Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kết luận của Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên tại Hội nghị Sơ kết 10 năm Bảo tồn DSVH phi vật thể Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên

01/04/2016 | 14:19

Ngày 29.3.2016, Bộ VHTTDL đã có Thông báo số 1064/TB-BVHTTDL về kết luận của Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên tại Hội nghị sơ kết 10 năm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.

Sau khi nghe đại diện Cục Di sản văn hóa báo cáo kết quả 10 năm bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, ý kiến phát biểu của các thành viên dự Hội nghị, Thứ trưởng kết luận:

Đánh giá chung

Nhìn chung, từ năm 2005, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại cho đến nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai đầy đủ các nội dung, đúng cam kết, cụ thể:

Hoạt động sưu tầm, nghiên cứu: Các địa phương đã tích cực tổ chức điều tra, thống kê, bổ sung thêm nhiều sách, dụng cụ, nhạc cụ…đã tổ chức được nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị. Trong chừng mực nhất định, kết quả thống kê, sưu tầm cũng phản ánh phần nào hiện trạng của di sản.

Hoạt động bảo tồn và truyền dạy: Bước đầu các địa phương đã có nhận thức đúng đắn về giá trị của công tác bảo tồn và truyền dạy, hầu hết đã xây dựng được đề án, kế hoạch bảo tồn di sản. Trong công tác truyền dạy đã sưu tầm, tìm được nhiều nghệ nhân để tổ chức nhiều lớp truyền dạy cho nhiều đối tượng, đa phần là các thanh thiếu niên; đã nâng cao được nhận thức của đồng bào về vai trò chủ sở hữu di sản và ý thức gìn giữ bản sắc dân tộc.

Song song với việc sưu tầm, giữ gìn, các tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động phục hồi các lễ hội. Từng tỉnh đã tổ chức, khôi phục nhiều lễ hội tiêu biểu, nhiều tư liệu về bài chiêng từ những bài truyền dạy nguồn gốc, xuất xứ cho đến những bài tấu chiêng, nhạc chiêng sử dụng trong các lễ hội và đã đạt những kết quả thiết thực.

Hoạt động biểu diễn và quảng bá: Định kỳ, các địa phương đều tổ chức Liên hoan Cồng Chiêng từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Tham gia hoạt động quảng bá còn có Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cơ quan đã sưu tầm và số hóa băng đĩa và tư liệu về Văn hóa Cồng Chiêng.

Một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới


Sở VHTTDL các tỉnh có Di sản Cồng Chiêng

Tiếp tục tập trung thực hiện các nội dung đã cam kết trong hồ sơ đệ trình UNESCO, trong giai đoạn 2016-2020.

Sở VHTTDL các tỉnh đã xây dựng Đề án cần tiếp tục xem xét, bổ sung cho phù hợp với giai đoạn 2016-2020; đối với Sở chưa xây dựng Đề án cần khẩn trương xây dựng Đề án trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt và xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong kế hoạch chung hàng năm của các Sở. Đề án được phê duyệt gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk để tổng hợp, báo cáo Bộ.

Bộ VHTTDL giao Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk là đầu mối tổng hợp xây dựng đề án tổng thể Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, báo cáo Bộ để Bộ trình Thủ tướng phê duyệt. Hoàn thành việc xây dựng đề án tổng thể trước ngày 31.8.2016.                        

Một số công tác trọng tâm:


Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể theo Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL; tiếp tục thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25.6.2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa Phi vật thể, Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28.10.2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Kiện toàn bộ máy chức năng quản lý di sản: Giao phòng chức năng thuộc Sở tham mưu giúp lãnh đạo Sở thực hiện quản lý Nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng Chiêng.

Các địa phương cần củng cố và phát triển các câu lạc bộ cồng chiêng: Các địa phương hằng năm tổ chức Festival văn hóa Cồng Chiêng 1năm/1 lần, thời điểm tổ chức do Giám đốc Sở quyết định; các tỉnh luân phiên đăng cai tổ chức Liên hoan Cồng chiêng 2 năm/1lần cấp khu vực. Bắt đầu năm 2017, tỉnh Đắk Lắk đăng cai; Các tỉnh cân đối kinh phí sự nghiệp và đưa vào kế hoạch cụ thể hàng năm.

Các tỉnh có ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể (Kon Tum và Lâm Đồng) tiếp tục khai thác và hỗ trợ các tỉnh chưa có.

Cục Di sản văn hóa: Hỗ trợ, chỉ đạo, giám sát 5 tỉnh Tây Nguyên xây dựng, thực hiện Đề án bảo tồn di sản văn hóa Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25.6.2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30.6.2010 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ và UNESCO.

Văn phòng Bộ (Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng): Phối hợp với Cục Di sản văn hóa theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Thông báo kết luận Hội nghị, tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ định kỳ hàng quý về tình hình bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên. Hỗ trợ Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cập nhật và khai thác hiệu quản ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể khu vực Tây Nguyên.

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Chuyển giao và giúp các tỉnh Tây Nguyên trong việc tái bản các sách, ấn phẩm, tư liệu số hóa đã và đang được lưu giữ tại Viện đối với tỉnh có nhu cầu tái bản; hoàn thiện Báo cáo 10 năm bảo tồn Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, báo cáo Bộ; phối hợp với Cục Di sản văn hóa giám sát các tỉnh thực hiện đề án, dự án của các tỉnh; phối hợp với Sở VHTTDL 05 tỉnh Tây Nguyên đề xuất, xây dựng các tài liệu, ấn phẩm quảng bá; giao Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam liên hệ với Trung tâm Di sản văn hóa phi vật thể Nhật Bản chuẩn bị kế hoạch xây dựng dự án nâng cao năng lực bảo tồn cho đồng bào.

Học viện Âm nhạc Huế: Khẩn trương xây dựng giáo trình truyền dạy Cồng chiêng Tây Nguyên để chuyển giao và đưa vào truyền dạy; ngay trong năm 2016, tổ chức tuyển sinh theo hai hình thức: học tập tại trường và truyền dạy tại địa phương; giúp các tỉnh Tây Nguyên cân đối 20% thời lượng chương trình giảng dạy Cồng Chiêng Tây Nguyên trong chương trình đào tạo.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×