Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến hết tháng 3.2024, cả nước có 66 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 689/705 quận huyện có trung tâm văn hoá, thể thao hoặc nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 97%; tỷ lệ này ở cấp xã là 77%, cấp thôn là 76%. Hệ thống công đoàn có 50 thiết chế văn hóa, thể thao. Các thiết chế do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quản lý có 56 Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp tỉnh, 106 Nhà Thiếu nhi cấp huyện...
Khắc phục hạn chế về quy hoạch, công tác quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao
13/05/2024 | 14:23Phiên thảo luận 2 tại Hội thảo Văn hóa 2024, các đại biểu thống nhất quan điểm rằng, việc quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay cần có cơ chế đầu tư, quản lý đồng bộ, hiệu quả.
Theo các đại biểu, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao có vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Việc sử dụng, quản lý các thiết chế văn hóa hiện nay đã đạt được thành tựu nhất định, tuy nhiên cũng tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó vẫn còn những bất cập, hạn chế về quy hoạch, bố trí đất, kinh phí xây dựng, công tác quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao...
Điều đó đòi hỏi cần có một hướng đi mới về phát triển văn hóa như chuyển đổi mô hình đầu tư công, hợp tác công tư, gia tăng nguồn lực cho các thiết chế văn hóa... đến từ thể chế, chính sách hỗ trợ phù hợp.
Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, hiện nay có nhiều cách hiểu rộng hẹp khác nhau về thiết chế văn hóa, thể thao, song tựu trung gồm hai nội dung là thiết chế truyền thống và thiết chế đương đại.
Theo đó, đình, đền, chùa, miếu, các nhà thờ, nhà rông, nhà Gươl…là những thiết chế văn hóa truyền thống, bên cạnh các thiết chế đương đại thuộc sở hữu công hay các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao. Chia ra hai bộ phận để xác định đội ngũ vận hành cũng như có chính sách đầu tư, quản lý phù hợp hiệu quả.
Dẫn chứng câu chuyện phát triển bảo tàng tư nhân như một nguồn lực đóng góp vào sự phát triển của thiết chế văn hóa, thể thao, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho biết, Thừa Thiên Huế đến nay vẫn là một trong những địa phương đi đầu trong việc tạo cơ chế chính sách đầu tư cho bảo tàng ngoài công lập. Tuy nhiên, những năm qua, hệ thống bảo tàng ngoài công lập, bảo tàng tư nhân hoạt động gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chính sách không áp dụng, nhất là những hỗ trợ, ưu đãi về đất đai, thuế...
Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vũ Dương Thúy Ngà, thiết chế văn hóa nhiều nhất là thư viện, hiện nay cả nước có tới 50.000 thư viện, trong đó thư viện trường học có khoảng 27.000. Chính vì thế, phát huy thiết chế thư viện là điều cần quan tâm.
Để tạo nên sức hấp dẫn cho thiết chế thư viện, cần đổi mới hoạt động, chuyển đổi số, để đông đảo bạn đọc có thể tiếp cận. Bên cạnh đó, cần có chính sách tiền lương phù hợp để khích lệ tâm huyết và sáng tạo của người làm công tác thư viện - mấu chốt của sự đổi mới hoạt động thư viện.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, Bộ luôn nhận thức tầm quan trọng của phát triển bảo tàng tư nhân. Dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi có nhiều bổ sung liên quan đến hệ thống này, theo hướng cắt giảm thủ tục đăng ký, tiêu chí thành lập bảo tàng tư nhân, giảm nhẹ tiêu chí về bộ sưu tập, quy mô, nhân sự để khuyến khích bảo tàng tư nhân phát triển.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, cần thống nhất những vấn đề mang tính nguyên tắc để có cơ chế, chính sách đầu tư cho thiết chế văn hóa, thể thao một cách phù hợp, hiệu quả. Theo đó, cần xác định đâu là lĩnh vực đầu tư công, đâu là khu vực đầu tư tư và đâu là khu vực sẽ kết hợp các hình thức này để có phương hướng phát triển thiết chế văn hóa, thể thao. Tất cả đều phải dựa trên quan điểm đầu tư cho văn hóa, trong đó có các thiết chế văn hóa, thể thao, là hoạt động đầu tư có tính chất lâu dài./.
Hồng Hà