Kết luận của Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên tại Hội nghị-Hội thảo đánh giá 10 năm thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam
07/10/2015 | 17:05Ngày 24.9.2015, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã chủ trì Hội nghị-Hội thảo đánh giá 10 năm (2005-2015) thực hiện “Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 (Ban hành theo Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23.6.2005 của Thủ tướng Chính phủ) và Định hướng thực hiện Quy hoạch giai đoạn 2016-2020”.
Quá trình phát triển của hệ thống bảo tàng Việt Nam nói chung, thực tiễn 10 năm triển khai Quy hoạch nói riêng, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể: Công tác xây dựng hệ thống pháp luật về bảo tàng được đẩy mạnh; hệ thống bảo tàng được củng cố, nâng cấp và phát triển; hoạt động bảo tàng tiếp tục được đổi mới cả về hình thức và nội dung, nhiều bảo tàng đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thực hiện tốt việc giáo dục truyền thống, nâng cao tri thức văn hóa, khoa học cho công chúng, đồng thời góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới: Nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí và vai trò của bảo tàng còn chưa toàn diện, đầy đủ; việc triển khai các dự án xây dựng mới, chỉnh lý, nâng cấp trưng bày một số bảo tàng chưa bảo đảm tiến độ về thời gian; một số bảo tàng còn trùng lặp về nội dung trưng bày, hiệu quả hoạt động chưa cao; hiện vật chưa phong phú, nội dung trưng bày chưa đảm bảo tính khoa học, hấp dẫn; mức đầu tư kinh phí cho xây dựng, trưng bày và tổ chức hoạt động của bảo tàng còn thấp và còn có sự chưa hợp lý giữa đầu tư cho xây dựng công trình và đầu tư cho trưng bày; thiếu đội ngũ chuyên gia và cán bộ giỏi trong lĩnh vực chuyên môn bảo tàng; công tác xã hội hoá hoạt động bảo tàng chưa được đẩy mạnh.
Để triển khai có hiệu quả hơn nữa Quy hoạch, trong giai đọan 2016-2020 đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau:
Xác định rõ nhiệm vụ, kế hoạch và giải pháp nhằm hoàn thành Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng đến năm 2020. Trong điều kiện kinh phí đầu tư còn nhiều khó khăn, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động thành lập bộ phận để sưu tầm hiện vật, chuẩn bị nội dung trước khi quyết định xây dựng kiến trúc bảo tàng.
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tàng, đặc biệt là định mức chi phí cho các hoạt động bảo tàng và cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, giữa hệ thống bảo tàng công lập với bảo tàng ngoài công lập, giữa các bảo tàng đầu hệ với chi nhánh để kết hợp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đã có.
Kiện toàn tổ chức, phát triển nguồn nhân lực, thông qua việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ bảo tàng. Tiếp tục phát huy vai trò của các bảo tàng đầu hệ với tư cách là cơ sở đào tạo, thực hành.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia vào các dự án phát triển của bảo tàng; tăng cường công tác xã hội hóa hoạt động bảo tàng; tổ chức tốt hoạt động dịch vụ của bảo tàng, tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ.
Tăng cường gắn kết hoạt động của các bảo tàng với các tổ chức, doanh nghiệp du lịch nhằm mở rộng khả năng quảng bá hình ảnh của các địa phương, đất nước tới du khách, đồng thời qua đó tăng thêm nguồn thu để đầu tư trở lại cho các hoạt động bảo tàng.
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, toàn diện, tạo điều kiện để bảo tàng tham gia các tổ chức quốc tế, xúc tiến chương trình hợp tác nghiên cứu với các bảo tàng trong khu vực và trên thế giới.
Giao Cục Di sản văn hóa nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh Báo cáo 10 năm (2005-2015) thực hiện Quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai Quy hoạch trong thời gian tới.
CTTĐT
(Nguồn Thông báo số 4119/TB-BVHTTDL)