Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng tại buổi làm việc với Bộ VHTTDL
13/11/2014 | 09:05Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Thông báo số 103/TB/VPTW thông báo kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng và cán bộ chủ chốt của Bộ VHTTDL về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương khoá XI trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch; nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Hoan nghênh và đánh giá cao Bộ VHTTDL đã tích cực chuẩn bị chu đáo nội dung buổi làm việc. Các báo cáo, tài liệu được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ nội dung, số liệu cụ thể, đã đánh giá, làm rõ được những kết quả, hạn chế trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, đặc bịệt là từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đến nay, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Văn hoá là lĩnh vực rộng lớn, phong phú, đa dạng, thấm sâu vào trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, ngành văn hoá, thể thao và du lịch có sự phát triển khá nhanh về quy mô, số lượng, loại hình hoạt động; hệ thống chính sách, pháp luật, đội ngũ cán bộ căn bản đáp ứng được yêu cầu quản lý, phát triển; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm tiếp tục được tăng cường, tạo sự chuyển biến tích cực; các hoạt động văn hoá, nghệ thuật công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, văn hoá đối ngoại, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, quản lý và tổ chức lễ hội, việc cưới, việc tang; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá; phong trào thể dục thể thao có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình từng bước được nâng cao; hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật về du lịch được đầu tư phát triển với tốc độ nhanh; các chỉ số về tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tổng thu từ khách du lịch tăng khá, trở thành một trong những điểm sáng của nền kinh tê.
Tuy nhiên những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã và đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức đối với ngành văn hoá, thể thao và du lịch. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực văn hoá chưa theo kịp nhịp độ phát triển chung của đất nước chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của toàn Đảng, toàn dân. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; môi trường văn hoá có biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong rnỹ tục các tệ nạn xã hội, tội phạm, tai nạn giao thông, vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng. Tình trạng nhập khẩu, tiếp thu thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá chưa xử lý được mâu thuẫn giữa mục tiêu đề ra với khả năng đầu tư từ ngân sách nhà nước, từ các nguồn lực xã hội còn hạn hẹp. Nguy cơ mai một bản sắc văn hóa, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Những hạn chế, yếu kém trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nhận thức của các cấp uỷ đảng, các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hoá chưa đầy đủ, chưa sâu sắc; chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thể chế hoá các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; bố trí cán bộ chưa đúng người, đúng việc, chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ; đầu tư từ ngân sách nhà nước cho ngành còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu, trong khi thực hiện xã hội hoá huy động các nguồn lực cho phát triển ngành còn gặp nhiều khó khăn; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm, sự phối hợp với các ban, bộ, ngành, các địa phương chưa thực sự hiệu quả và thường xuyên.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, ngành văn hoá, thể thao và du lịch cần thực hiện tốt các nội dung sau đây:
Tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hoá, nhất là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Quán triệt và thực hiện tốt mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh dân chủ, công bằng, văn minh. Trọng tâm của phát triển văn hoá là xây dựng con người văn hoá và môi trường văn hoá lành mạnh. Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hoá và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Văn hoá vừa là trụ cột, vừa là nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Những nội dung trên cần phải trở thành nhận thức của toàn Đảng, của toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá, gia đình, thể thao và du lịch.
Cần đặc biệt quan tâm, coi trọng công tác thể chế hoá, cụ thể hoá các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hoá, gia đình, thể thao, du lịch thành luật pháp, cơ chế, chính sách, các chương trình, kế hoạch hành động để nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng đi vào cuộc sống.
Hết sức coi trọng công tác cán bộ, từ khâu đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, sử dụng cho cả trước mắt và lâu dài; xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, có trí tuệ, có nhân cách, đạo đức, có lối sống tiêu biểu về văn hoá.
Về vấn đề nguồn lực, cần huy động nhiều nguồn lực trong xã hội và có cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa. Trong điều kiện nguồn đầu tư nhà nước hạn chế, cần có cơ chế, chính sách đẩy mạnh công tác xã hội hoá, huy động được nhiều nguồn lực cho ngành; đồng thời phải có cơ chế đặc thù đối với các lĩnh vực hoạt động có tính đặc thù.
Hoạt động của lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể thao và du lịch liên quan đến nhiều ban, bộ, ngành, địa phương, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp và phối hợp tốt hơn nữa với các cấp, các ngành: Tuyên giáo, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ... Đồng thời, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật, cơ chế, chính sách cho phù họp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trên tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành, bảo đảm môi trường văn hoá phát triển lành mạnh.
Quan tâm đẩy mạnh hoạt động văn hoá đối ngoại, quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, phong tục, tập quán và con người Việt Nam ra thế giới.
Các cơ quan, đơn vị trong ngành từ Trung ương đến cơ sở phải làm thật tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể; xây dựng nội bộ cơ quan trong sạch, đoàn kết, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài, có tâm, phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá và con người Việt Nam. Phải xác định đây là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành. Cán bộ làm công tác văn hoá phải là tấm gương sáng về sống và làm việc có văn hoá. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về công tác xây dựng Đảng, Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Các kiến nghị, đề xuất của ngành về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hoá, gia đình, thể thao và du lịch; xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật; về đầu tư; về việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù; về xây dựng và thực hiện các chương trình mục tiêu... là rất cần thiết và xác đáng. Bộ VHTTDL cần chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất, phối hợp giải quyết và tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả.
CTTĐT