Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kết quả thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU về “Phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025”

08/09/2023 | 10:42

Sau 3 năm thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU ngày 01/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025”, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của thương mại - dịch vụ - du lịch trong quá trình phát triển kinh tế xã hội được nâng lên.

Công tác quản lý Nhà nước về du lịch đã đạt được những kết quả quan trọng. Ngành du lịch đã được chuyển dịch cơ cấu theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại phát triển bền vững theo quy luật kinh tế thị trường. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, một số dự án du lịch với quy mô lớn, chất lượng cao được đầu tư, xây dựng đã đi vào hoạt động và đang thu hút được một số tập đoàn lớn đến đầu tư du lịch.

Kết quả thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU về “Phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025” - Ảnh 1.

Điểm du lịch Mai Châu Hideway Lake Resort là nơi hội tụ cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp

Thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm, phát triển dịch vụ, du lịch gắn với phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tỉnh thường xuyên tổ chức một số chương trình xúc tiến quảng bá du lịch trong tỉnh và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Qua đó đã tranh thủ sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật từ các tổ chức, doanh nghiệp cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch. Triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; Chương trình Liên kết phát triển du lịch với Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc. Đặc biệt, tháng 3/2022 đã ký Thỏa thuận về Chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2022 - 2026 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam để xúc tiến quảng bá và hợp tác phát triển du lịch của tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức đón được hơn 10 đoàn Famtrip và Presstrip, cùng với các cơ quan truyền thông đến từ các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... để khảo sát, xây dựng sản phẩm, kết nối thành các Chương trình du lịch để thu hút khách đến Hòa Bình.

Thế mạnh sản phẩm du lịch của tỉnh là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, cộng đồng, du lịch thể thao và văn hóa tâm linh. Trong thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo nâng cao chất lượng loại hình du lịch tâm linh trên Khu du lịch Hồ Hòa Bình và các huyện Lạc Thủy, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc, Lạc Sơn… Tiếp tục đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày, Mông mới tại các địa phương có tiềm năng như Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn để thu hút khách du lịch. Ưu tiên, tập trung hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí chất lượng cao tại Khu du lịch Hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu và các huyện Tân Lạc, Cao Phong, Yên Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi… Chú trọng thu hút đầu tư, hiện nay các tập đoàn có thương hiệu như Sun Group, Vin group, Apec… đến để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao và phát triển loại hình du lịch thể thao.

Đối với thị trường khách quốc tế, tỉnh chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế như: Sản phẩm du lịch cộng đồng; du lịch làng nghề thủ công truyền thống; du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí... Từng bước xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Hòa Bình gắn với hình ảnh đặc trưng, độc đáo mang bản sắc văn hóa các dân tộc. Cụ thể là xây dựng được thương hiệu và hình ảnh cho bản Lác, bản Văn, Bản Hang Kia – Mai Châu (đạt 4 sao theo tiêu chuẩn Ocop); Xóm Ngòi - Tân Lạc (đạt 3 sao theo tiêu chuẩn Ocop); Xóm Đá Bia – Đà Bắc (đạt 4 sao theo tiêu chuẩn Ocop) trở thành các điểm đến hấp dẫn đã thu hút được nhiều du khách đến du lịch trải nghiệm.

Tỉnh đã chú trọng khôi phục và xây dựng các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, sản xuất rượu cần, sản xuất hàng lưu niệm… để phục vụ khách du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp như xây dựng các trang trại trồng các loại cây ăn quả, các trang trại trồng hoa và các loại rau củ quả, nuôi trồng thủy sản, kết nối vùng để xây dựng các chương trình du lịch nông nghiệp nhằm tạo điểm đến cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm và mua sắm.

Tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch. Hiện tỉnh đã xây dựng được Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh có địa chỉ http:/hoabinh.tourism.vn để quảng bá du lịch. Tại Cổng du lịch thông minh đã số hóa 360 được 33 điểm, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh và trên 300 tin bài, ảnh, bài dịch tiếng Anh để tuyên truyền, quảng bá cho du lịch. Các cơ quan chuyên môn xây dựng nhiều các video clip để quảng bá du lịch. Nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch đã chủ động xây dựng các trang Web riêng để giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch của đơn vị và kết nối với các trang mạng xã hội để thu hút khách du lịch đến với Hòa Bình.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng. Đối với Khu du lịch Hồ Hòa Bình hiện nay đã đạt 3/5 các điều kiện trở thành Khu du lịch quốc gia theo quy định. Tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các bến, bãi đỗ xe, các điểm dừng nghỉ cho khách du lịch trên các tuyến quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh, đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình. Xây dựng, nâng cấp các bến cảng thủy nội địa vùng Hồ và các tuyến đường thủy trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với các khu, điểm du lịch của một số tỉnh thành trên cả nước.

Ngoài ra, tỉnh đã tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Hòa Bình tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư, lập dự án phát triển du lịch, tiêu biểu như: Dự án Cáp treo và khu phức hợp vui chơi giải trí sân Golf tại thành phố Hòa Bình; Khu du lịch nghỉ dưỡng Mai Đà Resort và Dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Hiền Lương tại huyện Đà Bắc; Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình… Khuyến khích các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện tài nguyên và định hướng phát triển của tỉnh như phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh, thể thao.

Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được quan tâm. Từ năm 2021 đến nay, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với một số trường Đại học và Cao Đẳng Du lịch tổ chức các bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch; tổ chức cho đoàn công tác cán bộ và các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch trên khu du lịch hồ Hòa Bình đi học tập mô hình quản lý, phát triển du lịch cộng đồng tại một số tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Lào Cai, Sơn La.

Qua 3 năm thực hiện, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nền do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhưng lượng khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch đã có nhưng bước tăng trưởng bình quân khá tốt và ổn định trở lại. Đặc biệt, từ 2022 đến nay, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, Hòa Bình là một trong nhưng địa phương mở cửa đón khách sớm nhất. Theo thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã đón trên 7 triệu khách du lịch. Trong đó, có gần 400.000 lượt khách quốc tế và 6.600.000 khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên gần 7.200 tỷ đồng.

Phát huy những kết quả đạt được, thực hiện hiệu quả Đề án số 08-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025”, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực từ ngân sách và huy động các nguồn lực của toàn xã hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đặc biệt là đầu tư hệ thống đường giao thông, bến thuyền kết nối các điểm du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn chất lượng cao để đạt được mục tiêu của Chương trình. Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về vai trò của phát triển du lịch của các cấp, các ngành; đẩy mạnh đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án của trung ương và của Tỉnh về phát triển du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và số hóa trong đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, hình ảnh, sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút đầu tư du lịch và quảng bá cho các khu, điểm, dịch vụ du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân và cộng đồng trong việc gìn giữ phong tục tập quán truyền thống, và hỗ trợ người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch, đặc biệt là hoạt động du lịch cộng đồng để góp phần thúc đẩy du lịch phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc./.

Kết quả thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU về “Phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025” - Ảnh 2.

Khách du lịch quốc tế hài lòng đối với các sản phẩm cao cấp du lịch trên địa bàn tỉnh


Theo Cổng TTĐT Hòa Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×