biểu tượng của vua, với đầu rồng ở trước và đuôi rồng ở cuối kiệu.
"Ngai vua thời Nguyễn" - Ngai được làm bằng chất liệu gỗ sơn son thếp vàng. Ở phần trên là hình ảnh mặt trời trên nền dải mây cách điệu thể hiện quyền lực tối cao của nhà vua. Ở lưng ngai được khắc hai chữ thọ. Tay ngai 2 bên là 2 hình rồng hướng ra phía trước trong tư thế đạp mây uy nghi thể hiện sức mạnh của vua chúa. Phần dưới là đế được trang trí hoa văn chữ vạn cùng những hàng cánh sen và đồ án lưỡng long chầu chữ thọ. Chân ngai được chạm khắc hổ phù, kiểu long hàm thọ, hoa văn chim phượng.
"Kim Chi Ngọc Diệp" hay Chậu cành vàng lá ngọc (cây lựu) thân bằng gỗ thếp vàng, trái được làm bằng đá quý đỏ, lá màu xanh nhạt được đặt trong chậu bằng pháp lam, do công xưởng triều đình chế tác để trang trí tại cung điện và lăng mộ của vua chúa. Theo quan niệm của người Á Đông, cây lựu mang ý nghĩa biểu tượng cho sự sung túc, đông con nhiều cháu.
Đồ sứ ký kiểu là tên gọi dùng để chỉ những món đồ sứ do người Việt Nam (vua, quan lại, thường dân) đặt làm tại các lò gốm Trung Hoa trong khoảng thời gian nửa sau thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, với những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa và hiệu đề. Tô sứ men trắng vẽ lam, trang trí “lưỡng long triều nhật” hiệu đề "Minh Mạng niên tạo" (chế tác thời vua Minh Mạng).
Bộ xăm hường bằng ngà voi của vua Tự Đức (1848 - 1883). "Đổ xăm hường" là một trò chơi truyền thống có nguồn gốc lịch sử từ triều đại Nguyễn, có lẽ đây là bộ xăm hường xưa và lâu đời nhất ở Huế. Bộ xăm hường gồm: hộp đựng thẻ xăm, các thẻ xăm, 6 hột xúc xắc, chén lắc xúc xắc. Chơi "đổ xăm hường" là gieo các hột xúc xắc để dành những chiếc thẻ khắc chữ Hán với những số điểm nhất định, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa như: Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ, Hội nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn, Trạng nguyên. Đây là trò chơi tao nhã, thể hiện tinh thần cầu học và ước vọng khoa bảng của người xưa. Sinh thời, hoàng đế Tự Đức rất yêu thích trò chơi này.
Bức phù điêu chạm khắc cảnh đẹp được tạo tác vào Minh Mạng năm thứ sáu (1825). Mặt trước bức phù điêu được chạm trổ đá quý với đình tạ, cây cối, chim muông, sông nước, thuyền bè và hai con chim hạc ngậm cuốn thư bay lẫn trong mây,... Mặt sau bức phù điêu có khắc bài minh ca ngợi các đời vua trước đã tìm ra nguồn gốc của đạo thánh hiền cho người đời sau noi theo mà trị nước. Vua Minh Mạng viết bài này răn dạy các đời vua sau phải học tập, dùi mài kinh sử để trở thành đấng minh quân.
"Quả cầu cửu long" là một tác phẩm độc đáo nhằm ca ngợi vương quyền và ngôi vị của hoàng đế thời Nguyễn, được chạm lộng hình long vân, rỗng lòng, dùng để trang trí trong hoàng cung. Đây là tác phẩm được tạo tác để dâng tặng vua Khải Định nhân dịp lễ Tứ tuần đại khánh (sinh nhật lần thứ 40) của nhà vua.
"Cơi thờ bằng bạc thời vua Khải Định (1916-1925)". Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong thời Nguyễn, nghệ thuật chế tác bạc rất được chú trọng nhằm phục vụ nghi lễ triều đình và đồ nhật dụng hoàng gia. Từng sản phẩm khi hoàn thiện đều là tuyệt tác kỹ nghệ. Cơi bạc, dùng để bài trí ở các miếu thờ tiên đế, trang trí chữ thọ, rồng mặt ngang, hiệu "Khải Định niên tạo" (chế tác thời vua Khải Định).
"Đôi hia thêu rồng mây thời Nguyễn" - Hia hài là một trong những trang phục đóng vai trò quan trọng thể hiện sức mạnh và quyền lực của vua chúa thời xưa. Hia hài của hoàng tộc đều do Cẩm tượng ty thiết kế và cung tiến. Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, mỗi khi thiết triều, đại yến tiệc, vua đi hia làm từ tơ màu đen, được thêu với hình rồng mây, văn thủy ba và hoa bằng kim tuyến, trong lót lớp tơ màu đỏ. Trong thời phong kiến, rồng chính là biểu tượng của vương quyền, uy nghiêm của vua chúa, nên rồng thường xuất hiện rất nhiều trên trang phục các bậc đế vương.
Dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã ra mắt không gian triển lãm văn hóa số đầu tiên trên metaverse tại: museehue.vn. Những cổ vật đã được định danh số sẽ đồng thời được trưng bày trên không gian số để người dùng tham quan, chiêm ngưỡng trọn vẹn 360 độ sắc nét của vật phẩm, trải nghiệm câu chuyện lịch sử hấp dẫn trong không gian lịch sử văn hóa chân thực.
Không gian số này tích hợp Apple Vision Pro, đón đầu làn sóng công nghệ thực tế mở rộng (XR - Extended Reality) tiên phong bởi Apple và Meta. Từ đây, tầm nhìn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Phygital Labs sẽ hướng đến cung cấp dịch vụ tham quan bảo tàng Metaverse, quảng bá Việt Nam thông qua các di sản đến khách tham quan toàn cầu. Trong ảnh là "Thủ bút Từ Huấn lục", một trong 10 cổ vật đầu tiên của triều Nguyễn vừa được định danh số được giới thiệu trên không gian triển lãm văn hóa số.
Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, công nghệ của Phygital Labs là cầu nối đưa các cổ vật đang được lưu giữ và trưng bày đến với thế giới số, hỗ trợ trong công tác số hoá, lưu giữ, phát huy giá trị cổ vật nói riêng và di sản của triều Nguyễn, văn hóa Huế nói chung.
Trong thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tiếp tục triển khai việc biên soạn nội dung cũng như quét/chụp hình ảnh các cổ vật, hướng đến bảo tàng số theo từng chuyên đề, từng thời điểm, giúp du khách toàn cầu có thể ngắm nhìn, tìm hiểu thông tin với bố cục, màu sắc, âm thanh sống động tương tự như đang tham quan một bảo tàng hay triển lãm thực tế.
Lê Chung