Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kết quả khai quật khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở phía Đông tháp K- Mỹ Sơn

09/04/2024 | 15:19

Chiều ngày 8/4, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn tổ chức hội thảo báo cáo kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở phía Đông tháp K thuộc Khu di tích Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Đợt khai quật được tiến hành từ đầu tháng 3/2024 đến nay theo Quyết định số 3567 (ngày 22/11/2023) của Bộ VHTTDL, do Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (BQL DSVH Mỹ Sơn) phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành, thăm dò, khai quật khảo cổ với tổng diện tích 220m2.

Kết quả khai quật khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở phía Đông tháp K- Mỹ Sơn - Ảnh 1.

Tháp K Mỹ Sơn.

Báo cáo của Viện Khảo cổ học cho biết, đợt công tác đã mở tổng diện tích 200m2 khai quật, được thiết kế thành 2 hố liền kề hướng Đông - Tây, mỗi hố có diện tích 100m2, hướng hố Bắc lệch Tây 450. Di tích phát hiện một đoạn của con đường dẫn từ tháp cổng K đi vào phía trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn. Sinh thổ là lớp cát núi màu xám trắng.

Trong khu vực khai quật đã làm xuất lộ rõ cấu trúc của một đoạn kiến trúc đường dẫn phía đông tháp K dài 20m, có hướng Đông - Tây lệch về phía Bắc 450. Tổng diện tích con đường đã được làm rõ tính từ chân tháp K (bao gồm đoạn mới được khai quật và đoạn đã được nhóm chuyên gia Ấn Độ làm rõ giai đoạn 2017 - 2018) dài 52,5m. 

Kết quả khai quật khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở phía Đông tháp K- Mỹ Sơn - Ảnh 2.

Dấu tích lớp gạch đổ ở hai bên thành tường phía bắc và phía nam.

Gạch sử dụng để xây tường có hai loại:  gạch pha nhiều cát mịn và gạch có kích thước nhỏ hơn có màu đỏ nhạt, pha ít cát. Xét chi tiết, đoạn tường bao phía bắc và phía nam cũng có một số khác biệt. 

Đợt công tác đã mở 4 hố thăm dò, tổng diện tích 20m2 (mỗi hố có kích thước 5 x 1m = 5m2, hướng đồng nhất đông bắc 450). Trong các hố đều phát hiện dấu tích kiến trúc đường dẫn. Diễn biến các tầng đất ở các hố thăm dò tương tự ở khu vực khai quật đã mô tả ở trên.

Với 220m2 diện tích thăm dò, khai quật khảo cổ tại khu vực phía Đông tháp K - Mỹ Sơn, kết quả thăm dò, khai quật đợt này khẳng định có một con đường dẫn bắt đầu từ tháp K đi vào khu trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn ở thế kỷ XII, mà lần đầu tiên giới nghiên cứu khảo cổ - lịch sử trong nước và quốc tế được biết đến. Con đường này kéo dài trên một khoảng không gian trên 500m khởi đầu từ tháp K hướng đến khu vực sân trước khu tháp F. Hiện tại, qua kết quả thăm dò, khai quật trong hai năm 2023 - 2024 đã có thể xác định chắc chắn cấu trúc của con đường từ tháp K đến khu suối cạn ở về phía đông - cách tháp K khoảng 150m. 

Kết quả khai quật khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở phía Đông tháp K- Mỹ Sơn - Ảnh 3.

Dấu tích móng tường phía bắc tại hố thăm dò 1.

Về di tích, tường bao được xây dựng bằng cách xây/xếp gạch thành hàng đôi ở hai bên, giữa nhồi thêm gạch vỡ. Tường có móng dưới to sau đó xây thu dần lên mặt trên với chiều rộng mặt trên khoảng 0,46m. Căn cứ vào lượng gạch bị đổ trong các hố thăm dò, khai quật có thể nhận định bức tường này không xây cao mà chỉ như một bức tường phân chia giới hạn không gian phía trong và phía ngoài con đường trong cùng một không gian thiêng của di tích.

Di vật phát hiện từ đợt công tác không nhiều nhưng qua một số hiện vật gốm men và đất nung có thể thấy chúng nằm trong khoảng niên đại từ thế kỷ X đến thế kỷ XII trong trật tự địa tầng ổn định. Những di vật trên tiếp tục củng cố cho nhận định kiến trúc đường dẫn có niên đại thế kỷ XII, tương đương với niên đại tháp K.

