Văn hóa

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khai mạc “Triển lãm tác phẩm, công trình VHNT được Nhà nước hỗ trợ”

30/08/2009 | 07:00

(VH)- Tối qua 25.8, Triển lãm tác phẩm, công trình VHNT được Nhà nước hỗ trợ và Liên hoan múa không chuyên 2009 do Bộ VH,TT&DL và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam chỉ đạo, phối hợp tổ chức đã khai mạc tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam số 2 Hoa Lư (Vân Hồ) Hà Nội.

"Những quân bài định mệnh" của Đoàn kịch Công an nhân dân – do Hội Nghệ sĩ sân khấu VN đầu tư – giải A đạo diễn xuất sắc tại LH Sân khấu thử nghiệm toàn quốc lần thứ nhất

Đây là một hoạt động văn hóa lớn chào mừng Quốc khánh 2.9 và hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đến dự khai mạc có NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, Trưởng ban chỉ đạo Triển lãm.

Đây là lần thứ ba giới văn học nghệ thuật cả nước tổ chức triển lãm những tác phẩm, công trình VHNT được Nhà nước hỗ trợ. Triển lãm lần này có sự tham gia của 10 hội chuyên ngành TƯ và 31 Hội Văn học nghệ thuật địa phương từ Thừa Thiên - Huế trở ra. Triển lãm giới thiệu với công chúng kết quả nỗ lực sáng tạo bền bỉ không ngừng của các văn nghệ sĩ cả nước trong việc sáng tác những tác phẩm, công trình VHNT được Nhà nước hỗ trợ, đồng thời tổng kết những hoạt động sáng tác của các Hội chuyên ngành. Triển lãm trưng bày nhiều tác phẩm, ấn phẩm như tranh, tác phẩm điêu khắc, đồ án, mô hình kiến trúc, tác phẩm âm nhạc, ảnh nghệ thuật, ảnh tư liệu... về hoạt động sáng tác của tất cả các Hội VHNT Trung ương và địa phương trong thời gian qua. Họa sĩ Vũ Giáng Hương – Chủ tịch UB toàn quốc LH các Hội VHNT Việt Nam cho biết: “Triển lãm lần này thể hiện rõ sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với văn học nghệ thuật và anh chị em văn nghệ sĩ, đồng thời thể hiện những nỗ lực bám sát thực tế cuộc sống, lao động sáng tạo hết mình của văn nghệ sĩ với mong muốn có nhiều tác phẩm tốt đóng góp xây dựng đời sống tinh thần của xã hội”. Những tác phẩm, công trình VHNT tham gia triển lãm lần này được đánh giá là bám sát thực tế cuộc sống, phản ánh sinh động những thành tựu về công cuộc đổi mới, đề tài dân tộc và miền núi, đề tài thiếu nhi, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Theo kế hoạch từ 2006 – 2010, hằng năm Nhà nước đầu tư 210 tỷ đồng cho sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật. Các hội chuyên ngành đã sử dụng nguồn kinh phí đó để mở trại sáng tác, tổ chức các chuyến đi thực tế cho văn nghệ sĩ, hỗ trợ các tác giả có kinh phí để hoàn thành và xuất bản tác phẩm. Điều đáng mừng là một số hội chuyên ngành đã chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đầu tư sáng tác cho lớp trẻ nên một số đạo diễn sân khấu, biên đạo múa, nhạc sĩ trẻ, tài năng trẻ nghệ thuật đã có những tác phẩm, công trình có giá trị, góp phần tạo nên diện mạo mới cho văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới. Một số hội chuyên ngành đã tổ chức được những cuộc thi sáng tác bám sát với thực tế của đời sống tạo nên hiệu quả xã hội cao. Ví dụ như Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức Cuộc thi sáng tác kiến trúc hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm phát triển các công trình kiến trúc, các kiểu nhà có giải pháp kỹ thuật đơn giản, có xu hướng thân thiện với môi trường cho đại bộ phận người dân có mức thu nhập khiêm tốn hay việc nghiên cứu, thiết kế xây dựng và chính sách đảm bảo nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp với Cuộc thi Nhà ở xã hội 2006 mang tên “Ít mà tinh, chưa nhiều nhưng đủ”. Nhờ có đầu tư sáng tác mà một số nhà hát, các đoàn nghệ thuật sân khấu thuộc nhiều bộ môn đã xây dựng được một số tác phẩm có chất lượng cao, không chỉ đoạt giải thưởng tại các kỳ liên hoan, hội diễn mà còn được tính bằng số lượng buổi biểu diễn lớn như các tác phẩm: Cát bụi (Nhà hát Kịch Hà Nội), Đợi đến mùa xuân (Đoàn kịch nói Hải Phòng), Trần Anh Tông (Đoàn chèo Nam Định), Những quân bài định mệnh (Đoàn kịch Công an nhân dân), Lưu Bình - Dương Lễ (Đoàn chèo Hà Tây), Hội Nghệ sĩ sân khấu VN phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã tổ chức thành công Cuộc thi tài năng đạo diễn sân khấu toàn quốc đã phát hiện được những đạo diễn trẻ đầy tài năng đã dàn dựng được tác phẩm thực sự có giá trị về nội dung và nghệ thuật... Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng đã xuất bản được rất nhiều ấn phẩm mang tính đặc thù của nhiều thể loại âm nhạc như: 30 năm ca khúc Việt Nam, Hò trong dân ca người Việt, Tiếng hát bên dòng sông trăng… hoặc những công trình nghiên cứu như Tự hào nửa thế kỷ Hội Nhạc sĩ Việt Nam 1957 – 2007, Biến tấu dân ca Nam Bộ, âm nhạc lễ hội, sáng tác khí nhạc... Một số hội chuyên ngành đã có sự phối kết hợp để tạo nên những công trình nghệ thuật mới lạ như lần đầu tiên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Múa VN bắt tay nhau phối hợp tổ chức chương trình ca múa nhạc tổng hợp mang tên Nhịp điệu xuân tại Nhà hát Lớn Hà Nội giới thiệu các tác giả (nhạc sĩ, biên đạo) với các tác phẩm mới và đặc biệt là có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trẻ đã từng đoạt nhiều giải thưởng ở cả hai lĩnh vực. Các tác phẩm, công trình tại triển lãm lần này chỉ là một phần trong các tác phẩm, công trình được Nhà nước hỗ trợ nhưng đã thể hiện ý thức trách nhiệm của các văn nghệ sĩ và sự nỗ lực sáng tạo bền bỉ không ngừng của lực lượng văn nghệ sĩ trong cả nước trong thời kỳ mới.

Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đặt niềm tin vào lực lượng văn nghệ sĩ và mong đội ngũ làm công tác văn học nghệ thuật có những tác phẩm hay, có tầm vóc lớn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân và góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.  Trong năm 2009 – 2010, các Hội Văn học, Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam  sẽ tiến hành đại hội nhiệm kỳ. Các hội văn học, nghệ thuật với chức năng và nhiệm vụ là một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp cần thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, hướng dẫn và động viên đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác, đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ, tích cực góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật. Mong rằng Đại hội các Hội Văn học, nghệ thuật sẽ bầu ra Ban chấp hành mới đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, có khả năng đoàn kết và tập hợp văn nghệ sĩ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ mới. Và dĩ nhiên việc đầu tư sáng tác có hiệu quả sẽ tạo nên những tác phẩm đỉnh cao – cái đích vươn tới của sáng tạo văn học nghệ thuật.

Theo Thúy Hiền (Báo Văn hóa)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×