Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kết luận của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại Hội nghị trực tuyến về Chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang

01/06/2012 | 16:54

(VP) - Ngày 31/5, Bộ VHTTDL đã ban hành Văn bản số 1698/TB-BVHTTDL thông báo kết luận của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại Hội nghị trực tuyến về chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang diễn ra ngày 18/5 tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, luôn thu hút đông đảo quần chúng tham gia, góp phần giáo dục, định hướng về thẩm mỹ, phong cách, đạo đức, lối sống đến người xem, nhất là giới trẻ. Ngành văn hoá, thể thao và du lịch thống nhất quản lý nhà nước hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.

Để chấn chỉnh những bất cập, sai phạm và đưa hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang vào nề nếp gắn kết đồng thời giữa “chống” và “xây” (chống những tiêu cực, sai phạm và xây dựng những chương trình, hoạt động giàu tính nghệ thuật, thẩm mỹ, nhân văn, định hướng giáo dục nhân cách).

Hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang phải lấy mục đích phục vụ nhân dân là định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giáo dục nếp sống lành mạnh và phong cách ứng xử có văn hóa cho mọi người; kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái, nghĩa tình, thuần phong mỹ tục; nâng cao hiểu biết và trình độ thẩm mỹ, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân; ngăn chặn sự xâm nhập và bài trừ những sản phẩm văn hóa có nội dung độc hại; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với các công việc cụ thể, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh có ý kiến như sau:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang theo hướng cụ thể, đồng bộ, tăng cường hiệu lực răn đe của các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm theo hướng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa.

Đặc biệt tập trung mở rộng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền quyền sử dụng giấy phép công diễn, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khác cấm biểu diễn từ 06 tháng đến 02 năm đối với người biểu diễn vi phạm quy định: Tự tiện thay đổi nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau khi đã được cấp giấy phép; Tự tiện thêm bớt lời ca, lời thoại hoặc thêm động tác diễn xuất khác với khi duyệt cho phép công diễn gây hậu quả xấu; Tự tiện thay đổi trang phục khác với trang phục đã được cơ quan có thẩm quyền duyệt và cho phép; Mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam; Người biểu diễn lợi dụng giao lưu với khán giả để có những hành vi thiếu văn hóa hoặc phát ngôn thô tục, không đúng đắn; Dùng băng, đĩa hoặc các phương tiện kỹ thuật âm thanh khác đã thu sẵn để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn.  

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau khi cấp phép, tiếp nhận giấy phép biểu diễn. Xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt tăng trách nhiệm cá nhân đối với những người làm công tác quản lý trên địa bàn.

Xử phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân, các công ty tổ chức biểu diễn, người biểu diễn có hành vi vi phạm, đặc biệt là các lỗi: Mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam; dùng băng, đĩa hoặc các phương tiện kỹ thuật âm thanh khác đã thu sẵn để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn.

Tổ chức gặp gỡ các đơn vị nghệ thuật, công ty tổ chức biểu diễn, các nghệ sỹ, diễn viên, người mẫu, đặc biệt là các đối tượng trẻ để phổ biến các quy định của pháp luật, lắng nghe ý kiến từ thực tế cơ sở để có giải pháp quản lý phù hợp, hài hoà.

Đối với các đơn vị tổ chức biểu diễn, trình diễn thời trang: Chấp hành đúng, đầy đủ quy định về tổ chức biểu diễn, trình diễn thời trang, tự nâng cao nhận thức trách nhiệm pháp lý, xã hội khi tổ chức các hoạt động này, tuyên truyền, phổ biến cho các nghệ sỹ, ca sỹ, người mẫu… tự giác chấp hành đúng quy định của pháp luật.

Xây dựng chương trình, tiết mục nghệ thuật phù hợp, đảm bảo lồng ghép mục tiêu cụ thể trong mục tiêu chung hướng về công chúng, góp phần định hướng thẩm mỹ nghệ thuật. Đảm bảo chất lượng chương trình nghệ thuật đã được cấp phép công diễn.

Trường hợp đặc biệt cần thay đổi, bổ sung tiết mục phải được sự đồng ý của cơ quan cấp phép hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi đơn vị đến lưu diễn.

Trong quá trình biểu diễn, phát hiện có vi phạm, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam, phải dừng biểu diễn và báo cáo cơ quan cấp phép.

Đối với các nghệ sỹ, ca sỹ, diễn viên, người mẫu: Kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ nghệ sĩ lão thành đi trước. Xác định trách nhiệm cá nhân đối với công chúng và xã hội trong thực hiện các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, đóng góp tích cực hơn nữa cho hoạt động văn hóa nghệ thuật của đất nước.

Tuân thủ các quy định của pháp luật. Không vì lợi ích cá nhân mà bỏ qua, bất chấp những quy định của pháp luật, vi phạm giới hạn về đạo đức, nhân cách, lối sống, tạo nên những hình ảnh xấu, tác động tiêu cực đến xã hội.

Đối với các Hội chuyên ngành:
Đề nghị Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Hội Người mẫu Việt Nam và các Hội nghề nghiệp chuyên ngành văn hóa nghệ thuật Trung ương và địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác giáo dục, tuyên truyền, định hướng dư luận nhằm chấn chỉnh những bất cập, sai phạm xảy ra trong thời gian vừa qua và góp phần đưa hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang vào nề nếp.

Giao Cục Nghệ thuật biểu diễn: Dự thảo công văn của Bộ đề nghị các Đài truyền hình, phát thanh không phát sóng chương trình nghệ thuật, trình diễn thời trang có nội dung không đúng với giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, có “hát nhép”, “nhạc nhái”, trang phục ca sỹ, nghệ sỹ, diễn viên, người mẫu không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Dự thảo Công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chỉ đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương không đưa tin, bài, hình ảnh nghệ sĩ, người mẫu sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục;

Đồng thời Tổ chức Hội nghị, gặp gỡ các công ty, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, các nghệ sĩ tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để quán triệt việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 65/CT-BVHTTDL ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Đồng thời, tập hợp các văn bản liên quan đến hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang gửi các tổ chức, cá nhân, các địa phương để thống nhất triển khai thực hiện.

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×