Từ kết quả nghiên cứu trong hai mùa điền dã 2023 - 2024, vấn đề đặt ra cho giai đoạn tiếp theo là cần làm rõ quy mô, cấu trúc và diện mạo của toàn bộ con đường trong bối cảnh tổng thể khu di tích Mỹ Sơn. Đoàn khảo sát đề xuất BQL DSVH Mỹ Sơn trình UBND huyện Duy Xuyên và các cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Khai quật nghiên cứu khảo cổ học kiến trúc Đường dẫn vào Thánh địa Mỹ Sơn” dự kiến thực hiện trong giai đoạn năm 2025 - 2026.

Kết quả khai quật khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở phía Đông tháp K- Mỹ Sơn - Ảnh 4.

Dấu tích tường gạch phía bắc.

Trước đó, như Báo Văn Hóa đã thông tin, năm 2017 - 2018, khi nhóm chuyên gia Ấn Độ tu bổ, tôn tạo tháp K tiếp tục ghi nhận tháp có hai cửa Đông và Tây. Ở phía đông tháp K có hai đoạn tường bao của một con đường hướng về nhóm tháp E, F. Ngoài những hiện vật thuộc thành phần kiến trúc, còn có hai tượng sư tử trong tư thế đứng, khuôn mặt thể hiện nét hung dữ và nhiều hiện vật đất nung, gốm, sứ rất phong phú cùng sự đa dạng về hoa văn…  Những hiện vật trên được xếp vào niên đại thế kỷ XII .

Vì nhiều lý do khách quan, thông tin về dấu hiệu của việc phát hiện con đường dẫn từ tháp K vào trung tâm Mỹ Sơn chưa được các chuyên gia quốc tế quan tâm đúng mức. Đồng thời, công tác trùng tu cũng khiến cho việc nhận diện những yếu tố gốc của ngôi tháp cũng trở lên khó khăn hơn. 

Tháng 6/2023, theo Quyết định số 1156 (ngày 4/5/2023) của Bộ VHTTDL, BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thăm dò diện tích 20m2 tại khu vực quanh tháp K - Mỹ Sơn nhằm xác thực những thông tin về dấu tích kiến trúc trên. 

Kết quả công tác đã phát hiện hai đoạn của các tường bao kéo dài từ tháp K về phía đông tạo thành con đường hướng vào các khu tháp E - F. Con đường đó khác hẳn với hướng đi được thiết kế để đón du khách đến tham quan Mỹ Sơn hiện tại. Phát hiện trên cũng đặt ra vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu khảo cổ về hệ thống phế tích kiến trúc đường đi ở khu vực quanh tháp K nhằm làm rõ về mặt bằng, quy mô và chức năng của con đường dẫn từ tháp K vào Thánh địa Mỹ Sơn của người Chăm xưa.

Kết quả khai quật khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở phía Đông tháp K- Mỹ Sơn - Ảnh 5.

Dấu tích đà cửa ở thành tường phía nam.


Sau kết quả thăm dò năm 2023, nhóm nghiên cứu đã xác định con đường này có nhiều chức năng:  là Thần đạo - đường đi của các vị thần Ấn Độ giáo;  là Con đường Hoàng gia - con đường giành cho các vị vua chúa và Tăng lữ Chămpa đi vào Thánh địa Mỹ Sơn cúng tế các vị thần của họ. Với kết quả nghiên cứu cập nhật trong đợt công tác này, có thể khẳng định đây là con đường thiêng - con đường dẫn Thần linh, Vua chúa và Tăng lữ Bà la môn giáo đi vào không gian thiêng Thánh địa Mỹ Sơn.

Dấu tích của con đường thiêng hay con đường hành lễ liên quan đến các nghi lễ Ấn Độ giáo đã được các nhà khảo cổ phát hiện ở một số địa điểm có tính chất tương tự khu đền tháp Mỹ Sơn. Năm 2015 tại Gò Tháp Mười (Đồng Tháp) đã phát hiện một đoạn đường lớn chạy dài theo hướng đông tây, đoạn đã xuất lộ 14.8m, rộng 5.0m, có 2 bờ gạch giật cấp kè bên ngoài, bên trong nện nhiều lớp đất khác nhau làm thành nền cứng. Tại Gò Sáu Thuận (An Giang) phát hiện con đường hành lễ rộng 8,85m, với 3 làn đường. Tại khu di tích Cát Tiên (Lâm Đồng), những người khai quật năm 2022 - 2023 đã thông tin về việc phát hiện một con đường rộng 8,85m có cấu trúc tương tự con đường phát hiện ở Mỹ Sơn…

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×