Kết quả bước đầu của các giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tại TP.Hồ Chí Minh
30/08/2020 | 08:04Đến thời điểm hiện nay (8/2020), khoảng 90% - 95% các doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít doanh nghiệp còn hoạt động để xử lý các công nợ với đối tác, khách hàng
Thời gian vừa qua, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn hiện nay, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch hàng đầu của Thành phố để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp về tình hình hoạt động, cũng như những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
Theo thống kê của Sở đến thời điểm hiện nay (8/2020), khoảng 90% - 95% các doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít doanh nghiệp còn hoạt động để xử lý các công nợ với đối tác, khách hàng; nhân viên luân phiên chia ca làm việc trực tuyến tại nhà hoặc nghỉ không hưởng lương đến khi hết dịch Covid-19 sẽ đi làm lại.
Đối với hoạt động cơ sở lưu trú, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng, các đơn đặt phòng trong tháng 7 và tháng 8 tại các khách sạn đa số bị hủy; các hợp đồng hội nghị, tiệc cưới, nhà hàng (quy mô 30 khách trở lên) cùng bị hủy. Điều này một lần nữa tác động đến kết quả kinh doanh và tình hình nhân sự của các khách sạn, một số khách sạn bắt đầu thực hiện tinh giảm biên chế, chia ca làm việc 2 - 3 ngày trong tuần. Công suất phòng hiện nay giảm 91,5% so với cùng kỳ, số lượng lao động giảm 61% so với cùng kỳ (trong đó 87.4% lao động nghỉ không lương và 12.6 % chấm dứt hợp đồng lao động).
Trước những khó khăn, thiệt hại nặng nề do dịch bệnh gây ra, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, Thành phố đã có những chính sách kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua; đa số các doanh nghiệp đồng tình, đánh giá cao các chính sách hỗ trợ này. Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh đã tổng hợp các chính sách và biên soạn thành cẩm nang hướng dẫn triển khai đến doanh nghiệp du lịch và người lao động để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động trong việc tiếp cận với các chính sách hỗ trợ. Kết quả bước đầu của các giải pháp hỗ trợ đạt được như sau:
07/50 doanh nghiệp (lữ hành, cơ sở lưu trú) gặp khó khăn trong liên hệ với Ngân hàng được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay theo Công văn số 434/HCM-TH-KSNB ngày 24/02/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh về việc phối hợp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
453 cơ sở lưu trú du lịch được giảm 10% giá bán điện theo Quy định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công thương trong 3 tháng, kể từ kỳ hóa đơn gần nhất kể từ ngày 16/4/2020 (hóa đơn tiền điện tháng 5, 6 và 7/2020).
Có 21 công ty lữ hành và 436 hướng dẫn viên được hưởng chính sách giảm phí, lệ phí theo Thông tư 35/2020/TT-BTC ngày 05/05/ 2020 quy định mức thu, nộp phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (giảm 50% so với trước dịch Covid-19).
Tuy nhiên, qua thông tin phản ánh của các doanh nghiệp lữ hành vẫn còn gặp một số khó khăn, trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Nguyên nhân do không có tài sản thế chấp nên các doanh nghiệp khó tiếp cận các gói vay tín chấp của Ngân hàng: theo đánh giá của các Ngân hàng, ngành Du lịch là nhóm ngành rủi ro cao, không có khả năng trả nợ do khách đi du lịch chưa nhiều, nhưng vẫn trả các chi phí phục vụ cho việc duy trì hoạt động như tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên, điện, nước…
Bên cạnh đó, tình hình áp dụng chính sách tại mỗi địa phương có những đặc thù riêng; các quy định, điều kiện nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ chưa có hướng dẫn cụ thể đối với nghề hướng dẫn viên nên phải thực hiện nhiều thủ tục xác nhận chuẩn hộ nghèo, chứng minh về thu nhập trước khi mất việc, xác nhận không lao động ở quê…