Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về triển khai kịch bản Lễ khai mạc, Mít tinh, diễu binh, diễu hành và Đêm hội Văn hóa-Nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm TL-HN
20/08/2010 | 11:31(VP) – Ngày 10/8, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp triển khai kịch bản Lễ khai mạc, Mít tinh, diễu binh, diễu hành và Đêm hội văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng – Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia.
Sau khi nghe ý kiến, báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, các Bộ, Phó Thủ Tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã có ý kiến chỉ đạo như sau:
Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới là sự kiện quan trọng vinh danh giá trị văn hóa – lịch sử của Thăng Long- Hà Nội, của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dụng nước và giữ nước. Đây là nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp, của UBND thành phố Hà Nội và các chuyên gia, các nhà khoa học. Để phát huy ý nghĩa của sự kiện này, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu với đồng bào cả nước và nhân dân thế giới, cần phải tổ chức tốt Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.trong đó phải trú trọng đặc biệt đến 03 chương trình: Lễ khai mạc, Mít tinh, diễu binh, diễu hành.
Về Lễ khai mạc: Thành phố Hà Nội phải phối hợp thật tốt với các đơn vị liên quan để thực hiện tốt kịch bản Lễ khai mạc, tổ chức tập luyện, sơ duyệt và tổng duyệt Lễ khai mạc Đại lễ, đồng thời bổ sung về nội dung UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới, Đêm hội văn hóa – nghệ thuật: UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn chỉnh kịch bản văn học và thành lập tổ đạo diễn Đêm hội văn hóa nghệ thuật, bên cạnh đó phải hoàn chỉnh kế hoạch tổng thể các hoạt động thực hiện Đêm hội văn hóa, nghệ thuật. Trong đó có các phương án phù hợp với thời tiết.
Về Lễ Mít tinh, diễu binh diễu hành: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan tập trung triển khai công tác chuẩn bị theo đúng Đề án, Kế hoạch đã được phê duyệt, ngoài ra nội dung dự thảo văn bản tại buổi lễ phải cần gọn và xúc tích, có tính khái quát cao và mang hào khí dân tộc, mang dấu ấn 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Lời thuyết minh, người đọc thuyết minh, lễ tân phải chuẩn bị chu đáo phù hợp. Bộ Ngoại giao phải phối hợp với các đơn vị để lập danh sách khách mời tham dự, chương trình lễ tân phải có kế hoạch phân công thực hiên và giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị chủ trì, cùng với thành phố Hà Nội có thư cảm ơn UNESCO và một số cá nhân, tổ chức có liên quan.
Phó Thủ tướng cũng có một số kiến nghị, đề xuất đến các đơn vị:
Đồng ý chọn phương án: Khối xếp hình, xếp chữ ngồi ghế nhựa cao 40cm trên nền cỏ và đài truyền hình Việt Nam bố trí máy quay phía trên Lăng để quay toàn cảnh. Thực hiện xã hội hóa lắp đặt màn hình LED để phục vụ người dân theo dõi truyền hình trực tiếp buổi lễ và không chiếu quảng cáo trong thời gian tổ chức Mít tinh, diễu binh, diễu hành. Chuyển nội dung thả bóng bay và chim bồ câu về cuối chương trình nghệ thuật 30 phút, đồng ý về việc Khối diễu hành mang theo biểu tượng Bằng của UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long, sử dụng các xe ô tô đã có sẵn để phục vụ lễ diễu binh diễu hành. Bắn 21 loạt đại bác tại Sân vận động Cột Cờ Hà Nội trong lúc cử Quốc thiều, hát Quốc ca, tổ chúc các trận đấu của giải bóng đá quốc tế cúp Thăng Long nhưng không được làm ảnh hưởng đến Đêm Hội văn hóa – nghệ thuật ngày 10/10 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Các thiết bị phục vụ cho Đại lễ được giao cho thành phố Hà Nội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phụ trách.
Hội Cựu chiến binh thống nhất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị để tổ chức lễ cầu siêu tại Quảng Trị kết hợp với nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn trong Chương trình đón tiếp Đoàn đại biểu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng về dự Đại lễ.
Không triển khai dàn kèn đồng 1000 người, dàn hợp xướng 1000 người trước khán đài B, C và chuyển dàn đồng ca hát ngợi ca Hà Nội do thành phố Hà Nội tổ chức, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kịch bản và lựa chọn bài hát. Không bố trí Đoàn đại biểu Anh hùng, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng tham gia diễu hành.
Do thời gian đến Đại lễ là rất gần, Phó Thủ tướng yêu cầu các Thành viên Ban chỉ đạo, Tiểu ban chỉ đạo quốc gia tập trung cao vào việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch của từng kịch bản, đề án được phân công. Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ rà soát lần cuối và tổng phê duyệt chung chương trình vào cuối tháng 9/2010.
HCTC